Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đừng siết tín dụng với người vay mua nhà ở thực sự

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Gần 10 năm ở phòng trọ, trải qua bao lần bị đuổi, thay chỗ trọ như thay áo, cuối cùng vợ chồng tôi cũng có một căn nhà. Nhưng ngẫm lại tôi thấy mình may mắn, vì nếu là hiện nay, cơ hội kiếm một căn nhà như ngày ấy sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không còn.

Lúc ấy, căn nhà mà tôi mua, người chủ rao bán 1 tỉ đồng ở quận Gò Vấp, TPHCM nhưng hai vợ chồng tôi tích cóp chục năm chỉ được 300 triệu đồng. May mắn thay, người chủ đã tin tưởng, cùng tôi cầm giấy tờ nhà đến gặp một ngân hàng, để rồi ngân hàng tư vấn tôi vay tiền mua nhà và thế chấp bằng chính căn nhà mình mua. Vay mượn bạn bè, người thân ở quê, cùng tích cóp cả thảy chừng một nửa số tiền mua nhà, tôi được ngân hàng cho vay một nửa dưới sự hỗ trợ thủ tục của người bán.

Thằng em tôi có lẽ cũng muốn bắt chước theo tôi, tích cóp được ít tiền, dự tính mua căn nhà có giấy tờ đầy đủ và thế chấp chính căn nhà đã mua. Ý em tôi là mua một căn nhà có giá trị gần gấp đôi số tiền nó có, mà phần thiếu sẽ vay ngân hàng. Em tôi nhờ tôi hỏi giúp và tôi hỏi bốn nhân viên ở bốn ngân hàng nhưng tất cả đều lắc đầu, họ nói “sếp bảo đã hết room” (room là hạn mức tín dụng cho vay một ngành hàng nào đó của ngân hàng thương mại – tác giả).

Họ đồng thanh chỉ tôi rằng giờ muốn thế chấp nhà để vay mua chính căn nhà đó chỉ còn nước tới một ngân hàng quốc doanh hàng đầu ở Việt Nam may ra còn room nhưng thủ tục vay rất khó khăn, nhất là khâu định giá và đặc biệt là lãi suất cho vay rất cao.

Cậu nhân viên tín dụng làm ở ngân hàng mà tôi từng vay tiền mua nhà, xác nhận rằng những gì mà đồng nghiệp của cậu ấy ở các ngân hàng khác nói là đúng. Tuy vậy, cậu ấy cũng bày cách cho tôi lách, có thể vay được ở ngân hàng mà cậu làm việc nhưng có chút rủi ro, có nghĩa không đảm bảo 100% vay được.

Đó là thực tế ngoài đời, còn trên báo chí, mấy hôm nay mục tài chính hay địa ốc của nhiều báo đang phản ánh việc Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đang siết tín dụng bất động sản. Trên KTSG Online ra ngày 3-7 có bài “Vay mua nhà đang chịu sức ép ngày một lớn”(*) hay trên Vnexpress.net ra ngày 5-7 có bài “Những hệ lụy khi siết tín dụng địa ốc”(**), cả hai bài báo đều nói lên xu hướng siết tín dụng của ngân hàng và phản ánh người vay tiền mua nhà đang gặp khó không khác gì thằng em tôi đã kể ở trên.

Điều đáng nói là bài trên Vnexpress.net xuất bản chỉ sau 1 buổi đã có hơn 300 bình luận của bạn đọc mà đa phần ủng hộ việc siết tín dụng với hy vọng làm bình ổn thị trường bất động sản, giá nhà đất giảm, có thể tạo cơ hội cho người dân mua nhà.

Ai cũng biết giá nhà đất ở TPHCM đang ở mức cao mà nếu Nhà nước không có các biện pháp can thiệp thì sẽ tác động xấu đến nền kinh tế, kể cả ước mơ có nhà của nhiều người sẽ ngày càng xa dần. Nên khi nói siết tín dụng để làm giảm đầu cơ, giảm lượng vốn quá lớn đổ vào bất động sản thì nghe qua số đông sẽ ủng hộ. Một con số thống kê đưa ra rằng 80% mua nhà đất hiện nay đang phục vụ đầu cơ, kinh doanh chứ không phải để ở và 70% trong số này có vay vốn ngân hàng.

Nhưng ai cũng biết trong hàng chục năm qua, đã bao lần người dân hy vọng siết tín dụng hay sau "cơn sốt" thì giá nhà đất sẽ giảm, cuối cùng thì thực tiễn cho thấy chẳng giảm chút nào. Nếu có, chắc trị được mấy anh đầu cơ nhỏ lẻ và an toàn cho hệ thống ngân hàng thì đúng hơn.

Kéo giảm giá nhà đất cho phù hợp với nền kinh tế hay loại bỏ những cơn sốt giá bất động sản thì cần nhiều chính sách đồng bộ, như thuế thu nhập khi chuyển nhượng, thuế tài sản, tín dụng..., nhưng làm ơn đừng siết tín dụng kiểu cào bằng, dẫn đến tước đi cơ hội mua nhà để ở thực sự của không ít người, như tôi cách nay mười mấy năm hay thằng em tôi hiện nay.

-------------

(*)https://thesaigontimes.vn/vay-mua-nha-dang-chiu-suc-ep-ngay-mot-lon

(**)https://vnexpress.net/nhung-he-luy-khi-siet-tin-dung-dia-oc-4483362.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Không có chuyện siết cho vay mua nhà để ở đối với các nhu cầu thực sự. Cứ đến Agribank, bạn sẽ được hưởng gói vay ưu đãi nhanh gọn và hợp lý (=<4 tỷ đồng/ lãi suất chỉ 7% áp dụng trong năm đầu). Và cũng không ép buộc mua bảo hiểm !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới