(KTSG Online) - Bộ Tài chính dự kiến đề xuất, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Thông tin này được Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi nhắc tới như một trong các phương án góp phần kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao.
Theo ông Chi, những diễn biến gần đây cho thấy giá xăng dầu trên thị trường thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước. Vì vậy, Bộ Tài chính đang phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Cơ quan này dự kiến trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong thẩm quyền cho phép.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ ngành địa phương về dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi với phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12% vào ngày 21-4.
Phương án này, theo Bộ Tài chính, tuy không "hạ nhiệt" được giá xăng dầu nhưng về lâu dài sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu trong nước, tránh phụ thuộc nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN - hai thị trường hiện có thuế nhập khẩu ưu đãi.
Trước đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 50% từ 1-4, nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn liên tục gia tăng.
Tại kỳ điều hành chiều 13-6, giá xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới. Cụ thể, giá xăng E5 đạt mức 31.110 đồng một lít, giá xăng A95 đạt mức 32.370 đồng.
Giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng tăng 2.490-2.630 đồng một lít khiến giá dầu diesel và dầu hoả lần lượt đạt mức 29.020 đồng một và 27.830 đồng.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho biết giá xăng dầu liên tục tăng đã tác động rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Cụ thể, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 của nền kinh tế tăng 2,25%. Trong đó, giá xăng dầu tăng gần 50% đã góp 1,8 điểm phần trăm vào mức CPI bình quân chung.