(KTSG Online) - Tưởng chừng như dịch vụ gọi xe sẽ bùng nổ hậu Covid-19 nhưng trên thực tế với sự biến động của giá nhiên liệu hiện tại thì thị trường này đang xoay quanh những cuộc giằng co. Giá xăng đang đẩy các ứng dụng gọi xe vào thế khó và chiến lược của các hãng trong bối cảnh này có thể mở ra cơ hội để định hình lại thị trường.
Nhu cầu đi lại của người dân nhộn nhịp trở lại mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường xe công nghệ lẫn taxi truyền thống. Đại diện các hãng xe đều ghi nhận xu hướng tăng trưởng số lượng chuyến đi ấn tượng. Nhưng, bên cạnh việc cải thiện doanh thu và cố gắng sinh lời, các hãng xe vẫn phải đối mặt bài toán nhân sự lẫn thu hút người dùng trong bối cảnh giá hàng hóa, đặc biệt là nhiên liệu, vươn lên mức lịch sử.
Sức ép của giá xăng lên tài xế lẫn hãng gọi xe
Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí hoạt động và sinh hoạt của các tài xế công nghệ bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều tài xế đã tắt ứng dụng, nghỉ chạy khiến nhiều khách hàng gặp khó khi đặt xe hay đồ ăn trên các ứng dụng. Trong khi đó, các hãng cung cấp ứng dụng ra sức giữ chân đối tác nhưng việc biến động kỷ lục của giá nhiên liệu như hiện tại khiến cho mọi việc trở nên khó khăn hơn.
Anh V.A, đối tác của ứng dụng GrabCar cho biết, giá xăng dầu tăng gây sụt giảm doanh thu nhưng anh vẫn cố gắng chạy để kiếm tiền trang trải cuộc sống, trả lãi ngân hàng.
"Ngày nào chở khách cũng nghe người ta than vãn cước xe cao, không muốn đặt xe công nghệ nữa. Nhưng họ đâu biết rằng, giá tăng không phải do chúng tôi. Mặc dù xăng dầu tăng giá nhưng chính sách hỗ trợ cho đối tác từ đơn vị cung ứng công nghệ vẫn chưa thấm vào đâu so với giá cước”.
Trong khi đó, khách đi xe công nghệ phải trả tiền nhiều hơn nhưng tài xế cũng không được hưởng lợi, thậm chí bị thiệt hại do số tiền cước tăng thêm chưa đủ bù cho tiền đổ xăng tăng cao, còn lượng khách đi xe giảm do giá cước cao.
Theo tài xế H.T, cuốc xe chạy với khoảng cách 3 km nhưng lượng xăng tiêu hao thường phải lên tới 4 km hoặc hơn. Nguyên nhân, ứng dụng thường đổ cuốc cho bác tài trong rất nhiều trường hợp lại không đổ cho những tài xế ở vị trí gần nơi khách đặt cuốc xe, hoặc cũng có thể do không có sẵn tài xế ở gần đó cho nên đổ cuốc lên tài xế đang ở cách xa chỗ của khách có khi cả cây số.
Chính vì thế, lượng xăng tiêu hao trong quá trình di chuyển đến điểm đón khách cũng là một khoản chi phí góp phần làm nặng gánh thêm tiền xăng, trong khi tài xế không được bù khoản này từ hãng.
Giá xăng liên tục lập đỉnh không chỉ gây khó khăn cho các tài xế công nghệ mà ngay cả các hãng cũng trở nên khó xử với giá cước. Mặc dù một số hãng xe đã điều chỉnh tăng giá cước một số dịch vụ để bù lại chi phí cho tài xế, song đại diện các hãng cũng thừa nhận không thể nhanh chóng điều chỉnh theo diễn tiến ngắn hạn của giá nhiên liệu.
Bên cạnh đó, là đơn vị trung gian, hãng xe công nghệ cần cân đối giữa lợi ích của cả đối tác tài xế và khách hàng. Giá cước thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của phía khách hàng.
Để hỗ trợ các tài xế, từ 16-6, Be tiếp tục giữ mức giảm chiết khấu dịch vụ BeCar lên đến 10% tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, đồng thời tiếp tục bổ sung nâng cao các chương trình thưởng hỗ trợ doanh thu cho tài xế Be nói chung.
Trong khi đó, Gojek Việt Nam tỏ ra là đơn vị bạo chi nhất để hỗ trợ đối tác duy trì thu nhập trong bối cảnh hiện nay. Chẳng hạn, chương trình doanh thu tăng thêm 7% được triển khai tại Hà Nội và TPHCM, sẽ hoàn tiền 7% trên tổng doanh thu tuần kế tiếp cho tài xế GoCar đạt hiệu suất hoạt động. Chương trình tặng phiếu xăng điện tử cũng được duy trì nhằm hỗ trợ chi phí xăng dầu cho các đối tác tài xế 2 bánh và 4 bánh có hiệu suất hoạt động tốt, để hỗ trợ tài xế an tâm hơn khi hoạt động.
Để duy trì và đảm bảo thu nhập cho các tài xế 2 bánh, ứng dụng gọi xe này cũng áp dụng chương trình tính ưu đãi theo từng mức điểm. Theo đó, tại TPHCM, nếu tổng điểm tích lũy là 60 điểm thì đối tác tài xế sẽ được đảm bảo tổng doanh thu là 360.000 đồng, nếu đạt 95 điểm sẽ nhận được doanh thu 620.000 đồng, và ở mức điểm cao nhất là 110 thì đối tác tài xế sẽ có được doanh thu là 800.000 đồng.
Tương tự, Grab sẽ tặng phiếu xăng miễn phí cho đối tác tài xế đạt thứ hạng Bạch Kim và Vàng tại một số tỉnh thành trên cả nước từ nay đến ngày 10-7.
Thị trường có thể được định hình lại
Giá cước thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của phía khách hàng. Do đó, mỗi hãng đã xây dựng một chương trình riêng hỗ trợ về chi phí xăng dầu cho tài xế nhưng để giữ chân tài xế trong bối cảnh này cũng hết sức mong manh. Tuy nhiên hãng nào có chiến lược tạo nên trải nghiệm người dùng tốt trong bối cảnh nhạy cảm này có thể khiến cho thị trường được định hình lại.
Nhìn lại 7 năm phát triển, thị trường gọi xe trực tuyến Việt Nam đã có sự bùng nổ với hơn 20 nền tảng khác nhau ra đời. Với doanh thu khoảng 2,4 tỉ đô la trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay… mức tăng trưởng gọi xe trực tuyến cao thứ 2 chỉ sau thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam...
Theo một khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6-2021, dựa trên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe hai bánh, Grab đang chiếm khoảng 60% thị phần, Gojek chiếm 19% còn Be chiếm 18%.
Grab được coi là ứng dụng gọi xe phổ biến nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên thời gian gần đây ứng dụng này đang đối mặt với áp lực khi phản ứng của các tài xế Grab trên các nhóm mạng xã hội ngày một nhiều.
Theo ghi nhận của Rest of World, đa phần tài xế nói về việc giá xăng tăng khiến các cuốc xe "không còn đáng làm" với các khoản phí cao. Trong khi đó khách hàng dường như "biến mất" khởi ứng dụng mà họ cho rằng là do giá dịch vụ tăng.
Hồi tháng 3, đáp lại những áp lực đến từ tài xế, Grab tăng phí dịch vụ đi kèm với giá xăng tăng để bù đắp và khuyến khích các tài xế hoạt động tích cực hơn trên nền tảng. Tuy nhiên, điều này khiến khách hàng không còn nhiều động lực để dùng Grab khi họ có thể tìm thấy giá tốt hơn ở các ứng dụng khác.
Ông Lexi Sydow, giám đốc nghiên cứu tại Data.ai, nhận định, việc cung cấp hàng loạt dịch vụ, bao gồm cả giao đồ ăn đang giúp Grab phần nào giảm được lượng khách hàng rời đi. Dù vậy, cùng thời điểm, số liệu từ công ty này cho thấy số lượt tải về các đối thủ của Grab như Gojek hay Be đang có xu hướng tăng.
Hồi tháng 4, Gojek vượt Grab để trở thành ứng dụng (không tính mảng game) được tải về nhiều thứ 20 tại Việt Nam, tính trên cả Google Play và App Store. Be, ứng dụng gọi xe phổ biến thứ 3 tại Việt Nam, chia sẻ rằng họ ghi nhận số lượng cuốc xe tăng vọt trong tháng 4 và tháng 5.
Tín Nguyễn, một nhân viên ngân hàng và là người dùng trung thành của Grab, nói rằng anh rất bực bội chất lượng đang ngày một đi xuống với việc chờ xe quá lâu, giá cước tăng và ít khuyến mãi. Sau nhiều năm là một khách hàng trung thành thì đến tháng 5 vừa rồi, anh cũng đã tải về các ứng dụng khác như Gojek, Be và thậm chí cả taxi truyền thống để tăng thêm lựa chọn.
Hiện nay với áp lực chí phí và thời gian, khách hàng thường xuyên kiểm tra qua lại giữa các ứng dụng gọi xe và thậm chí cả taxi truyền thống, để tìm kiếm tài xế. Mỗi ứng dụng đều có vấn đề và sự trung thành của khách hàng thường nằm ở tốc độ có xe, giá cước, mã khuyến mãi… Trong bối cảnh này việc đưa ra những chiến lược cạnh tranh hợp lý các hãng đề có cơ hội để định hình lại thị trường.
Mới đây, tại tọa đàm "Bài toán cạnh tranh cho thị trường gọi xe công nghệ trong thời kỳ bình thường mới" do Bộ Công Thương tổ chức, các ý kiến đều cho rằng hậu Covid-19 cuộc đua tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam sẽ trở nên khốc liệt hơn. Không chỉ ganh đua về phí dịch vụ, mà còn cạnh tranh nhau về trải nghiệm khách hàng và sự đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng. Sự cạnh tranh tích cực này sẽ đem lại những lợi ích nhất định cho người dùng, bao gồm cả người đi xe và lái xe.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, cần tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi và công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích quá trình chuyển đổi số, đồng thời, có thể tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường thông qua các ưu đãi thuế hay ưu đãi về thanh toán trực tuyến.