Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

EU buộc thời trang phải “ăn chắc, mặc bền”

Song Hảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) về dệt may bền vững và tuần hoàn đưa ra các yêu cầu cụ thể, theo từng sản phẩm cụ thể và có tính ràng buộc. Các yếu tố làm sản phẩm mau hư hỏng được quy định cụ thể: màu mau phai, dây kéo mau hỏng, sợi tổng hợp pha với cotton làm sản phẩm khó tái chế... Các nhãn hàng và nhà gia công phải đáp ứng các tiêu chí này để có thể bán hàng vào EU.

Các thương hiệu thời trang nhanh dựa trên việc bán hàng khối lượng lớn, thay đổi mẫu mã quá nhanh buộc phải điều chỉnh mô hình kinh doanh trước các quy định của EU. Ảnh: Walensee

Chiến lược dệt may mà Ủy ban châu Âu (EC) trình bày hôm 17-5-2022 là một trong những nỗ lực mới nhằm giảm tác động môi trường của ngành dệt may bằng cách tăng độ bền của sản phẩm. Các quy định mới có thể áp dụng từ đầu năm 2024.

Sống chậm, có trách nhiệm

Thời trang nhanh là ngành công nghiệp trang phục đáp ứng thị hiếu thay đổi chóng vánh của người tiêu dùng từ thập niên 1990 trở đi. Nhiều người sính thời trang, kiểu “ham mới nới cũ” hay ăn mặc theo mốt, sẵn sàng bỏ tiền để mua các sản phẩm chỉ bận một hai lần rồi bỏ, bởi mốt mới đã ra. Trong khi đó, các nhãn hàng thì dựa vào vật liệu và nhân công giá rẻ để quay vòng nhanh, đưa gấp sản phẩm lên kệ trước khi một xu hướng mới khác ra đời.

Theo hãng tư vấn McKinsey, sản lượng hàng may mặc toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000-2014. Đây là giai đoạn mà người tiêu dùng mua quần áo nhiều hơn trước 60%, nhưng chỉ giữ đồ lâu bằng nửa thời gian trước.

Các nhãn hàng thời trang còn bị các cáo buộc về việc thuê các xưởng may ở các nước nghèo có mức lương rẻ mạt, sử dụng lao động cưỡng bức. Ảnh: Reuters

Trong hai thập niên qua, giá sản phẩm thời trang nhanh đã giảm khi các công ty chuyển sang sử dụng các loại sợi tổng hợp có thành phần từ dầu mỏ với giá thấp hơn bông thiên nhiên. Nhà máy vải và xưởng may phần lớn đặt tại châu Á. Đích đến của các sản phẩm từ các “xưởng mồ hôi” là thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và các nơi khác.

Chiến lược dệt may mới của EU có nghĩa là dấu chấm hết cho sợi tổng hợp chất lượng thấp, may kém chất lượng và các quy trình tinh gọn khiến quần áo mau hỏng trong quá trình giặt. Hay nói cách khác, đã đến lúc thoái trào của của quần áo sản xuất hàng loạt, mau lẹ và giá rẻ.

Trong văn bản này, EC cho biết sẽ đưa ra các quy tắc để chống lại tình trạng “sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá nhiều quần áo”. Lục địa già đang nhắm vào ngành công nghiệp đã mang nhiều điều tiếng về ô nhiễm môi trường tại các bãi rác và lượng khí thải trong quá trình sản xuất sợi, vải nguyên liệu và quần áo thành phẩm.

Các cơ quan quản lý châu Âu đang buộc các hãng thời trang nhanh phải suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh và văn hóa tiêu dùng, và cả tái cấu trúc chuỗi cung ứng ngành dệt may vốn là trụ cột kinh tế của nhiều nước châu Á. Các quy tắc do EU đề xuất buộc các hãng phải trải qua cuộc cách mạng về thiết kế và sản xuất với các tiêu chí được điều chỉnh từ vòng đời của sản phẩm đến lượng sợi tái chế mà sản phẩm sử dụng.

Các chi tiết đang được thảo luận và sẽ phải được Quốc hội EU và chính phủ các nước thành viên thông qua trước khi có hiệu lực vào năm 2024 đối với các quy tắc quan trọng nhất. Ba thay đổi quan trọng sau đang được xem xét.

Đầu tiên, tài liệu của EC cho biết, sẽ đưa ra các tiêu chuẩn về “độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế sợi và hàm lượng sợi tái chế bắt buộc”. Thứ hai, các doanh nghiệp sẽ phải in dữ liệu liên quan, chẳng hạn như điểm số về khả năng có thể sửa chữa khi quần áo hư hỏng, trên nhãn quần áo. Thứ ba, EU có thể cấm các công ty đổ bỏ các mặt hàng không bán được hoặc yêu cầu nhà sản xuất báo cáo số lượng mà họ thải bỏ.

Nhãn hàng và nhà gia công chuẩn bị thích ứng

Các thương hiệu như Decathlon, Uniqlo và H&M đang làm việc với các nhà cung ứng châu Á, chuẩn bị thích ứng với các quy định mới từ Brussels. Nhưng không phải ai cũng hào hứng. “Điều này có thể gây ra nhầm lẫn và giao hàng trễ. Sản xuất ở đây tất cả chỉ là rẻ và nhanh”, một nhà thầu ở Quảng Châu chuyên làm hàng cho các thương hiệu lớn nói với Nikkei Asia.

Những người trong ngành ủng hộ kế hoạch của EC nói quy định mới sẽ khiến sân chơi công bằng hơn. Pernilla Halldin, phụ trách quan hệ công chúng của hãng H&M, cho biết: “Các chính sách trong toàn ngành sẽ hỗ trợ các công ty giảm tốc độ tăng trưởng chỉ dựa vào tài nguyên thô sơ”. Bà hoan nghênh “các quy định chi tiết” trong kế hoạch của EC, bao gồm các mặt hàng dệt may khác, từ giày dép đến thảm. Bà cho biết tất cả các sản phẩm của H&M sẽ được thiết kế để tái chế từ năm 2025.

Uniqlo cho biết đã tổng hợp dữ liệu, bao gồm cả về lượng khí thải carbon và khả năng truy xuất nguồn gốc. Hãng mẹ của Uniqlo là Fast Retailing đang theo các đề xuất của EC và sẽ làm việc với các nhà cung cấp châu Á. Chiến lược này tập trung vào các yếu tố môi trường, nhưng EC nói sẽ kết hợp với các sáng kiến xã hội, như loại bỏ các vấn đề về lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.

EU là nhà nhập khẩu quần áo lớn nhất thế giới, năm nguồn hàng lớn nhất của EU là Trung Quốc chiếm 23%, Bangladesh 15%, Thổ Nhĩ Kỳ 9%, Anh 5% và Ấn Độ 4% - theo cơ quan thống kê Eurostat.

Việt Nam chiếm 3% thị phần nhập khẩu của EU. Thương hiệu quần áo thể thao Decathlon và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đang thúc giục các nhà máy trong nước thay đổi và thích ứng với các quy định của EU. Hiện chỉ 5% các xưởng may Việt Nam đáp ứng các tiêu chí này.

Chiến lược hàng dệt của EC đề cập tiêu chí tăng độ bền cũng ủng hộ “việc tái sử dụng, cho thuê và sửa chữa, dịch vụ mua lại và bán lẻ đồ cũ”. Một số hãng bán lẻ gần đây thực hiện sáng kiến “ăn chắc, mặc bền”. Tại một số cửa hàng H&M, khách có thể để lại quần áo cũ để được giảm giá khi mua đồ mới. Uniqlo cung cấp dịch vụ vá quần áo tại chỗ ở một vài cửa hàng.

Chủ nghĩa bảo hộ hay bảo vệ môi trường?

EU đã từng sử dụng sức mạnh của một thị trường lớn trong những năm gần đây như là áp lực nhằm thúc đẩy các mục tiêu xanh, từ thuế đánh vào lượng phát thải carbon đến quy trách nhiệm của nhà sản xuất đối với rác thải điện tử và nhựa. Nay đến ngành dệt may.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, TS. Nguyễn Hồng Quân nói với Nikkei Asia rằng thời trang nhanh với số lượng lớn sẽ nhường chỗ cho mô hình sản xuất tuần hoàn thông qua hình thức tái chế trước các quy định mới của EU.

Nhưng liệu đây có phải là vỏ bọc cho chủ nghĩa bảo hộ?

Rahul Mehta, doanh nhân ngành dệt may lâu năm và là thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất may mặc Ấn Độ, cho biết: “Phải xem xét kỹ lưỡng đây có phải là quan tâm thực sự đến môi trường hay không, hay là một dạng hàng rào thuế quan. Vật liệu phải được thay thế, quy trình phải được làm lại, công nghệ mới có thể phải được điều chỉnh”.

Các hãng gia công may châu Á ước tính các quy định của EU sẽ khiến chi phí gia tăng. Nhà cung ứng may mặc ở Quảng Châu đã nhắc ở trên dự kiến mức tăng lên tới 50% do việc sử dụng nguyên liệu tái chế. Một số nhà sản xuất lưu ý rằng xuất xứ của nguyên liệu đầu vào không rõ ràng và các chứng chỉ dễ bị làm giả. Số khác lại nói rằng việc ghi thêm các dữ liệu bền vững vào nhãn sẽ không khó.

Tâm lý người tiêu dùng đang thay đổi sau đại dịch, nhiều người chấp nhận cách tiếp cận ít tiêu tốn tài nguyên hơn. McKinsey nói 65% người tham gia trả lời khảo sát năm ngoái nói rằng có kế hoạch mua sắm lâu dài hơn, các mặt hàng chất lượng cao. Nhìn chung, người tiêu dùng coi “sự mới mẻ” - tức yếu tố hợp mốt - là một trong những yếu tố ít quan trọng nhất khi mua sắm”.

Do đó, hãng tư vấn cảnh báo các công ty “cần phải tránh xa sự thành công dựa trên khối lượng sản phẩm lớn”, chú trọng hàng tồn kho có tỷ suất lợi nhuận cao hơn hoặc có nhiều khả năng bán được hơn. McKinsey nói sự thay đổi trong chiến thuật sẽ giảm lượng hàng tồn đọng trên kệ hoặc chuyển đến bãi rác.

“Mọi người nhìn thấy rác thải ở các bãi rác, ở biển, ở sông nhưng họ không thấy trách nhiệm của mình. Đó là vấn đề”, TS. Nguyễn Hồng Quân nói.

Cuối cùng, các doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận sẽ buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn của EU. “Đó là cách thế giới đang chuyển động, cho dù chúng ta muốn hay không. Nếu chúng ta muốn tiếp tục hiện diện trên thị trường, chúng ta phải làm theo nhu cầu của nhà mua hàng”, vị doanh nhân ngành dệt Mehta kết luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới