Thứ sáu, 1/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tài xế xe ôm, nhà xe vận tải “ngắc ngoải” vì giá xăng dầu

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong thời gian qua, nhiều tài xế, doanh nghiệp vận tải xoay xở nhiều cách để duy trì công việc trước áp lực giá xăng dầu tăng liên tục. Tuy nhiên, giá xăng dầu sau phiên điều chỉnh hôm 13-6 hầu như đã đến lúc vượt sức chịu đựng của những cá nhân, đơn vị này.

Hơn 10 năm chạy xe, ông Bùi Minh Hiệp, 52 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM, rất lo lắng về việc xăng tăng giá thời gian qua. Nếu như trước đây mỗi lần đổ xăng ông Hiệp chỉ đổ khoảng 50.000 đồng là có thể chạy được từ 4-5 chuyến xe tùy độ xa gần thì nay với số chuyến xe tương tự ông phải chi hơn 100.000 đồng mới đủ chạy.

Ông Hiệp cho biết, giá xăng ngày càng tăng khiến thu nhập giảm đi, mỗi ngày thu nhập vỏn vẹn chỉ được gần 200.000 đồng để gồng gánh gia đình. “Xăng liên tục đạt đỉnh mới khiến công việc vốn đã khó này lại càng thêm khó. Tuy giá xăng tăng cao nhưng tôi vẫn cố gắng giữ nguyên giá cũ để giữ khách, lấy công làm lời. Tuy nhiên, tôi cũng không dám chắc có thể gồng được bao lâu nữa”, ông Hiệp nói.

Thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt lại tăng khiến nhiều tài xế xe ôm lo lắng về cuộc sống sắp tới. Ảnh: MH

Cùng chung nỗi niềm, ông Phan Quốc Quang, 35 tuổi, tài xế taxi công nghệ ở quận Gò Vấp, TPHCM, chia sẻ nếu giá xăng vẫn tiếp tục tăng thì việc thu nhập bằng không sau một ngày chạy xe là khó tránh khỏi. Dù công ty đã tăng giá cước để bù đắp lại phần tăng của giá xăng dầu thời gian qua nhưng cũng không thấm vào đâu.

Ông Quang cho biết, nhiều lúc lượng xăng di chuyển từ nơi đậu đến nơi đón khách bằng cả tiền hoàn thành cuốc xe. “Bây giờ tôi phải trả lãi cho ngân hàng một tháng hơn 10 triệu tiền mua xe, 2 vợ chồng đã phải xài vào khoản tìền để dành dùng cho tình huống khẩn cấp để chi trả các khoản sinh hoạt phí của gia đình. Đến độ giờ muốn uống một ly cà phê tôi cũng phải cân nhắc, cuộc sống không còn thoải mái như hồi trước”, ông Quang nói.

Trong kinh doanh dịch vụ vận tải, nhiên liệu chiếm từ 30-40% trong cơ cấu giá thành, do đó mức giá nhiên liệu liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua đã gây sức ép không nhỏ cho các doanh nghiệp khi chỉ vừa mới tạm ổn định lại tình hình kinh doanh sau đại dịch.

Các nhà xe tại TPHCM huề vốn hoặc bù lỗ mỗi khi xe xuất bến. Ảnh:MH

Ông Nguyễn Anh Vũ, chủ nhà xe Tư Pầu chạy tuyến TPHCM -  Kon Tum, cho biết nhiên liệu tăng nhưng lượng khách chỉ ở mức thấp đến trung bình do đó phương án tăng giá vé để tránh lỗ là điều mà đơn vị vận tải này đã nghĩ đến nhưng chưa dám thực hiện vì sợ mất khách. Tuy nhiên, nếu không điều chỉnh giá cước, chắc chắn doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ.

“Chúng tôi chịu hết nổi rồi. Mỗi chuyến xe chúng tôi mất hơn 11 triệu đồng tiền dầu, tiền lệnh 2 đầu là 1 triệu, tiền phí cầu đường 1 triệu, tiền tài xế, phụ xe và các chi phí khác. Các tài xế hiện cũng muốn tăng lương vì khổ quá, ai cũng đã cố gắng san sẻ hết mức có thể rồi, nếu xăng dầu không xuống chắc phải tạm ngưng hoạt động thôi”, ông Vũ nói.

Ông Tạ Chương Chín, Phó tổng giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết từ đầu tháng 6 đến nay lượt xe qua bến khoảng 783 lượt/ngày, lượt khách khoảng 12.930 lượt/ngày. So với trước khi dịch Covid-19 chỉ đạt 62%. “Từ đầu năm 2022 đến nay có 73 đơn vị kê khai tăng giá vé, và mức tăng bình quân 23%”, ông Chín thông tin.

Tại bến xe miền Tây, ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết thời gian qua lượng xe xuất bến bình quân khoảng 850 lượt/ngày chỉ đạt 65,3% so với thời điểm trước dịch là 1.300 lượt/ngày, và lượng khách cũng chỉ đạt khoảng 59,3% với số khách bình quân 19.000 lượt/ngày.

Ông Nguyễn Anh, chủ nhà xe chuyên vận chuyển hàng hóa từ TPHCM – Quảng Ngãi, cho biết thời gian qua đã tận dụng các xe tải nhỏ để trung chuyển hàng ở các khu vực xung quanh thành phố vì một số xe khác chịu không nổi nên bỏ, tuy nhiên lợi nhuận thu về vẫn không thấm vào đâu.

Theo ông Anh, nhà xe bây giờ chỉ hoạt động cầm chừng nhằm trả hết các hợp đồng đã ký để giữ chân khách, hoặc tái ký những hợp đồng có điều khoản đảm bảo cho đơn vị vận chuyển trước biến động giá nhiên liệu, còn không thì buộc phải ngừng hoạt động do quá khả năng chịu lỗ.

“Nhiều bạn bè tôi làm vận chuyển các tuyến miền Tây, miền Bắc cũng đang cắt giảm số xe hoặc gom hàng rồi mới chạy, tình hình sắp tới nếu giá xăng dầu không giảm thì nguy cơ bán bớt xe để lấy tiền tiếp tục vận hành các xe còn lại là rất cao”, ông Anh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới