Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tương lai nào đang chờ đợi kinh tế Mỹ?

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) -Mối lo suy thoái kinh tế tại Mỹ đang gia tăng khi các lĩnh vực quan trọng như nhà ở và chi tiêu tiêu dùng chật vật chống chọi với áp lực lạm phát cao và lãi suất tăng. Tương lai nào đang chờ đợi nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Một triển vọng không mấy tích cực

Nền kinh tế Mỹ trong quí 1 năm nay đã lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng âm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020. Các ước tính mới nhất của giới chuyên gia Phố Wall cũng cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới nhiều khả năng sẽ chỉ tăng trưởng không quá 1% trong quí 2 - rất gần với tình trạng tăng trưởng âm trong hai quí liên tiếp.

Hàng loạt chỉ số kinh tế mới nhất cũng cho thấy những dấu hiệu không mấy tích cực. Thị trường nhà đất đình trệ do lãi suất vay thế chấp tăng vọt. Doanh số bán lẻ tháng 5 giảm lần đầu tiên sau năm tháng. Số người nộp đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp trong tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng sáu tháng qua. Các cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng và giới lãnh đạo doanh nghiệp, đều cho thấy những nỗi lo ngại lớn về tình hình nền kinh tế trong phần còn lại của năm 2022.

Tất cả các thông tin tiêu cực đã này đã khiến chỉ số Dow Jones trong tuần trước giảm xuống dưới mức 30.000 điểm lần đầu tiên trong vòng 17 tháng qua. Bill Adams - Chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Comerica ở Dallas nhận xét “Sự suy thoái đã bắt đầu”.

Hồi tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - đợt tăng mạnh nhất trong vòng 28 năm qua để kiềm chế sự leo thang giá cả. Chi phí sinh hoạt tại Mỹ trong tháng 5 đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng lớn nhất trong 40 năm - và có khả năng còn cao hơn trong mùa hè.

“Đây không phải là việc hạ cánh một máy bay trên một đường băng bình thường. Đây là hạ cánh máy bay trên dây, trong điều kiện có gió. Ý tưởng rằng chúng ta sẽ đưa được thu nhập giảm vừa đủ và chi tiêu giảm vừa đủ để đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Fed là phi thực tế”, nhà kinh tế học Tara Sinclair thuộc Đại học George Washington phát biểu.

Giới hoạch định chính sách đã thừa nhận những thách thức lớn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, đồng thời cắt giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay từ 2,8% xuống còn 1,7%. Kết quả này kém xa mức tăng trưởng 5,7% mà nền kinh tế đã đạt được trong năm ngoái.

Fed hiện đã sẵn sàng để tăng mức lãi suất cơ bản lên 3,4% vào cuối năm nay, sau khi đã duy trì ở mức gần 0% trong suốt thời kỳ đại dịch. Chiến lược này đã giúp đảm bảo nguồn tiền rẻ cho thị trường, giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nhưng đồng thời cũng là khởi đầu cho tình trạng lạm phát cao như hiện nay.

Việc Fed liên tục tăng lãi suất đã dội một gáo nước lạnh vào các bộ phận nhạy cảm của nền kinh tế như thị trường nhà ở. Lãi suất vay thế chấp kỳ hạn 30 năm đã tăng vọt từ 2,75% hồi mùa thu năm ngoái lên hơn 6% trong tháng này, khiến rất nhiều người mua nhà tiềm năng không thể tham gia vào thị trường. Chưa hết, lãi suất cao hơn cũng sẽ khiến cho việc mua xe hơi, chi tiêu thẻ tín dụng, vay vốn kinh doanh hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn.

Sam Bullard, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo ở Charlotte, bang North Carolina, cho biết: “Chắc chắn còn rất nhiều thách thức ở phía trước. Các dữ liệu mới nhất báo hiệu rõ ràng rằng đã có sự mất mát về động lực của nền kinh tế”.

Lo ngại về khả năng suy thoái

Giới phân tích ở Phố Wall cho rằng, với việc tăng lãi suất của Fed và sự suy giảm trong hoạt động tiêu dùng, khả năng rơi vào suy thoái của kinh tế Mỹ đã trở nên rõ ràng hơn.

Ngân hàng Wells Fargo dự báo một đợt “suy thoái nhẹ” của kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu từ giữa năm 2023, khi lạm phát bám rễ sâu hơn trong nền kinh tế và bào mòn sức chi tiêu của người dân, buộc Fed phải tiếp tục có những động thái cứng rắn để kiểm soát.

Trong khi đó, Công ty nghiên cứu Moody’s Analytics cho rằng cơ hội có một cuộc “hạ cánh mềm” cho kinh tế Mỹ đã giảm đi nhiều. “Fed sẽ tăng lãi suất cho tới khi phá vỡ được lạm phát. Rủi ro nằm ở chỗ họ cũng có thể phá vỡ nền kinh tế”, trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách tiền tệ của Moody’s Analytics, ông Ryan Sweet, nhận định trong một báo cáo. “Tăng trưởng đang giảm tốc, trong khi hiệu ứng của sự thắt chặt chính sách tiền tệ đối với điều kiện thị trường tài chính và việc rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng còn chưa thực sự tác động đến nền kinh tế”.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng đồng tình rằng một đợt suy thoái kinh tế Mỹ trong năm tới sẽ là điều khó tránh khỏi. Trong một báo cáo công bố hôm 15-6-2022, chuyên gia Jay Bryson của Wells Fargo cho biết mới cách đó một tuần, ông vẫn còn kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm, nhưng giờ đây, kịch bản chủ đạo mà ông đưa ra là kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ. Giám đốc đầu tư Scott Minerd của Guggenheim thậm chí còn cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái rồi, khi xét tới sự giảm tốc của tiêu dùng.

Theo ước tính mới nhất của Bloomberg Economics, khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ hiện đã lên gần mức 75%, dù khả năng này mới chỉ xuất hiện cách đây vài tháng.

Còn trong một cuộc khảo sát của tờ Financial Times trước cuộc họp của Fed, 70% chuyên gia được hỏi dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023. Một nhà kinh tế học tham gia khảo sát thậm chí còn bi quan rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái ngay trong năm 2022. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực mà việc mạnh tay nâng lãi suất để chống lạm phát có thể gây ra cho nền kinh tế.

“Đây không phải là việc hạ cánh một máy bay trên một đường băng bình thường. Đây là hạ cánh máy bay trên dây, trong điều kiện có gió. Ý tưởng rằng chúng ta sẽ đưa được thu nhập giảm vừa đủ và chi tiêu giảm vừa đủ để đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Fed là phi thực tế”, nhà kinh tế học Tara Sinclair thuộc Đại học George Washington phát biểu.

Những yếu tố nền tảng vẫn khá vững chắc

Tuy nhiên, trong khi những lo ngại về suy thoái ngày càng gia tăng, nhiều dữ liệu khác lại cho thấy, một số yếu tố quan trọng của nền kinh tế Mỹ vẫn đang khá mạnh mẽ. Theo Market Watch, không giống như trong cuộc suy thoái 2007-2009, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ có tỷ lệ nợ tương đối thấp, trong khi hệ thống ngân hàng vẫn đang hoạt động tốt.

Hầu hết các hộ gia đình Mỹ đã có thể tiết kiệm rất nhiều tiền trong thời gian đại dịch khi bỏ qua các khoản chi thường xuyên như quần áo, xăng xe, giải trí… Bên cạnh đó, là nguồn thu đáng kể từ các chương trình trợ giúp hào phóng của Chính phủ Mỹ. Theo một số ước tính, người tiêu dùng Mỹ có khoản tiết kiệm “vượt mức” lên tới 2.000 tỉ đô la so với trước đại dịch.

Với nền tảng vững vàng đó, người tiêu dùng, những động lực chính của nền kinh tế Mỹ, đang mạnh tay chi tiêu sau khi đại dịch dần được kiểm soát. Điều khác biệt duy nhất là người dân đang có xu hướng chi tiêu tương đối ít hơn cho các loại hàng hóa như ô tô hoặc máy tính, và chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ như ăn uống, giải trí và du lịch.

Theo thống kê của OpenTable, lượng đặt chỗ tại các nhà hàng đã đạt mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây. Nhu cầu tiêu thụ xăng khi bước vào mùa hè cũng tăng cao bất chấp việc giá nhiên liệu đang ở mức kỷ lục. Lượng đặt phòng khách sạn đã tăng vọt, trong khi hoạt động du lịch quốc tế đang tiến gần đến mức trước đại dịch.

“Nhu cầu của người tiêu dùng vẫn rất lớn. Mọi người muốn ra ngoài và làm mọi thứ. Họ có kinh phí để làm điều đó”, chuyên gia Bullard cho biết. “Nếu đi đến các nhà hàng, bạn sẽ thấy tất cả đều chật kín khách”.

Chuyên gia kinh tế trưởng Stephen Stanley của Amherst Peirpont Securities nhận định Mỹ sẽ tránh được suy thoái ít nhất trong hết năm nay khi các hộ gia đình vẫn đang tiếp tục duy trì mức tài sản cao nhờ giá nhà tăng và nguồn tiền tiết kiệm từ chương trình hỗ trợ Covid của chính phủ. “Chúng ta đang chuyển từ giai đoạn với tốc độ tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ sang giai đoạn tăng trưởng giảm tốc. Tôi không loại bỏ khả năng suy thoái, mà chỉ cho rằng suy thoái sẽ không xảy ra trong năm nay”, ông Stanley nhận định.

Một yếu tố nữa giúp người Mỹ vẫn có thể chịu đựng được mức lạm phát cao là thị trường lao động mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Các số liệu thống kê cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi gần như tất cả 20 triệu việc làm bị mất trong đại dịch và hoạt động tuyển dụng vẫn đang diễn ra khá mạnh mẽ. Nền kinh tế đã có thêm trung bình 408.000 việc làm mỗi tháng trong năm 2022.

Chuyên gia kinh tế trưởng Richard Moody của Regions Financial cho biết: “Sức khỏe nền tảng của nền kinh tế hiện tại có vẻ tốt hơn những gì bạn thường thấy khi nền kinh tế sắp rơi vào suy thoái. Nền kinh tế vẫn có một số khả năng để chịu được lãi suất và lạm phát cao hơn, dù đây không phải là vô hạn”.

Ngay cả khi một loạt các công ty nổi tiếng gần đây đã tuyên bố sa thải nhân viên, số lượng cơ hội việc làm vẫn ở mức cao kỷ lục. Chuyên gia Stephen Stanley của Amherst Peirpont Securities cho biết: “Ngoài các công ty tiền kỹ thuật số và một số công ty công nghệ, hầu như không có thông tin gì về việc các doanh nghiệp muốn sa thải nhân viên”.

Theo MarketWatch, trong bối cảnh thị trường lao động vẫn đang thắt chặt, những khó khăn trong việc tìm kiếm và giữ chân nhân tài sẽ khiến các doanh nghiệp miễn cưỡng hơn khi đưa ra quyết định sa thải hàng loạt nhân viên. Bởi lẽ, họ sẽ gặp nhiều khó khăn để lấp đầy đội ngũ nhân sự khi nền kinh tế được cải thiện.

“Hãy nghĩ về cách các công ty quản lý lao động. Có hợp lý không khi nghĩ rằng họ sẽ sa thải nhân viên với số lượng lớn?” chuyên gia Richard Moody đánh giá. Ông cũng chỉ ra rằng tình trạng thiếu lao động đã xuất hiện ngay cả trước khi đại dịch xảy ra và có khả năng sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Thách thức vẫn còn ở phía trước

Các nhà phân tích cho rằng điều cuối cùng sẽ quyết định số phận của nền kinh tế Mỹ là Fed sẽ phải tăng lãi suất đến mức nào để kiểm soát lạm phát, và áp lực giá sẽ giảm nhanh như thế nào.

Nếu lạm phát không giảm mạnh vào cuối năm và ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất lên 4% hoặc cao hơn, như một số dự đoán, đây có lẽ sẽ là cú sốc quá lớn đối với một nền kinh tế đã rất quen thuộc với lãi suất thấp trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, chỉ riêng các nỗ lực của Fed là chưa đủ để kiềm chế lạm phát về mức mục tiêu. Sự leo thang của giá cả, hiện đang chịu tác động của nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của giới chức Mỹ, chẳng hạn như cuộc xung đột Nga - Ukraine. Xung đột đã đẩy giá dầu và ngũ cốc tăng cao, làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát. Bên cạnh đó, một thách thức lớn khác là tình trạng đình trệ của chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu - một yếu tố cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed. Việc nâng lãi suất chỉ đóng vai trò làm giảm nhu cầu của thị trường, qua đó giúp các nhà cung cấp có thêm thời gian để tháo gỡ những khó khăn trong hệ thống thương mại.

Do vậy, chuyên gia Adams của Comerica cho rằng, “Để tránh suy thoái, nền kinh tế sẽ cần một chút may mắn từ giá năng lượng và các sự kiện bên ngoài nước Mỹ”.

Nhiều ý kiến khác vẫn tỏ ra tin tưởng vào khả năng vượt khó của nền kinh tế Mỹ. Trả lời trong chương trình This Week của kênh ABC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới nhiều khả năng sẽ chậm lại, song theo bà, cuộc suy thoái này là hoàn toàn có thể tránh được nhờ những động lực từ chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động.

Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Oren Klachkin của Oxford Economics cũng đánh giá: “Cửa sổ để tránh suy thoái ngày nay đã hẹp hơn, nhưng suy thoái không phải là kịch bản không thể tránh khỏi”.

Nguồn: MarketWatch, ABC, WSJ, Bloomberg, Business Insider, Yahoo News, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới