Thứ hai, 4/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phát hành tín phiếu – thông điệp về lãi suất

Phạm Long

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phát hành tín phiếu kể từ ngày 21-6-2022, cũng là đợt phát hành tín phiếu đầu tiên trong hai năm trở lại đây. Tín phiếu được phát hành có thể là tín hiệu đầu tiên về lãi suất của nhà điều hành trong năm nay.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu phát hành tín phiếu kể từ 21-6-2022 đến nay, với số dư tín phiếu hiện hành ở thời điểm cuối ngày 1-7-2022 đạt 38.600 tỉ đồng. Trong đó, riêng tuần từ 27-6 đến 1-7, NHNN đã phát hành tổng cộng 107.600 tỉ đồng cho hai kỳ hạn phát hành là 7 và 14 ngày, với lãi suất lần lượt là 0,65% và 0,9%.

Đáng chú ý là NHNN phát hành tín phiếu theo hình thức đấu thầu lãi suất, không cố định lãi suất như giai đoạn phát hành tín phiếu năm 2019. NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu kể từ thời điểm lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm giảm xuống dưới lãi suất đô la Mỹ ở cùng kỳ hạn.

Thông điệp lãi suất đằng sau phát hành tín phiếu

Chúng ta sẽ xem xét tín hiệu về lãi suất đằng sau động thái phát hành tín phiếu của NHNN dưới sự so sánh tình hình thị trường tiền tệ ở thời điểm hiện tại và thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Cả hai thời điểm đều có điểm chung là thanh khoản dư thừa, biểu hiện qua lãi suất liên ngân hàng các kỳ ngắn hạn giảm về mức thấp.

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong năm 2022 có xu hướng sụt giảm mạnh kể từ giữa tháng 5-2022 đến nay, thể hiện thanh khoản trong hệ thống tương đối dồi dào. Điều này chủ yếu do các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động kể từ đầu năm để thu hút dòng tiền do nhu cầu vốn tăng cao. Song kể từ giữa tháng 5, tình trạng room tín dụng tăng kịch trần tại hầu hết ngân hàng đã khiến đầu ra của dòng vốn ứ đọng lại hệ thống ngân hàng, dẫn tới thanh khoản dư thừa, kéo lãi suất kỳ hạn qua đêm sụt giảm mạnh.

Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tại thời điểm ngày 17-6-2022 theo số liệu Reuters đạt 0,39%; tương đương lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn tại thời điểm đầu năm 2021 - khoảng thời gian thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng do tác động của dịch Covid-19 làm suy giảm nhu cầu vốn nền kinh tế và nhu cầu tín dụng.

Tuy nhiên, điểm khác nhau trong hai giai đoạn là phản ứng của NHNN trước diễn biến của thị trường. Nếu như đầu năm 2021, NHNN không hút tiền thông qua phát hành tín phiếu, mặc cho thanh khoản dư thừa, thì NHNN đã phát hành tương đối nhiều tín phiếu ở giai đoạn hiện tại - có nhiều thời điểm mà thanh khoản khá dư thừa trong ngắn hạn.

Việc phát hành tín phiếu, hút bớt tiền thừa trong giai đoạn hiện tại nhiều khả năng với mục đích kéo lãi suất tiền đồng các kỳ ngắn hạn lên cao hơn, trong bối cảnh lãi suất tiền đồng đang thấp hơn lãi suất đô la Mỹ ở những kỳ hạn ngắn. Điều này dẫn tới phần chênh lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ âm, gây áp lực lên tỷ giá, vốn đã tăng rất mạnh kể từ đầu năm do tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất.

Việc phát hành tín phiếu theo hình thức đấu thầu lãi suất, cho thấy NHNN không chủ trương cố định lãi suất theo mục tiêu đề ra, mà tùy theo cung cầu thị trường để xác định lãi suất. Điều này sẽ tránh được tình trạng thị trường quá mua nếu lãi suất tín phiếu hấp dẫn đáng kể so với lãi suất liên ngân hàng ở cùng kỳ hạn, dẫn tới thanh khoản giảm sút đột ngột, gây xáo trộn thị trường.

Mặt khác, trong bối cảnh lãi suất đô la Mỹ liên tục tăng thì lãi suất tiền đồng tăng tương ứng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá đã và đang tăng mạnh kể từ đầu năm.

Tỷ giá đã tăng tới 3% kể từ đầu năm, chủ yếu do tác động từ việc Fed tăng lãi suất điều hành mạnh hơn kỳ vọng của thị trường. Chỉ số DXY tăng cho thấy nhu cầu đô la Mỹ trên toàn cầu tăng mạnh, tạo áp lực lớn cho đồng tiền nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có tiền đồng - nhóm thị trường mới nổi.

Tỷ giá tăng là nguyên nhân lớn dẫn tới bất ổn vĩ mô, trong đó có thể gây áp lực lớn cho lạm phát do Việt Nam là quốc gia nhập khẩu tương đối lớn so với quy mô GDP. NHNN cũng đã và đang áp dụng nhiều biện pháp cả về phía cung lẫn cầu tiền để hạn chế đà tăng của tỷ giá, bao gồm bán đô la Mỹ từ dự trữ ngoại hối theo hình thức bán kỳ hạn không hủy ngang lần đầu vào tháng 5-2022, để bổ sung nguồn cung đô la Mỹ trên thị trường và định hướng tỷ giá thị trường theo mục tiêu giá bán đô la Mỹ của NHNN. Ngoài ra, động thái phát hành tín phiếu thời gian qua đã đẩy lãi suất tiền đồng tăng cao hơn, làm cân đối lại nhu cầu tiền tệ trên thị trường, hỗ trợ cho tỷ giá.

Hay nói cách khác, lãi suất tiền đồng cần ở mức cao hơn, tương xứng hơn với lãi suất đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ. Vì vậy, đây có lẽ là lý do trọng yếu cho động thái phát hành tín phiếu của NHNN trong thời gian qua.

Có cần tăng lãi suất điều hành trong năm nay?

Lãi suất tiền đồng cần ở mức cao hơn, để cân đối với đà tăng của lãi suất đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ. Vì vậy, có thể động thái phát hành tín phiếu là mở màn cho chuỗi động thái về lãi suất của NHNN thời gian tới.

Hiện tại lãi suất điều hành có tác động tới thị trường liên ngân hàng mạnh nhất chính là lãi suất thị trường mở (OMO) hiện đang ở mức 2,5%. Trong thời gian tới, việc NHNN bán đô la Mỹ để bình ổn tỷ giá, đồng nghĩa với việc hút bớt tiền đồng trên thị trường có thể đẩy thanh khoản tiền đồng vào trạng thái eo hẹp. Nhu cầu vay tiền đồng trên thị trường mở sẽ xuất hiện nhiều hơn, kéo lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng xoay quanh lãi suất thị trường mở.

Trong khi đó, lãi suất mục tiêu của Fed (FED fund target rate) đang ở khoảng 1,5-1,75% và thị trường đang gần như kỳ vọng Fed sẽ tăng thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp FOMC ngày 27-7 tới đây. Ngoài ra nhiều khả năng Fed sẽ tăng thêm nhiều lần 0,75 điểm phần trăm tại các cuộc họp kế tiếp trong năm nay. Như vậy, khả năng cao lãi suất mục tiêu của Fed vào cuối năm nay sẽ cao hơn nhiều so với lãi suất thị trường mở của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Nếu không có một động thái tăng lãi suất tương ứng, lãi suất tiền đồng sẽ thấp hơn đáng kể lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng. Điều này sẽ gây áp lực hơn nữa cho tỷ giá nửa cuối năm nay. Tới lượt tỷ giá tăng sẽ tác động đến nhập khẩu lạm phát. Vì vậy, để kiềm chế tỷ giá và lạm phát, không ngoại trừ khả năng NHNN cũng sẽ tăng lãi suất thị trường mở và có thể tăng tương ứng toàn bộ lãi suất điều hành. Hay nói khác, lãi suất tiền đồng cần phải ở mức cao hơn trong cân đối tổng thể lãi suất tiền đồng - đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới