Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM không thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, theo HCDC

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Trước thông tin khan hiếm vaccine ở nhiều cơ sở y tế, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) khẳng định các loại vaccine bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng cơ bản đầy đủ. Đối với các loại vaccine dịch vụ sẽ tuỳ thuộc vào từng cơ sở tiêm chủng.

Trong những ngày vừa qua, nhiều phụ huynh tại TPHCM đưa con đến một số điểm tiêm chủng để tiêm các loại vaccine như viêm gan B, viêm não mô cầu, cúm… đều phải ra về vì các loại vaccine này đã hết, kể cả đi tiêm dịch vụ cũng không còn.

Chiều 23-6, thông tin về tình trạng khan hiếm trầm trọng vaccine trong tiêm chủng tại buổi họp báo về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết hiện nay vaccine đang sử dụng có hai loại gồm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vaccine dịch vụ.

Vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn miễn phí và không thiếu ở các trạm y tế địa phương, ông Tâm khẳng định. Đối với vaccine tiêm theo dịch vụ, các cơ sở y tế kinh doanh theo cơ chế thị trường nên tùy từng cơ sở.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), thành phố hiện không thiếu vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo ông Tâm, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 38/2017/TT-BYT về danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc. Thông tư 38 được áp dụng từ ngày 1-1-2018, đối với 10 bệnh bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể với các bệnh như viêm gan virus B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae type b, bệnh sởi, bệnh viêm não Nhật Bản B, bệnh rubella.

Đây là những bệnh truyền nhiễm bắt buộc trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi phải tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Riêng vaccine viêm gan B được chỉ định tiêm bắt buộc trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vaccine ngừa lao được tiêm một lần cho trẻ trong vòng một tháng sau sinh.

Thông tư 38 cũng đưa ra những quy định cụ thể về lịch tiêm chủng đối với mỗi loại vaccine, đối tượng tiêm và 10 loại vaccine nêu trên đều được tiêm miễn phí.

Nếu trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch thì cần đưa trẻ đi tiêm chủng càng sớm càng tốt, nhưng phải đảm bảo phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc tiêm chủng theo chiến dịch, hoặc tiêm chủng bổ sung sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong từng trường hợp cụ thể.

Tại TPHCM, hiện vaccine trong chương trình bắt buộc của các cơ sở y tế quận huyện, trạm y tế cơ bản vẫn đầy đủ. Ảnh: M.T.

Ngoài ra, Thông tư số 38 cũng quy định 8 bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch, gồm bệnh bạch hầu, bệnh bại liệt, bệnh ho gà, bệnh rubella, bệnh sởi, bệnh tả, bệnh viêm não Nhật Bản B, bệnh dại.

Đối với trẻ không nằm trong độ tuổi nêu trên có thể tiêm vaccine dịch vụ. Nếu các cơ sở y tế tiêm dịch vụ thiếu vaccine các loại bệnh nêu trên, người dân có thể đến Bệnh viện Nhi Đồng của thành phố để tiêm dịch vụ, ông Tâm cho biết.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, ngành y tế bảo đảm những vaccine tiêm chủng mở rộng luôn có đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân và nhu cầu phòng bệnh thiết yếu của những bệnh bắt buộc phải được tiêm. Như vậy, hiện vaccine trong chương trình bắt buộc của các cơ sở y tế quận huyện, trạm y tế cơ bản vẫn đầy đủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới