Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Pháp quyền cần được thông suốt từ trên xuống dưới

Mộc Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mới đây, hôm 21-6, UBND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ra thông báo số 20/TB-UBND về việc chích ngừa mũi 4 vaccine Covid-19 kèm theo biện pháp cưỡng chế, nếu người dân không chấp hành thì không cho phép đi ra khỏi nơi cư trú, không được tham gia các hoạt động công cộng, không giải quyết các thủ tục hành chính(*). Đây không phải là lần đầu chính quyền huyện này áp dụng biện pháp chống dịch cực đoan như vậy.

Ngay chiều cùng ngày, UBND huyện này đã thu hồi văn bản sai luật nói trên và thay thế bằng thông báo số 21/TB-UBND, trong đó toàn bộ nội dung “cưỡng chế chích ngừa” đã được bãi bỏ.

Không rõ bộ máy tư pháp tham mưu của UBND đã hoạt động ra sao và vị phó chủ tịch UBND huyện ký văn bản này có nhớ tới Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ - quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" - hay không.

Bởi lẽ, cho đến nay, đây là văn bản pháp luật cao nhất liên quan đến quy định các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dựa trên phân loại dịch theo 4 cấp độ: 1 (vùng xanh), 2 (vùng vàng), 3 (vùng cam) và 4 (vùng đỏ). Tương ứng mỗi cấp độ là các biện pháp phòng chống dịch được quy định chi tiết.

Nghị quyết 128 còn quy định rất rõ ràng “Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình dịch trên địa bàn, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch”.

Theo số liệu của Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia, đến tháng 6-2022, dân số từ 18 tuổi trở lên của tỉnh Sóc Trăng là 861.361 và số vaccine đã tiêm là 2.975.640 liều. Như vậy, tỉnh này đã phủ 100% mũi 3 vaccine ngừa Covid-19.

Vậy mà, khi cả nước - bao gồm huyện Mỹ Xuyên - vẫn là vùng xanh thì UBND huyện này lại ra một văn bản liên quan đến phòng chống dịch ở mức độ vùng đỏ áp dụng với những người đã chích ngừa 2 mũi, 3 mũi vaccine Covid-19, một việc thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Đây không phải là lần đầu huyện này tự đặt ra các biện pháp chống dịch cực đoan gây ảnh hưởng đời sống người dân. Hồi tháng 7-2021, chốt kiểm soát của huyện Mỹ Xuyên đã chặn không cho xe thu mua sữa tươi vào huyện trong ba ngày, trước khi chính quyền cấp tỉnh can thiệp tháo gỡ. Hậu quả là 50 hộ nông dân huyện này phải đổ bỏ khoảng 1.400 lít sữa mỗi ngày. Lý do chặn xe rất máy móc: chỉ cho xe 2,5 tấn lưu thông nhưng xe lạnh thu mua sữa tải trọng 3,5 tấn nên không cho đi qua!(**)

Việc chính quyền địa phương tự đặt ra quy định vượt quyền, vượt cấp và sai luật như trường hợp huyện Mỹ Xuyên - dù sau đó bị “thổi còi” phải thu hồi - có lẽ nên chấm dứt vì lo ngại sẽ tạo ra những hình ảnh xấu trong mắt người dân về trình độ chuyên môn của bộ máy hành pháp.

------------------------

(*) https://nld.com.vn/thoi-su/thong-bao-la-ve-phong-chong-covid-19-tai-mot-huyen-o-soc-trang-20220621141602767.htm

(**)  https://vnexpress.net/nong-dan-mien-tay-do-bo-sua-bo-4329002.html

1 BÌNH LUẬN

  1. “Sếp quyền” lớn hơn pháp quyền rồi. Tình trạng này khá phổ biến, khiến cho kỷ cương, hiệu lực hiệu quả lãnh đạo rối loạn khắp nơi. Nhiều vị lãnh đạo địa phương không lẽ không hiểu thế nào là “pháp quyền” chăng?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới