Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sẽ không phát triển thêm điện mặt trời trên mặt đất

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Quy hoạch điện VIII định hướng đến năm 2030 sẽ không phát triển thêm điện mặt trời mặt đất, nhưng có thể vẫn phát triển điện mặt trời trên mái nhà để tự sản xuất, tự sử dụng.

Website của Bộ Công Thương dẫn lời của ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, thông tin như trên tại buổi họp báo Bộ Công Thương quí 2-2022 vào ngày 16-6.

Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng chia sẻ thông tin với phóng viên tại cuộc họp. Ảnh: Website Bộ Công Thương

Một trong những vấn đề được phóng viên quan tâm tại buổi họp báo là cơ chế nào cho điện mặt trời khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực?

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Quốc Hùng cho biết: Theo Quyết định 11 và 13 được Chính phủ ban hành đã có rất nhiều ưu đãi để khuyến khích phát triển điện măt trời, đặc biệt về giá. Tuy nhiên, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ cuối năm 2020. Như vậy sau thời gian này, tất cả cơ chế ưu đãi không còn được áp dụng.

Trong thời gian Chính phủ ban hành Quyết định 11 và Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mặt đất cũng như điện mặt trời mái nhà, những cơ chế này đã có nhiều ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về giá.

"Những cơ chế ưu đãi này đã giúp hệ thống điện mặt trời phát triển nhanh trong thời gian ngắn. Hiện nay có hơn 8 GW điện mặt trời mái nhà được lắp đặt và hơn 8 GW điện mặt trời mặt đất. Tính chung đã có gần 20 GW điện mặt trời được lắp đặt và chiếm cơ cấu lớn trong hệ thống điện Việt Nam. Đây là con số tương đối lớn so với tỷ lệ cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam", Phó cục trưởng Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh và cho rằng, điện mặt trời chỉ phát được vào ban ngày, nên cần phải cân đối các nguồn điện dự phòng khi phát trong những giờ cao điểm, hoặc phát vào ban đêm và khi không có ánh nắng.

Cũng theo ông Hùng, Quy hoạch điện VIII định hướng đến năm 2030 sẽ không phát triển thêm điện mặt trời mặt đất nữa, nhưng có thể vẫn phát triển điện mặt trời trên mái nhà để tự sản xuất, tự sử dụng.

Bên cạnh đó, đối với cơ chế giá FIT, ông Hùng cho biết, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định để khuyến khích, thu hút dự án đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Việc kéo dài giá ưu đãi FIT đến nay không còn phù hợp nữa. Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao xây dựng thông tư, quy định về khung giá và xây dựng cơ chế đấu thầu cho chủ đầu tư trong các loại hình phát điện. Hiện, thông tư này vẫn đang trong quá trình dự thảo, theo website Bộ Công Thương.

Đối với vấn đề giá mua đối với các dự án điện mặt trời nối lưới, Quyết định 11, 13 đưa ra các ưu đãi như Quyết định 11, giá mua là 9,35 cent/kWh; Quyết định 13: giá mua điện mặt đất là 7,09 cent/kWh, điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent/kWh. Với những cơ chế ưu đãi này, điện mặt trời đã phát triển rất nhanh trong một thời gian ngắn. Đến nay, Việt Nam gần 20.000 MW điện mặt trời các loại đã được đưa vào vận hành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới