Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đau đáu đất đổi đời

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đối với các nhà báo phụ trách tường thuật sự kiện tổ chức tại TPHCM, tháng 6 năm nay khép lại bằng một hội thảo về tiềm năng phát triển của huyện Nhà Bè diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng. Trong số các nội dung phát biểu tại hội thảo này là một đề tài nóng gần đây ở TPHCM liên quan đến chuyện các huyện ngoại thành đặt mục tiêu trở thành quận hay thành phố. Với Nhà Bè, một số diễn giả tại hội thảo đưa ra một đề nghị khá táo bạo: kết nối Nhà Bè và quận 7 thành khu đô thị mới Nam Sài Gòn nhằm tạo động lực phát triển mới.

Đây là một đề xuất xem ra đảo ngược quyết định cách đây 25 năm. Năm 1997, huyện Nhà Bè khi đó được tách thành quận 7 và huyện Nhà Bè hiện nay. Thời gian trôi qua, huyện Nhà Bè (sau khi tách) đã có một số bước phát triển đáng kể đạt tốc độ tăng trưởng 12%(1), trong khi quận 7 trở thành một quận nội thành của TPHCM với tâm điểm là khu đô thị Phú Mỹ Hưng nổi tiếng khắp nước. Theo một diễn giả tại hội thảo, mức thu ngân sách của quận 7 tăng 100 lần so với trước kia và hiện cao gấp tám lần hiện nay so với huyện Nhà Bè(2).

Chuyện tách nhập được quyết định bởi chính quyền, và theo đặc điểm tình hình từng thời điểm, tách ra rồi lại nhập vào cũng là lẽ thường. Xét điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, dân số của Nhà bè và quận 7 hiện nay, lý lẽ của các nhà chuyên môn đưa ra tại hội thảo không phải là không có lý.

Nhà Bè có diện tích gần gấp ba lần quận 7 (10.000 héc ta so với 3.500 héc ta), nhưng dân số chỉ già một nửa (khoảng 210.000 người so với 360.000 người)(3). Đáng lưu ý hơn, nhiều ý kiến cho biết hai địa phương này có thể bổ sung cho nhau để tạo thành xung lực mới cho TPHCM hướng ra biển Đông, dựa trên thế mạnh đang có của cộng đồng doanh nghiệp tại quận 7 và tài nguyên du lịch của Nhà Bè.

Theo các chuyên gia trên, thời gian sắp tới, Nhà Bè và quận 7 không nên tiếp tục tách rời nhau, mà cần được gắn kết trong một không gian phát triển chung (nhằm gây sự cộng hưởng từ thế mạnh của mỗi bên). Như báo chí đã đưa tin, gần đây chính quyền Nhà Bè đặt mục tiêu phát triển thành một quận với cột mốc 2025, nghĩa là chỉ còn mấy năm nữa thôi.

Chuyện quy hoạch trong tương lai có gắn kết hay không, hay kế hoạch phát triển thành quận sẽ được thực hiện ra sao cần phải được quyết định trên tổng thể quyền lợi của địa phương và lợi ích chung của cả thành phố. Và đây chính là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo trong chiến lược phát triển dài hơi của TPHCM. Vấn đề này chắc sẽ còn phải bàn nhiều để đi đến một kết luận xác đáng. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm hiện tại, có vài lưu ý cần được quan tâm đúng mức.

Thứ nhất, cần hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng trục lợi trên giá đất của một số người biết quy hoạch trước khi nó được phổ biến rộng rãi hơn. Những người này có thể đến từ chính “người trong cuộc”, là quan chức chính quyền, hay những ai có quan hệ thân thiết với họ. Trong quá khứ, nhiều lần hiện tượng này đã xảy ra và kẻ đắc lợi tạo ra khối tài sản khổng lồ từ đất trong khi hậu quả để lại trên giá đất làm méo mó nghiêm trọng thị trường. Một trong những biện pháp khả thi, đó là thực sự thực hiện công khai quy hoạch.

Thứ hai, quan trọng hơn, liên quan đến việc chống hiện tượng sốt đất khi vừa có thông tin một địa phương trở thành khu đô thị mới. Các vụ sốt đất ở một số nơi tại Hà Nội là một ví dụ. Tại TPHCM cũng không thiếu ví dụ loại này, mà gần nhất là việc thành lập thành phố Thủ Đức. Nhiều người nói hy vọng đất đổi đời, nghĩa là họ mong việc chuyển ba quận thành thành phố Thủ Đức sẽ tạo sự bứt phá về kinh tế cho TPHCM cũng như nhiều cơ hội trực tiếp cho người dân địa phương ở các quận cũ giúp cho cuộc sống của họ tốt hơn.

Đến nay, một năm rưỡi đã trôi qua, có người than chưa thấy cuộc sống khá hơn chỗ nào. Công tâm mà nói, chắc phải cần nhiều thời gian hơn vì ngay cả thể chế cho Thủ Đức cũng chưa thật sự hoàn thiện, vẫn còn khá ngổn ngang, nên khó có hiệu quả ngay. Có điều “lên thành phố” rồi, nhưng cuộc sống chưa “lên” gì mấy, mà chỉ thấy giá đất đã lên cao ngất trời xanh khiến cho giấc mơ “an cư, lạc nghiệp” với căn nhà do chính mình tạo ra của nhiều gia đình càng thêm xa vời, chưa kể các hệ lụy đối với nền kinh tế.

Tự thân cụm từ “lên quận” hay “lên thành phố” đã có ngụ ý đó sẽ là điều tốt đẹp hơn (vì thế mới dùng chữ “lên”). Tuy nhiên, những điều kiện khác cũng phải “lên” đồng bộ, chứ nếu chỉ có giá đất là lên, còn những thứ khác đứng yên hay đi xuống thì e rằng cuộc sống khó mà lên nổi.

Chuyện “lên quận, lên thành phố” là điều tốt. Tuy vậy, vấn đề đó cần được chuẩn bị kỹ lưỡng với các điều kiện khả thi, chứ không nên làm theo kiểu phong trào - người khác có mình cũng phải có! Có người lại bảo nếu không khéo, cả Việt Nam có thể trở thành một công ty địa ốc khổng lồ. Nói như vậy là quá đáng, nhưng chắc đó cũng là một lời cảnh tỉnh đáng lưu ý.

--------------

(1)https://vnexpress.net/huyen-nha-be-muon-len-quan-vao-nam-2025-4131935.html

(2)https://vnexpress.net/de-xuat-ket-noi-nha-be-quan-7-thanh-khu-do-thi-nam-tp-hcm-4482129.html

(3)http://pso.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=b8f45abf-c22c-4e7a-99c7-f05bfb5364ec&groupId=18

1 BÌNH LUẬN

  1. “Cạp đất mà ăn”. Đó là cảnh báo đáng tiền mà tiền nhân đã từng để lại, dành cho những người đã và đang đi vào con đường bế tắc. Đất đai là Mẹ, nước non là Cha, luôn là hai nguồn lực vô giá mà tự nhiên tặng cho con người. Nếu biết tôn tạo, gìn giữ và sử dụng thì đó là hồng phúc muôn đời cho đất nước và thế hệ con cháu mai sau. Nếu chỉ biết xâu xé, giành giật, đánh quả với từng m2 đất, trước sau gì cũng bị quả báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới