Thứ bảy, 2/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Từ chuyện “tính” người đến việc trị nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ chuyện “tính” người đến việc trị nước

Công Thắng

(TBKTSG) - Ngày xuân thư thả, xin góp đôi lời lạm bàn về cái lẽ thiện - ác của thầy Mạnh, thầy Tuân.

Nhân chi sơ tính bản...?

Hồi còn chưa có chút khái niệm gì về triết học, tôi đã nhiều lần nghe người lớn nói câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Và được nghe giải thích đại khái: con người sinh ra vốn tính thiện hoặc: bản chất con người là thiện. Sau này lên đại học, làm quen với triết học Trung Hoa, tôi mới rõ thêm ít nhiều về thuyết tính thiện mà “cha đẻ” là Mạnh Tử và biết thêm còn có ông Tuân Tử với quan niệm trái nghịch: con người ta vốn tính ác.

Thầy Mạnh bảo rằng: “Ai cũng có lòng thương người (có người dịch là “lòng chẳng nỡ” (*) )... Sở dĩ tôi bảo vậy là vì có chứng cứ. Nếu thình lình thấy một đứa nhỏ sắp ngã xuống giếng ai cũng có lòng bồn chồn thương xót...” (**) . Đó là minh chứng cho một trong tứ đoan (bốn mối - hay có thể gọi nôm na là mầm thiện) của tính thiện mà nếu ai không có thì không phải là người, bao gồm: lòng trắc ẩn (thương xót), lòng tu ố (thẹn, ghét), lòng từ nhượng (kính nhường), lòng thị phi (biết phải trái).

Bốn mối thiện ấy vốn có, không phải do bên ngoài hun đúc nên, gọi là lương tri, lương năng. Từ đó dẫn đến tứ đức là: nhân, lễ, nghĩa, trí. “Lòng trắc ẩn là đầu mối của nhân; lòng tu ố là đầu mối của nghĩa; lòng từ nhượng là đầu mối của lễ; lòng thị phi là đầu mối của trí. Người ta có bốn mối ấy như là có tứ chi vậy”. Nhưng Mạnh Tử cũng không nghĩ đơn giản đến mức tuyệt đối hóa tính thiện nơi con người. Ông bảo rằng con người cũng có những cái bất thiện, xấu xa chẳng khác mấy so với cầm thú, nhưng cái đó không phải là bản chất. Chỉ cái thiện mới được xem là tính người.

Mạnh Tử.

Dù lý tưởng như thầy Mạnh hoặc thực tế như thầy Tuân thì điều thú vị là cả hai cuối cùng cũng gặp nhau ở một điểm: con người có thể (và cần) sửa mình để ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Và đến đây thì cả hai triết gia lại quay lại với bản chất xã hội của con người (dùng giáo dục, lễ nhạc do xã hội tạo nên để cải tính) - điều mà khi luận bàn về căn nguyên tính thiện - tí nhác họ chỉ lướt qua.

Tuân Tử.

Nhưng Tuân Tử và một số triết gia khác sau ông không tin như vậy. Quan niệm của họ hoàn toàn đối nghịch: con người vốn tính ác.

Thầy Tuân khẳng định: “Tính con người, sinh ra là hiếu lợi, thuận theo tính đó thì sinh ra tranh đoạt lẫn nhau mà sự từ nhượng không có; sinh ra lòng đố kỵ, thuận theo tính đó thì sinh ra tàn tặc mà lòng trung tín không có; sinh ra có lòng ham muốn của tai mắt, có lòng thích về thanh sắc, thuận theo tính đó thì thành ra dâm loạn mà lễ nghĩa văn lý không có. Như thế thì theo cái tính của người ta, thuận cái tính của người ta thì tất sinh ra tranh đoạt, phạm vào cái phận (tức là quyền lợi của nhau), làm loạn cái lý mà mắc lỗi tàn bạo”.

Nhân, nghĩa, lễ, trí, theo thầy Tuân là “nhân vi”, do con người đặt ra.

Như vậy, thầy Mạnh, thầy Tuân - ai đúng? Bản tính con người thật ra là gì? Câu hỏi đó vượt quá sức một cậu sinh viên mới tập tò học triết như tôi lúc ấy. Bảo rằng mầm thiện và tính ác của con người vốn có sẵn và do trời phú, như vậy chẳng khác nào đưa ra một định đề buộc phải tin mà không giải thích. Triết lý có nên chỉ dừng lại ở đó? Hay phải chăng nên suy nghĩ theo chiều hướng “tính không thiện không ác” của Cáo Tử hay “tính siêu thiện ác” như các triết gia phái Lão Trang...?

Thêm một điều đáng chú ý về cách thức tư duy. Các vị thầy thường xem xét vấn đề trên bình diện đạo đức trong khi đang luận bàn về bản chất con người, và bởi vậy rất dễ rơi vào vòng nhị nguyên đối đãi “thiện - ác”, mặc dù Mạnh Tử vốn không tuyệt đối hóa quan niệm tính thiện của mình. Liệu ta có thể thoát ra khỏi nếp suy luận hằn quá sâu đó để tránh xu hướng cực đoan?

Câu chuyện “cải tính”...

Đọc thêm sử sách mới hay rằng Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử hay phần đông triết gia Trung Hoa thời xưa đều ấp ủ giấc mơ cứu đời, muốn đem học thuyết của mình áp dụng vào cuộc sống để “trị quốc, bình thiên hạ” bởi thời mà họ đang sống là thời nhiễu nhương, loạn lạc (thời Xuân thu Chiến quốc).

Do vậy, một mặt họ không quên bàn luận những vấn đề siêu hình, thậm chí thần bí, nhưng mặt khác, họ lại hướng tư tưởng của mình vào những vấn nạn nhân sinh, và triết học của họ đậm màu đạo đức chính trị. Cho nên vấn đề bản chất con người, với họ, cần lược quy về bình diện đạo đức (tính thiện - tính ác, tốt - xấu...) để có thể tìm được giải pháp khả thi, thay vì những thuyết lý cao siêu mà khó áp dụng vào thực tế.

Điều này được minh chứng khi ta biết rằng, dù lý tưởng như thầy Mạnh hoặc thực tế như thầy Tuân thì điều thú vị là cả hai cuối cùng cũng gặp nhau ở một điểm: con người có thể (và cần) sửa mình để ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Và đến đây thì cả hai triết gia lại quay lại với bản chất xã hội của con người (dùng giáo dục, lễ nhạc do xã hội tạo nên để cải tính) - điều mà khi luận bàn về căn nguyên tính thiện - tính ác họ chỉ lướt qua.

Mạnh Tử chủ trương tính thiện cho nên theo ông, con người cần khuếch sung bốn mối đó bằng cách làm điều nhân nghĩa, giảm bớt lòng ham muốn (quả dục), nuôi dưỡng tâm tính (tồn tâm, dưỡng tính). Tâm vốn là tốt, cho nên: “Quân tử khác người ta chỉ ở chỗ giữ cho còn cái tâm mà thôi. Quân tử lấy nhân giữ cho còn cái tâm, lấy nghĩa giữ cho còn cái tâm”. Tuân Tử chủ trương tính ác, nhưng ông vẫn khẳng định rằng có thể làm thay đổi cái tính ấy (“kiểu tính” hay “cải tính”) để trở nên người tốt, thậm chí “người ngoài đường cũng có thể trở thành thánh nhân”. Cải tính bằng lễ nghĩa, bằng cách hướng dẫn lòng dục của con người (đạo dục), bằng phương pháp “tư thiện, tích thiện” - tức là suy nghĩ về điều thiện, tích chứa điều thiện, việc thiện, sửa lại cái tính của mình cho ngày càng hoàn thiện.

Và giấc mơ trị quốc

Biết tính người còn là để đề ra phương cách trị quốc. Mạnh Tử kế thừa và phát triển quan niệm của Khổng Tử, cho rằng dùng giáo dục để uốn nắn dân theo đúng đạo nghĩa - giáo hóa; dùng lễ, nhạc để sửa tính tình, phong tục, khoan hòa với dân - đó là nhân trị. Tuân Tử đề cao lễ hơn nhân - lễ để giữ tôn ti, đẳng cấp, trật tự xã hội - và coi trọng hình pháp, tuy nhiên cũng cho rằng không nên quá lạm hình pháp, khác với phái Pháp gia sau này.

Thực tế lịch sử cho thấy, thầy Khổng, thầy Mạnh bôn ba khắp nơi để hành đạo, rao giảng đến cạn lời mà chẳng ông vua nào theo, lấy đức nhân để giáo hóa dân. Trong khi đó, tư tưởng của thầy Tuân lại bị đẩy đến chỗ biến dạng cực đoan bởi những người theo phái Pháp gia như Hàn Phi Tử (mà người ta thường ví như một Machiavelli của phương Đông) để trở thành pháp trị và được các chính trị gia như Lý Tư đem ra thực hành triệt để; khi ấy nó biến thành một thứ chủ nghĩa tôn quân đến mù quáng với lối cai trị bằng mọi thủ đoạn, bằng hình pháp hà khắc, dẫn đến cái họa chôn Nho đốt sách thời Tần. Sau này, giới nho sĩ ít nhắc tới thuyết của Tuân Tử cũng chính vì vậy.

Từ cái vòng nhị nguyên này dẫn tới cái vòng nhị nguyên khác. Nhân trị - pháp trị, một nhát phân đôi tưởng chừng phân minh, hợp lẽ, hóa ra giản lược, phiến diện. Hơn hai ngàn ba trăm năm sau Mạnh Tử, Tuân Tử, qua bao sóng gió thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc khám phá và các đợt khai sáng tư tưởng, một con người lương thiện bình thường cũng hiểu rõ rằng bản chất con người phức tạp hơn nhiều, không phải thiên thần cũng chẳng là quỷ dữ.

Và trên thế gian này chẳng xã hội nào - ngay cả những xã hội có chỉ số hạnh phúc cao nhất hiện nay - mà không có luật hình, không có cảnh sát, nhà tù. Cũng như, chẳng có triều đại nào tồn tại lâu dài mà chỉ dựa lối cai trị độc đoán, hà khắc với đủ thứ hình phạt tàn khốc.

Luật pháp xuất hiện là nhằm minh xác và bảo vệ những giá trị nhân bản được xã hội thừa nhận, là đưa con người vào đúng lề lối cư xử thuận hòa, bảo đảm trật tự, an bình cho xã hội phát triển. Cai trị trên nền tảng luật pháp như vậy thì chẳng mấy khác biệt với tư tưởng nhân trị.

Vấn đề cốt yếu chỉ là ở chỗ, luật pháp ấy được đặt ra vì ai và được thực thi như thế nào: nghiêm chỉnh hay hình thức, nửa vời; để bảo vệ quyền lợi của đại đa số hay chỉ tạo thuận lợi cục bộ, cho các nhóm đặc quyền đặc lợi; có bình đẳng cho mọi người hay vô hiệu đối với giới quyền thế. Nói: nhân không khỏi pháp, trong pháp có nhân là vậy.

Mạnh Tử, Tuân Tử đều là hai triết gia lớn trong lịch sử triết học Trung Hoa. Tuân Tử có cái lý của mình. Còn với thuyết tính thiện, Mạnh Tử được coi là một triết gia lạc quan, có cái nhìn lý tưởng (hay rộng lượng?) về con người. Với đầu óc duy lý, sự đánh giá ấy không hẳn chỉ là lời khen. Riêng với tôi thì Mạnh Tử gần gũi hơn và tôi đã học được nhiều điều từ ông.

__________________________________________

(*) “Lòng chẳng nỡ (thấy người khổ) - nguyên văn là bất nhẫn nhân chi tâm” theo cách dịch của Nguyễn Văn Dương trong cuốn Đại cương triết học sử Trung Quốc của Phùng Hữu Lan, Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh ấn hành, Sài Gòn, 1967.

(**) Tất cả các đoạn trích dẫn trong bài này đều được lấy từ Đại cương triết học Trung Quốc (cuốn 2) của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, NXB Thanh Niên tái bản,2004.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới