Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thế nào là “suy thoái”?

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một từ được báo chí đề cập khá thường xuyên khi tường thuật tình hình kinh tế Mỹ trong vòng xoáy lạm phát là khả năng xảy ra “suy thoái kinh tế”. Thế nhưng hầu như không có bài báo nào chịu định nghĩa cho tường minh khái niệm này.

Nhiều người cứ nghĩ suy thoái kinh tế xảy ra khi GDP của một nước sụt giảm trong hai quí liên tiếp. Thế nhưng theo tờ Wall Street Journal, không có một định nghĩa chính xác cho tình trạng này; có thể ở nước khác, suy thoái kinh tế xảy ra khi GDP sụt giảm hai quí liên tiếp, nhưng ở Mỹ trách nhiệm xác định khi nào suy thoái kinh tế diễn ra và khi nào kết thúc được trao cho một hội đồng thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER). Gọi là Cục (Bureau) nhưng NBER thực chất là một tổ chức học thuật phi lợi nhuận. Trên trang web của mình, NBER viết: “Suy thoái là sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên diện rộng và kéo dài vài tháng” - một định nghĩa khá mơ hồ.

Lần tuyên bố kinh tế rơi vào suy thoái gần đây nhất của NBER là vào năm 2020, lúc bắt đầu đại dịch Covid-19, nhưng lần đó suy thoái chỉ kéo dài mấy tháng. Nhiệm vụ xác định ngày tháng bắt đầu và kết thúc một đợt suy thoái là thuộc Ủy ban Định ngày chu kỳ kinh doanh của NBER, gồm 8 thành viên là các nhà kinh tế thuộc các trường đại học ở khắp Mỹ. Thông thường, sau khi một đợt suy thoái đã kết thúc vài tháng hay thậm chí vài năm rồi họ mới đưa ra các mốc ngày tháng cụ thể. Như thế nhiệm vụ của NBER không phải là xác định suy thoái theo thời gian thật, mà nghiên cứu, rà soát mọi dữ liệu để xác định cho chính xác dù có độ trễ.

 

Cho đến nay NBER đã xác định 12 cuộc suy thoái tính từ năm 1948, tính ra chừng sáu năm xảy ra một cuộc. Ông Bob Hall, chủ tịch hiện nay của ủy ban cho biết họ xem xét một loạt nhiều dữ liệu kinh tế, từ GDP, số liệu thất nghiệp, thu nhập hộ gia đình, chi tiêu cá nhân, doanh số bán lẻ cũng như sản xuất công nghiệp để đi đến quyết định - không có chỉ tiêu nào quan trọng hơn chỉ tiêu nào.

Xác định ngày tháng là khó nhưng theo ông Hall, ủy ban biết ngay có suy thoái một khi suy thoái diễn ra, thông thường là một sự sụt giảm mạnh sản lượng và việc làm. NBER từng cho thấy sụt giảm GDP trong sáu tháng liên tục chưa chắc đã là suy thoái; chẳng hạn lần kinh tế đi xuống khi đại dịch bùng phát dù chỉ kéo dài vài ba tháng nhưng vẫn được tính là “suy thoái” do mức độ nghiêm trọng của nó. Ngược lại, có lần sản lượng sụt giảm nhẹ nhưng liên tục trong hơn sáu tháng đã không đáp ứng tiêu chí của NBER nên họ không xem đó là suy thoái.

Ở đây có lẽ phải nhắc lại quan điểm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), họ cũng cho rằng không có định nghĩa chính thức về suy thoái kinh tế, nhưng người ta thường dựa vào hai yếu tố: mức sụt giảm kinh tế và thời gian kéo dài. IMF cho rằng nhiều nhà phân tích dùng khung thời gian hai quí liên tiếp để tiện xác định và mức sụt giảm GDP, 2% gọi là suy thoái còn trong khoảng 5% gọi là suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên IMF cũng cho biết cách xác định như thế có thể tiện lợi nhưng cũng có khiếm khuyết vì GDP không thôi không đủ để đo lường sức khỏe kinh tế của một nước. IMF khuyến cáo nên dựa vào nhiều yếu tố khác để đo lường chính xác và kịp thời hơn.

Suy thoái kinh tế thường kéo dài trong bao lâu? Wall Street Journal cho rằng còn tùy, như cuộc suy thoái năm 2008 sau khi thị trường nhà đất sụp đổ đã kéo dài đến 18 tháng (từ tháng 12-2007 đến tháng 6-2009), mức độ khá nghiêm trọng (GDP sụt giảm 3,7%). Các cuộc suy thoái ở Mỹ diễn ra trước đó thường kéo dài trong 11 tháng và mức độ sụt giảm chừng 1,7%.

Nhân đây xin nhắc đến một định nghĩa khác, cũng có liên quan là “thị trường gấu” trong chứng khoán. Thị trường chứng khoán hiện được xem đã chuyển sang tình trạng “bear market” - được định nghĩa chính thức là khi giá cổ phiếu trên thị trường sụt giảm từ 20% trở lên so với mốc cao nhất trước đó. Thị trường gấu gần đây nhất cũng là khi đại dịch bùng phát, cổ phiếu sụt giá đến một phần ba trong vòng 33 ngày vào đầu năm 2020 và phải mất sáu tháng sau mới phục hồi mức cũ. Lần “gấu ngủ đông” này chưa biết sẽ kéo dài bao lâu.

Mặc dù “thị trường gấu” chưa hẳn là dấu hiệu của một đợt suy thoái kinh tế sắp diễn ra, nhiều nhà kinh tế cho rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là rất cao như nhận định của một chuyên gia do Wall Street Journal trích dẫn: “Tôi nghĩ chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng GDP sẽ quanh quẩn ở mức 0% trong vài quí, có nghĩa chúng ta sẽ có vài ba đợt suy thoái kỹ thuật trước khi năm 2023 kết thúc”. Riêng NBER thì không có ý kiến - vì chính sách của họ là không bình luận các vấn đề suy thoái trước khi ủy ban đã xem kỹ các dữ liệu và có quyết định chính thức. Có lẽ phải chờ suy thoái diễn ra, kéo dài rồi kết thúc một thời gian sau NBER mới có công bố.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới