Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi các quỹ kêu gọi đầu tư dài hạn

Thành Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong một thế giới tài chính đầy biến động như hiện nay, điều gì cũng có thể xảy ra. Thiên nga đen không chỉ xuất hiện một lần.

Covid-19 đã hình thành nên giai tầng nhà đầu tư F0 và chính các nhà đầu tư F0 đã buộc các quỹ đầu tư tổ chức phải “rượt đuổi” theo mình trên hành trình tìm đỉnh mới 1.530 điểm của VN-Index. Ảnh: THÀNH HOA

Đại dịch Covid 100 năm mới có một lần. Lạm phát của Mỹ lên tới 8,6% trong tháng 5-2022 cũng gần 40 năm mới có một lần. Gói nới lỏng định lượng của Mỹ (QE) đạt kỷ lục 9.000 tỉ đô la Mỹ, chưa kể các gói QE của châu Âu, Anh, Úc, Nhật Bản... đã bắt đầu được rút về. Ngân hàng trung ương các nước đua nhau nâng lãi suất. Tập đoàn Credit Suisse tên tuổi thế giới vừa phát hành 1,5 tỉ đô la Mỹ trái phiếu ngân hàng lãi suất 9,75%/năm... - một nhà đầu tư thâm niên vào chứng khoán Việt từ năm 2001 nêu một loạt dẫn chứng để minh họa cho quyết định bán hết cổ phiếu, gửi tiền tiết kiệm và giờ đây làm người quan sát thị trường. Ông nói chỉ để lại 5% vốn, giải ngân rất chậm vào các cổ phiếu đầu tư dài hạn và nhìn danh mục một lần/tuần vào Chủ nhật. Thế nhưng cuối cùng cả 5% ấy ông cũng rút ra nốt vì giá trị danh mục cứ teo tóp dần.

VN-Index đã giảm xấp xỉ 20% từ đầu năm đến ngày 17-6-2022, từ trên 1.500 về gần 1.200 điểm. Nhiều cổ phiếu đã giảm 50-60%, thậm chí hai phần ba giá trị so với giá đỉnh. Ngay cả những nhà đầu tư dài hạn cũng đang phân vân bởi không thể xác định dài hạn là bao lâu, 12, 24, 36 tháng hay lâu hơn nữa. Vấn đề là ở chỗ khi thị trường chung rơi vào suy thoái, không nhà đầu tư nào dự đoán được tốc độ và thời gian suy thoái kéo dài bao lâu. Người ta cố gắng quan sát và đọc thị trường, mà “ngài” thị trường vốn dĩ “đỏng đảnh”, đòi hỏi sự kiên nhẫn mà không phải ai cũng chịu đựng nổi.

Thế nên ở các nước, chỉ bộ phận phân tích chuyên nghiệp của những công ty môi giới chứng khoán, ngân hàng đầu tư mới ra các bản báo cáo nhận xét thị trường, khuyến cáo đầu tư này nọ cho khách hàng của họ. Lãnh đạo các doanh nghiệp không nhận xét cổ phiếu đắt rẻ, tốt xấu để khuyên nhà đầu tư mua/bán.

Thế nên ở các nước, chỉ bộ phận phân tích chuyên nghiệp của những công ty môi giới chứng khoán, ngân hàng đầu tư mới ra các bản báo cáo nhận xét thị trường, khuyến cáo đầu tư này nọ cho khách hàng của họ. Lãnh đạo các doanh nghiệp không nhận xét cổ phiếu đắt rẻ, tốt xấu để khuyên nhà đầu tư mua/bán. Họ sợ mất uy tín nếu khuyến cáo trật và có thể bị cơ quan quản lý “theo dõi”, khép vào vi phạm thao túng giá chứng khoán vì không ai có thể nắm rõ hiện trạng hoạt động của doanh nghiệp hơn các thành viên ban lãnh đạo.

Trong khi đó, ở Việt Nam gần đây đã xuất hiện trào lưu đại diện các công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, và cả các tổ chức nghiên cứu bày tỏ ý kiến về đầu tư dài hạn và kêu gọi nhà đầu tư dài hạn mua vào cổ phiếu. Bản thân họ không xác định đầu tư dài hạn là bao lâu. Họ thường lập luận chỉ số P/E của toàn thị trường thấp, tăng trưởng lợi nhuận của các cổ phiếu blue-chips hay midcap cao mà quên rằng các công ty hiện đang tăng trưởng tốt không đồng nghĩa sẽ vẫn tăng trưởng sau 2-3 hay 4-5 năm. Trong một thế giới tài chính đầy biến động như hiện nay, điều gì cũng có thể xảy ra. Thiên nga đen không chỉ xuất hiện một lần.

Đại diện các công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư càng nhấn mạnh cổ phiếu đang rẻ, thì tháng sau, tuần sau cổ phiếu càng rẻ hơn dựa trên các tiêu chí của họ vì VN-Index vẫn đang điều chỉnh. Tất nhiên chỉ số chứng khoán không thể cứ “rơi” một mạch. Thị trường có phiên tăng, có phiên giảm, nhưng trong xu hướng chung giảm, thì tốt nhất không nên “cãi lại” thị trường. Bằng chứng ư? Các quỹ đầu tư ở Việt Nam từ đầu năm đến nay đều có giá trị tài sản ròng (NAV) âm. So với những nhà đầu tư đã ra khỏi thị trường, đang gửi tiền tiết kiệm hưởng lãi suất 4-6%/năm, các quỹ đang là người “thất bại”.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Có quỹ đầu tư lập luận đúng là NAV của họ đang âm, nhưng năm sau, năm sau nữa có thể sẽ dương và tăng trưởng hàng chục phần trăm. Vậy từ nay đến thời điểm NAV chuyển từ âm sang dương, họ tồn tại bằng gì? Bằng “tinh thần thép” chăng? Các nhà đầu tư cá nhân đang gửi tiền tiết kiệm có thể không có “tinh thần thép”, nhưng họ được ngon giấc hàng đêm, không phải lo lắng mỗi cuối tuần nhìn xem danh mục còn bao nhiêu tiền. Chưa thể nói sự lựa chọn nào ít hao tổn công sức, thời gian hơn lựa chọn nào. Có điều, với nhà đầu tư, còn tiền là còn cơ hội tham gia trở lại thị trường khi điều kiện thuận lợi đến. Còn nắm giữ cổ phiếu, trong trường hợp xấu nhất, cổ phiếu có thể trở thành tờ giấy vô giá trị.

Tháng 3-2007, VN-Index đã từng cán mốc 1.170 điểm để rồi 5-6 năm sau đó chạm ngưỡng 300 điểm. Thời ấy đã có lãnh đạo cơ quan quản lý từng phát biểu: “Nếu có tiền bây giờ tôi cũng đầu tư chứng khoán”. Câu nói của ông đã bị những “cơn lốc” giảm giá cổ phiếu cuốn trôi. Những năm tiếp theo, không có quỹ đầu tư nào “kêu gọi” nhà đầu tư cá nhân mua cổ phiếu dài hạn. Covid-19 đã hình thành nên giai tầng nhà đầu tư F0 và chính các nhà đầu tư F0 đã buộc các quỹ đầu tư tổ chức phải “rượt đuổi” theo mình trên hành trình tìm đỉnh mới 1.530 điểm của VN-Index.

Các chủ thể trên thị trường, từ cá nhân đến tổ chức, mang trong mình đặc trưng đầu tư khác nhau dựa trên quy mô vốn, tầm nhìn, mục tiêu, thời gian. Những quỹ đầu tư thành công thường là những tổ chức “kiệm lời”, không mấy khi xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Thị trường biết họ lời hay lỗ mỗi khi họ thoái vốn, kết thúc một thương vụ đầu tư. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng vậy. Nếu có gì đó còn đọng lại trong một thị trường công khai minh bạch, đặc biệt minh bạch thông tin, thì đấy chính là trách nhiệm của các tổ chức, các quỹ khi lên tiếng khuyên nhà đầu tư cá nhân mua cổ phiếu đầu tư lâu dài. Trách nhiệm ấy ở đâu?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới