(KTSG) - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) mới đây đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn dự kiến, nhằm xoa dịu phần nào nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải chống chịu với sự leo thang của giá năng lượng. Tuy nhiên, mức tăng của OPEC+ liệu có đủ để hạ nhiệt thị trường dầu?
Hôm 2-6, OPEC+ đã nhóm họp trong bối cảnh cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnsson đều đang gia tăng sức ép, yêu cầu tổ chức này nỗ lực nhiều hơn trong việc lấp đầy khoảng trống sản lượng mà các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga tạo ra. Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ hồi tháng trước cũng đã thông qua một dự luật chống độc quyền, cho phép Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khởi kiện OPEC, các quốc gia thành viên của tổ chức này, cũng như các nước đối tác của OPEC trong OPEC+ nếu nhận thấy có hành vi dàn xếp để đẩy giá dầu lên cao.
Các nỗ lực này của Washington và London đã bước đầu mang lại kết quả khi các nước OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn dự kiến, nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải chống chịu với giá năng lượng leo thang. Cụ thể, OPEC+ sẽ tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, cao hơn khoảng 50% so với mức tăng đang áp dụng là 432.000 thùng/ngày.
Bà Ipek Ozkardeskaya, chuyên gia phân tích cấp cao tại Ngân hàng Swissquote (Thụy Sỹ) gọi đây là một “diễn biến rất bất ngờ”, bởi trước đó OPEC đã liên tục từ chối lời kêu gọi nâng sản lượng từ Mỹ, Anh và các quốc gia phương Tây khác.
Bên cạnh sức ép từ các nước phương Tây, có nhiều yếu tố được cho là đã khiến các nước OPEC+ thay đổi ý định duy trì sản lượng dầu. Các nền kinh tế đã mở cửa trở lại và dần phục hồi sau đại dịch, đẩy nhu cầu dầu thô tăng cao. Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, bắt đầu nới lỏng hạn chế phòng dịch khi số ca mắc Covid-19 giảm dần.
Ngoài ra, theo Forbes, việc giá dầu liên tục tăng cao như hiện nay cũng không phải là điều mà các nước OPEC+ mong muốn, bởi điều này đang khiến lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều quốc gia, đè nặng lên đời sống người dân và có thể ảnh hưởng xấu tới nhu cầu xăng dầu.
Khi giá một bình xăng tăng khoảng 15%, người tiêu dùng đã có thể cảm nhận được tác động một cách rõ ràng, nhưng dù sao, mức tăng này vẫn nằm trong ngưỡng chấp nhận được, và có thể sẽ không làm thay đổi thói quen lái xe. Tuy nhiên, nếu chi phí xăng tăng 150%, người tiêu dùng sẽ bắt đầu cảm thấy việc đi xe buýt hoặc mua một chiếc xe điện là một lựa chọn hấp dẫn hơn rất nhiều.
Đây chính là vấn đề mà OPEC+ luôn hướng tới: giữ mức giá dầu đủ cao để thu được lợi nhuận trong dài hạn, nhưng đồng thời cũng không gây tác động tiêu cực tới nhu cầu. Trên thực tế, trước cuộc họp vừa qua, nguồn cung dầu từ OPEC+ đã tăng đều đặn kể từ tháng 9-2021 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
…Nhưng vẫn chưa đủ để hạ nhiệt giá dầu
Tuy nhiên, bất chấp động thái từ OPEC+, giá dầu thế giới vẫn tăng trong hai phiên giao dịch liên tiếp sau đó. Giá dầu WTI kết thúc tuần giao dịch trước với mức tăng 3,3% trong khi giá dầu Brent tăng 3,6%. Theo các số liệu từ Marketwatch, kể từ đầu năm tới nay, giá dầu thô WTI đã tăng 59,4% trong khi giá dầu Brent tăng 55,35%, chủ yếu là do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính Thụy Sỹ UBS Group AG, đánh giá “Mức tăng sản lượng này vẫn còn thấp. Một số người đã kỳ vọng vào một mức tăng cao hơn thế”. Trên thực tế, mức tăng lần này cũng chỉ tương đương 0,7% nhu cầu dầu của thế giới.
Thị trường năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với mức giá cao trong thời gian tới, ít nhất là trong ngắn hạn. Theo dự đoán của Sankey Research, giá dầu Brent có thể nằm trong khoảng 110-150 đô la/thùng trong mùa hè năm nay hoặc lâu hơn. Theo Goldman Sachs, giá dầu Brent chuẩn quốc tế có thể đạt khoảng 125 đô la/thùng trong nửa cuối năm.
Quan trọng hơn, nhiều chuyên gia đã đồng loạt chỉ ra rằng, mức tăng sản lượng trên thực tế của các nước OPEC+ sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu đã đề ra.
Trong một ghi chú mới công bố, hai nhà phân tích Damien Courvalin và Callum Bruce của Goldman Sachs cho biết quyết định mới của OPEC+ đồng nghĩa rằng sản lượng dầu thô trong mùa hè năm nay sẽ tăng thêm khoảng 200.000 thùng/ngày trong bối cảnh OPEC+ vẫn giữ nguyên hạn ngạch sản lượng của Nga, còn nhiều nước thành viên khác tiếp tục không thể hoàn thành mục tiêu nguồn cung. Điều này cho thấy sản lượng của liên minh dầu mỏ không thể đi lên trong nửa cuối năm nay.
Còn theo hai nhà phân tích Eric Lee và Francesco Martoccia của Citigroup, trên thực tế, sản lượng của OPEC+ chỉ có thể tăng thêm 132.000 thùng/ngày từ các nước Ảrập Saudi, UAE, Kuwait và Iraq.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Warren Patterson - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của Ngân hàng ING, cho biết mức tăng nguồn cung thoạt trông có vẻ lớn, nhưng rất khó để OPEC+ thực sự hoàn thành mục tiêu. Theo vị chuyên gia này, sản lượng dầu thô của Nga có thể sẽ đi xuống trong những tháng tới khi các lệnh trừng phạt của châu Âu phát huy tác dụng, trong khi công suất dự phòng của OPEC+ đang rất eo hẹp.
Ông Paul Sankey, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn năng lượng Sankey Research, chia sẻ với CNBC rằng, hiện chỉ có hai hoặc ba nước thành viên của OPEC+ có công suất dự phòng. Ảrập Saudi, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, có công suất dự phòng khoảng 1 triệu thùng/ngày nhưng lại không muốn sử dụng.
Hơn nữa, sản lượng bổ sung dự kiến tung ra thị trường sẽ không bù đắp được thiệt hại tiềm tàng của việc mất đi nguồn cung từ Nga. Các số liệu thống kê cho thấy, sản lượng dầu của Nga đã giảm 1 triệu thùng/ngày kể từ lúc xung đột ở Ukraine nổ ra và các lệnh trừng phạt của phương Tây tác động tới nền kinh tế Nga.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dầu của Nga vẫn giữ vững trong thời gian qua, nhưng các quan chức OPEC cho rằng Nga sẽ khó sản xuất được lượng dầu như trước, nhất là khi các nước phương Tây gia tăng áp lực. Mới nhất, ngày 30-5, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trên nguyên tắc cắt giảm 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay.
Trong cuộc phỏng vấn cùng Bloomberg TV, Chủ tịch hãng tư vấn năng lượng FGE - Fereidun Fesharaki cũng cho rằng việc kỳ vọng OPEC bơm ra hàng triệu thùng dầu để giải quyết tình trạng thâm hụt nguồn cung của Nga là không hợp lý. “Nếu OPEC bơm thêm 1,5 triệu thùng dầu ra thị trường mỗi ngày, liên minh này sẽ không còn công suất dự phòng để phản ứng khi nhu cầu đi lên trong một đến hai tháng tới”, ông Fesharaki cho hay.
Do vậy, theo các chuyên gia, chỉ nên coi động thái của OPEC+ là một tín hiệu tích cực hơn là một giải pháp mang tính dài hạn. Ông Bill Farren-Price, Giám đốc nghiên cứu Tập đoàn tư vấn năng lượng Enverus, cho biết: “Cần coi diễn biến này là tín hiệu chính trị hơn là số thùng dầu được bổ sung. Ảrập Saudi có lẽ đã sẵn sàng bơm thêm nhiều dầu hơn ra thị trường”.
Thị trường năng lượng sẽ tiếp tục diễn biến khó lường
Theo các chuyên gia, một điểm đáng chú ý là kế hoạch sản xuất mới nhất của OPEC+ vẫn bao gồm Nga, nhưng sản lượng của xứ sở Bạch Dương đã bị kiềm chế bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông Dan Pickering, Giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners, cho biết sản lượng của Nga sẽ “mặc định” giảm từ từ. Trao đổi với CNBC, ông nói: “Nga sẽ mất dần sự hiện diện trong OPEC+ khi các nước phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt”.
Thậm chí ngay trước thềm cuộc họp, đã xuất hiện một số thông tin về việc OPEC xem xét việc loại Nga ra khỏi thỏa thuận sản lượng. Tuy nhiên trên thực tế, một viễn cảnh như vậy là rất khó xảy ra, bởi lẽ Ảrập Saudi - nước đóng vai trò dẫn dắt OPEC sẽ không muốn phải đối mặt với nguy cơ OPEC+, nhóm đang chiếm tới hơn 40% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, rơi vào cảnh tan rã khi không còn sự tham gia tích cực của Nga.
Với trữ lượng dầu mỏ lên tới 108 tỉ thùng, khoảng 6% trữ lượng dầu của toàn thế giới, và sản lượng dầu trước chiến tranh lên tới 11,3 triệu thùng/ngày - chiếm khoảng 11% sản lượng toàn cầu, Nga rõ ràng là một cường quốc mà OPEC cần phải hợp tác, thay vì loại trừ, nếu vẫn muốn duy trì được vai trò và ảnh hưởng quyết định trong ngành công nghiệp dầu lửa.
Do vậy, chuyên gia phân tích Jeffrey Halley tại Công ty Oanda có trụ sở tại New York, Mỹ cho rằng quyết định vừa được các nước OPEC đưa ra là một nỗi thất vọng lớn đối với các quốc gia tiêu thụ dầu, nhưng lại là một bước đi khôn khéo. “Dường như OPEC đã đem đến cho Mỹ và châu Âu một giải pháp mang tính tượng trưng, trong khi vẫn duy trì được sự đoàn kết trong cả khối OPEC+ khi giá cả vẫn ổn định”.
Bob McNally, Chủ tịch Công ty tư vấn Rapidan Energy Group, cũng nhận định quyết định của OPEC+ vừa có lợi cho Mỹ, vì giúp tăng nguồn cung dầu toàn cầu, nhưng đồng thời cũng giúp giữ lại một công suất dự phòng nhất định để chuẩn bị cho trường hợp các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga ảnh hưởng lớn hơn tới thị trường.
Về phía Nga, một số nguồn tin cho biết nước này có thể đồng ý cho các nhà sản xuất khác tăng sản lượng để bù đắp phần nào khoảng trống sản lượng của mình nhằm duy trì sự thống nhất trong OPEC+, đồng thời vẫn duy trì sự ủng hộ từ các nước vùng Vịnh vốn có xu hướng trung lập trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong bối cảnh đó, thị trường năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với mức giá cao trong thời gian tới, ít nhất là trong ngắn hạn. Theo dự đoán của Sankey Research, giá dầu Brent có thể nằm trong khoảng 110-150 đô la/thùng trong mùa hè năm nay hoặc lâu hơn. Theo Goldman Sachs, giá dầu Brent chuẩn quốc tế có thể đạt khoảng 125 đô la/thùng trong nửa cuối năm, một mức giá tương đối cao, trong khi ING Groep đưa ra mức giá trung bình là 122 đô la/thùng.
Hãng tư vấn năng lượng FGE tỏ ra lạc quan hơn khi cho biết, các biện pháp trừng phạt nhắm vào dầu mỏ của Nga sẽ giữ giá dầu trên ngưỡng 100 đô la/thùng. Tình hình có thể được cải thiện, nếu thỏa thuận hạt nhân với Iran được tái ký kết, cho phép quốc gia Trung Đông này xuất khẩu dầu trở lại, qua đó giúp giá dầu giảm từ 10-15 đô la/thùng.
Nguồn: CNBC, Bloomberg, Forbes, AFP, New York Times, WSJ, Washington Post