(KTSG Online) - Thị trường hàng không Việt Nam đã phục hồi nhanh, với tốc độ phục hồi trong top 10 các thị trường hàng không trên thế giới, nhưng các hãng đều lắc đầu vì với giá nhiên liệu tăng cao và tốc độ phục hồi kém của thị trường quốc tế, lỗ lại chồng lỗ. Theo dự đoán của các hãng, phải đến năm 2025 họ mới có lợi nhuận như thời điểm 2019.
- Mở đường bay thẳng Việt Nam – Ấn Độ, tăng tần suất đường bay đến Anh
- Đã đến lúc phải hy sinh thuế xăng dầu để cứu nền kinh tế
Mới phục hồi được thị trường nội địa
Trên trang web của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết các chuyến bay khai thác nội địa đã có sự bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2022. Lượng hành khách và sản lượng hàng hóa tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Các hãng hàng không nội địa đã vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 667.000 khách, tăng 1.033%. Khách nội địa đạt 19,5 triệu khách, tăng 51,8%.
Các chuyên gia ở Hiệp hội Vận tải hàng không đánh giá, với thị trường Việt Nam, dự kiến sẽ có những dấu hiệu tích cực cả ở nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường hàng không còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đầu tiên là giá nhiên liệu tăng quá cao, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 khiến phần chi phí tăng thêm của các hãng là vài ngàn tỉ đồng.
Thứ hai là thị trường quốc tế đi đến Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã nới lỏng các quy định về nhập cảnh và cách ly, song do tình hình dịch bệnh còn khó lường, các hạn chế về nhập cảnh và cách ly của các thị trường chính của Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc khiến tốc độ hồi phục của thị trường quốc tế còn chậm, đặc biệt trong nửa đầu 2022.
Trong các giai đoạn sau, ngay cả khi phục hồi, tốc độ phục hồi dự kiến sẽ chậm do khách du lịch, vốn chiếm tới 70% lượng khách, chưa thể phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Cú sốc giá nhiên liệu
Theo dự đoán của các hãng hàng không Việt Nam, phải đến quí 4-2023 thị trường hàng không quốc tế mới phục hồi hoàn toàn cùng thị trường nội địa và đến 2025 mới có lợi nhuận như thời điểm 2019.
Quay trở lại vấn đề về giá nhiên liệu bay, khi thị trường phục hồi, số chuyến bay nội địa tăng gấp đôi thì giá nhiên liệu cũng tăng gấp đôi. Cuối năm 2021, khi chưa xảy ra xung đột quân sự Nga-Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao đã làm Vietnam Airlines lỗ 218 tỉ đồng. Còn năm 2022, giá nhiên liệu dự kiến được hãng xây dựng và báo cáo trước cuộc họp đại hội đồng cổ đông hôm 27-6 là 110,2 đô la Mỹ/thùng trên cơ sở giá dầu thực tế đưa vào chi phí từ tháng 1 đến tháng 4-2022 và theo dự báo giá dầu JA1 theo giá tương lai từ các thông tin về thị trường dầu mỏ. Từ tháng 4 đến hết năm 2022, giá nhiên liệu bay ước khoảng 115,3 đô la Mỹ/thùng.
“Rủi ro giá nhiên liệu năm 2022 được đánh giá là rất lớn, phức tạp do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế toàn cầu, cung cầu của thị trường năng lượng và các yếu tố địa chính trị thế giới, đặc biệt là tình hình cuộc xung đột Nga-Ukraine và các hệ lụy kèm theo”, một lãnh đạo Vietnam Airlines lo lắng.
Còn thị trường khách quốc tế, mặc dù các hãng cấp tập mở lại các thị trường đông dân như Ấn Độ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á... nhưng đối tượng khách chủ yếu vẫn là khách công vụ, chuyên gia, người hồi hương… trong khi đối tượng khách chủ đạo là khách du lịch (vốn chiếm tới 90% nhu cầu) vẫn chưa thể phục hồi như trước dịch. Hai thị trường lớn là khách Trung Quốc và Nga hiện chưa khai thác được và tình trạng đóng băng hai thị trường này còn kéo dài.
Vietnam Airlines đã lên nhiều kịch bản cho các thị trường quốc tế theo hướng (kịch bản cao, trung bình và thấp). Hãng vẫn ưu tiên khai thác các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và các đường bay có dung lượng thị trường lớn.
Doanh thu hợp nhất năm 2022 của Vietnam Airlines dự kiến đạt gần 60 ngàn tỉ đồng (tăng 201%). Số lỗ từ lợi nhuận hợp nhất sau thuế là âm (-) 11 465 tỉ đồng (bằng 86% số lỗ 2021).
Với dòng tiền thâm hụt như trên, Vietnam Airlines chủ động thực hiện các giải pháp giúp cải thiện dòng tiền thêm 8.068 tỉ đồng để duy trì thanh khoản và đảm bảo cân đối dòng tiền cho các nội dung chi cần thiết ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thanh toán theo các thỏa thuận và cam kết với các nhà cung cấp, các ngân hàng cho vay.
Đến cuối năm 2022, hãng này dự kiến có mức dư tiền trên 2.040 tỉ đồng và duy trì nợ vay ngắn hạn và giãn hoãn thanh toán ở mức cao là 19.500 tỉ đồng (trong đó dư nợ vay ngắn hạn là 4.700 tỷ đồng, nợ tái cấp vốn là 4.000 tỉ đồng và nợ nhà cung cấp là 10.800 tỉ đồng).
Các kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành trái phiếu đang chờ được phê duyệt và nhanh nhất đến 2023 mới có thể thực hiện được.