Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quả “bom hạt nhân” môi trường

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nếu cần tìm một trường hợp điển hình cho sự tàn phá khốc liệt của biến đổi khí hậu thì có lẽ số phận hiện nay của Great Salt Lake, hồ nước mặn lớn nhất ở Tây bán cầu, là minh họa rõ nét nhất. Một bài phóng sự trên tờ New York Times cho thấy hồ nước này đang cạn dần, tạo ra một vùng khô cằn đầy bụi độc, làm tiểu bang Utah như đang gánh chịu một quả bom hạt nhân khổng lồ.

Hình vệ tinh Great Salt Lake vào tháng 9-1987 và cùng khu vực đó chụp vào tháng 5-2021.

Đến cuối thập niên 1980 Great Salt Lake có diện tích chừng 8.500 ki lô mét vuông, nhưng từ đó đến nay đã co rút lại đến hai phần ba, chỉ còn 2.500 ki lô mét vuông. Great Salt Lake từng giúp tạo ra một ốc đảo xanh tươi có thành phố Salt Lake City làm trung tâm, với 2,5 triệu dân sống quanh đó như một trong những khu đô thị phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Hệ sinh thái của vùng này bao gồm các rặng núi cao về phía Đông; tuyết rơi vào mùa đông sẽ tan chảy, theo ba con sông đưa nước về thành phố cùng một vùng đồng bằng rộng lớn trước khi chảy vào Great Salt Lake.

Cho đến những năm gần đây, hệ sinh thái này có một sự cân bằng rất tinh tế: vào mùa hè, nước hồ bốc hơi nên mực nước hạ thấp chừng 60 cen ti mét; mùa xuân, tuyết tan nước tràn về nâng lên mức cũ. Hai thay đổi lớn đã phá vỡ sự cân bằng này. Đầu tiên là sự bùng nổ dân số của vùng, làm nhu cầu giữ nước sông lại để tiêu thụ tăng mạnh, làm nước về hồ bị khóa bớt. Thứ nhì là biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng cao làm tuyết bốc hơi thoát vào khí quyển chứ không tan thành nước chảy vào sông. Các đợt nóng cũng làm nhu cầu sử dụng nước tăng vọt, càng làm lượng nước chảy về hồ ngày càng ít đi. Diện tích hồ thu nhỏ lại thì lượng hơi nước cũng giảm, làm lượng tuyết rơi xuống núi giảm theo. Năm ngoái mực nước Great Salt Lake đạt mốc thấp kỷ lục và năm nay có lẽ còn xuống thấp hơn nữa.

Trong một bài bình luận sau bài phóng sự về tương lai u ám của Great Salt Lake, cây bút kinh tế Paul Krugman nhận xét, những gì đang xảy ra cho hồ nước khổng lồ này là rất tệ hại nhưng đáng sợ hơn là sự thiếu vắng những biện pháp khả dĩ để ngăn chận một thảm họa sẽ xảy ra như thể nhân loại cũng đang bó tay trước các vấn đề mang tính tồn vong của biến đổi khí hậu. Có lẽ ông đặt một câu hỏi thay cho mọi người Mỹ: “Nếu chúng ta không thể cứu Great Salt Lake, làm sao có thể hy vọng sẽ cứu được hành tinh này?”.

Theo báo New York Times, tình hình này tiếp tục sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy môi trường to lớn. Ngay trong mùa hè năm nay nhiều sinh vật trên hồ, kể cả tôm nước lợ sẽ chết, đe dọa sự sống của chừng 10 triệu con chim di trú năm nào cũng ghé lại hồ để tìm thức ăn. Các khu nghỉ dưỡng, trượt tuyết phía trên thành phố sẽ khó hoạt động vì thời tiết không thuận lợi. Các hoạt động khai thác magie và nhiều khoáng chất khác từ hồ sẽ phải ngưng lại. Quan trọng hơn, bầu không khí chung quanh Salt Lake City sẽ trở nên độc hại. Đó là bởi đáy hồ có mức độ tập trung chất arsenic cao và khi nước cạn làm phơi ra các chất này, gió mạnh sẽ bốc chất độc này bay vào phổi của cư dân sống quanh hồ.

Để cứu lấy hồ nước khổng lồ này, người dân Utah phải chịu hy sinh. Khi biến đổi khí hậu gây ra những đợt hạn hán kéo dài, để duy trì nguồn nước chảy về hồ đầy đủ, cần cắt giảm nguồn nước bị chặn lại dùng cho sinh hoạt và nông nghiệp - một điều khó lòng được người dân ở đây chấp nhận và các quan chức tiểu bang cũng không dám mạnh tay thực hiện.

Cái khó là tốc độ cạn kiệt dần của Great Salt Lake là khá chậm, trong khi cắt giảm nguồn nước sẽ thấy ngay tác động lên cuộc sống bình thường của người dân. Từ đó, New York Times đặt câu hỏi, con người sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu đến mức độ nào, ngay cả khi phải đối diện với những tác động rõ ràng trước mắt, có tiềm năng gây ra thảm họa. Ở California cũng từng có Hồ Owens cạn nước cách đây vài thập niên, tạo ra một vùng ô nhiễm bụi lớn nhất nước Mỹ, biến các cộng đồng sống quanh đó thành các thành phố chết.

Hàm lượng muối trong hồ, khu vực gần thành phố Salt Lake City dao động từ 9% đến 12%. Nhưng khi nước trong hồ cạn dần, hàm lượng muối sẽ tăng lên và khi tỷ lệ này tăng đến mức 17%, một mức mà nhiều nhà khoa học cho rằng sẽ xảy ra vào mùa hè năm nay, tảo trong nước sẽ gặp khó khăn, đe dọa mọi sinh vật trong hồ sống nhờ tảo. Mặc dù hệ sinh thái này chưa sụp đổ hẳn, giáo sư sinh học Bonnie Baxter thuộc trường Westminster cho rằng cuộc sống hiện đang ở bên bờ vực với viễn cảnh rất đáng sợ.

Theo chân các nhà nghiên cứu khảo sát vùng đất trước đây ngập trong nước nay khô cằn, phơi mình dưới ánh nắng mặt trời, phóng viên báo New York Times ghi nhận đất ở đây chứa nhiều arsenic, antimon, đồng, zincorni và nhiều loại kim loại nặng độc hại khác, là chất tồn dư từ hoạt động khai thác trước đây. Hiện nay đất còn một lớp phủ cứng nhưng khi gió dần dần thổi bay lớp đất này, các độc chất sẽ phơi bày và sẽ bị cuốn tung vào không khí. Các đám bụi độc sẽ làm người ta khó thở, trước tiên là những người có vấn đề về hô hấp sau đó sẽ ảnh hưởng hết mọi người.

Hiện nay thành phố Salt Lake City cố gắng hạn chế việc tiêu thụ nước, bao gồm ngưng cấp phép cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều nước như các trung tâm dữ liệu hay các nhà máy đóng chai, nhưng biện pháp này như muối bỏ bể. Các biện pháp khác như tăng giá nước để khuyến khích tiết kiệm lại chưa được sự đồng tình cao. Trong khi đó, để giữ giá đất, các khu dân cư vẫn khuyến khích người dân duy trì bãi cỏ xanh trước nhà mặc dù rất tốn nước; các dự luật ngăn cấm chuyện này đều không được thông qua.

Trong một bài bình luận sau bài phóng sự về tương lai u ám của Great Salt Lake, cây bút kinh tế Paul Krugman nhận xét, những gì đang xảy ra cho hồ nước khổng lồ này là rất tệ hại nhưng đáng sợ hơn là sự thiếu vắng những biện pháp khả dĩ để ngăn chặn một thảm họa sẽ xảy ra như thể nhân loại cũng đang bó tay trước các vấn đề mang tính tồn vong của biến đổi khí hậu. Có lẽ ông đặt một câu hỏi thay cho mọi người Mỹ: “Nếu chúng ta không thể cứu Great Salt Lake, làm sao có thể hy vọng sẽ cứu được hành tinh này?”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới