Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mua sắm của bệnh viện công: câu chuyện từ nước Pháp

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở nhiều bệnh viện công đang diễn ra theo thông tin chính thức từ Bộ Y tế là do nhiều nguyên nhân khác nhau(1) nhưng tựu trung thì gốc rễ vẫn là ở quy trình và các quy định hướng dẫn thực hiện, giám sát.

Ở những nước phát triển và có chỉ số tham nhũng thấp thì việc quản lý mua sắm của các bệnh viện công cũng không hề đơn giản chút nào. Câu chuyện từ nước Pháp sau đây có thể là một tham khảo cho Việt Nam.

Chương trình PHARE của Bộ Y tế Pháp

Chi phí mua sắm là khoản chi lớn thứ hai của hệ thống y tế Pháp sau tiền lương cho đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế. Với chi phí mua sắm trung bình khoảng 25 tỉ euro/năm, 60% trong số này là các mua sắm liên quan đến y tế như thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Trong bối cảnh ngân sách dành cho y tế cũng hạn hẹp thì việc mua sắm có hiệu quả là rất cần thiết và quan trọng để có thể cải thiện nguồn chi lương.

Vào cuối năm 2011, Bộ Y tế Pháp đã khởi xướng chương trình Hiệu quả bệnh viện thông qua mua sắm có trách nhiệm “Performance Hospitalière pour des Achats REsponsables” aka. PHARE(2). Theo đó, chương trình tập trung vào các vấn đề như: đấu thầu mua sắm chung ở địa phương, vùng và phạm vi quốc gia; nâng cao năng lực đơn vị mua sắm; mua theo phương pháp giá cuối cùng; tối ưu chuỗi cung ứng (kho lưu trữ và phân phối); kiểm soát quản trị mua sắm; hệ thống thông tin dữ liệu để tối ưu quy trình và hiệu quả mua sắm.

Về hiệu quả của chương trình, trong giai đoạn 2012-2018 đã tiết kiệm cho ngân sách gần 3 tỉ euro. Nhưng quan trọng hơn là quy trình mua sắm được tối ưu và ngày càng cải thiện, sự trao đổi giữa bên có nhu cầu và bên thực hiện mua sắm gắn kết và hiệu quả hơn.

Mặc dù đã có mô hình và chương trình kể trên, Bộ Y tế Pháp cũng không tránh khỏi những chỉ trích trong việc dự phòng và mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Qua đó cho thấy việc mua sắm, dự trữ trong lĩnh vực y tế là rất nhiều thách thức. Trước đây, một cựu bộ trưởng y tế đã bị chỉ trích vì dự phòng lượng khẩu trang lớn vào năm 2009 khi cúm H1N1 xảy ra nhưng không dùng đến phải tiêu hủy, và rồi Covid-19 xảy đến thì giai đoạn đầu nước Pháp bị thiếu trầm trọng khẩu trang.

Thực trạng mua sắm của bệnh viện công ở Việt Nam

Hiện nay, việc mua sắm của bệnh viện công ở Việt Nam cũng theo các mô hình như đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đấu thầu tập trung cấp địa phương. Tuy vậy cũng có thêm hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thông thường và chỉ định thầu rút gọn.

Mặc dù đã có cơ chế đấu thầu tập trung nhưng thực tế cho thấy vẫn có rất nhiều lỗ hổng khiến cho chi phí mua sắm cuối cùng cao hơn thực tế, và người gánh cuối cùng là người bệnh và ngân sách.

Cũng như ở nhiều lĩnh vực khác, Việt Nam luôn bắt kịp nhanh các xu hướng, có đủ các khung và chương trình hành động nhưng khi thực thi lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Lỗ hổng thứ nhất là thành viên của các hội đồng có ảnh hưởng đến quyết định mua sắm thiếu sự đa dạng cũng như ẩn chứa nhiều rủi ro xung đột lợi ích. Chẳng hạn hội đồng đấu thầu thuốc tập trung của một sở y tế chỉ bao gồm lãnh đạo sở, phòng nghiệp vụ dược (trực thuộc sở) và đại diện của cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, lẽ ra hội đồng này phải có thành viên là đại diện của một hay một số khoa khám chữa bệnh (nơi có nhu cầu trực tiếp), các chuyên gia độc lập trong lĩnh vực y tế, chuỗi cung ứng, và đại diện bên ngân sách.

Cũng vì lý do trên mà thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên dẫn đến sự thiếu hiệu quả: bên mua sắm, bên chi tiền, và bên sử dụng không cùng chung tiếng nói, cái cần thì thiếu và cái không không cần thì dư thừa.

Lỗ hổng thứ hai là hệ thống chia sẻ thông tin về nhu cầu và tồn kho các loại thuốc, vật tư y tế giữa các bệnh viện trên cùng một địa bàn, trong một vùng hay phạm vi cả nước. Việc có được một hệ thống theo dõi dưới dạng bảng điều khiển chính (dashboard) sẽ cập nhật kịp thời, giúp nâng cao hiệu quả quản lý hàng tồn kho cũng như chuỗi cung ứng.

Lỗ hổng thứ ba và nghiêm trọng đó là vấn đề tham nhũng, cạnh tranh không lành mạnh trong việc đấu thầu, mua sắm trong hệ thống y tế. Chỉ khi những vụ việc bị phát giác thì công chúng mới biết được có hiện tượng thông thầu, chia thầu, một số doanh nghiệp được hưởng những đặc quyền từ việc lạm dụng quyền lực của một số người có ảnh hưởng.

Ước tính tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế năm 2022 là 120.112 tỉ đồng. Một phần lớn trong số này là chi cho mua sắm, và nếu tiết kiệm được 5-10% thì ngân sách có thể tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng, phần nào có thể cải thiện tiền lương cho đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế.

Cũng như ở nhiều lĩnh vực khác, Việt Nam luôn bắt kịp nhanh các xu hướng, có đủ các khung và chương trình hành động nhưng khi thực thi lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Hiệu quả của hoạt động mua sắm công trong lĩnh vực y tế chỉ có thể cải thiện khi yếu tố minh bạch được coi trọng, thu nhập của những người có ảnh hưởng đến quyết định mua sắm xứng đáng với vị trí, chuyên môn, và trách nhiệm của họ.

(1) https://moh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/-/asset_publisher/DOHhlnDN87WZ/content/thong-tin-ve-thuc-trang-cong-tac-au-thau-mua-sam-thuoc-vat-tu-va-trang-thiet-bi-y-te-hien-nay
(2) https://solidarites-sante.gouv.fr/professionnels/gerer-un-etablissement-de-sante-medico-social/performance-des-etablissements-de-sante/phare-11061/article/le-programme-phare

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới