Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gia tăng năng lực phát triển du lịch, quảng bá thương hiệu quốc gia

Trần Tuệ Tri(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG)- Trong bảng xếp hạng đo lường sức mạnh về độ nhận diện quốc gia - FutureBrand Country Index, du lịch là một trong những yếu tố quan trọng. Vì thế, việc tập trung gia tăng năng lực phát triển ngành du lịch - lữ hành sẽ giúp Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ảnh động Thiên đường (Phong Nha - Kẻ Bàng) đăng trên New York Times.

Theo bảng xếp hạng chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia, Việt Nam với tỷ lệ bao phủ vaccine và độ mở cửa nền kinh tế đang đứng thứ 14, tăng tới 48 bậc. Đây chính là những cơ sở thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy việc thu hút du khách quốc tế ngay thời điểm này.

Có lẽ cũng cần phải nhắc tới việc tổ chức thành công SEA Games 31. Nó minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc khôi phục nền du lịch. Xuyên suốt gần hai tuần diễn ra SEA Games 31, Hà Nội đã đón tiếp gần 700.000 lượt khách du lịch nội địa, 31.448 lượt khách du lịch quốc tế và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong trải nghiệm của du khách.

Vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu (TTDI) với chủ đề: “Tái thiết vì một tương lai bền vững và kiên cường hơn”. Báo cáo ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng điểm số cao nhất thế giới (+4,7%) và tăng 8 hạng so với năm 2019 (từ hạng 60 lên hạng 52).

Tuy vậy, cần nhìn chi tiết hơn vào những chỉ số được WEF cung cấp để hiểu rõ về những điểm mạnh cần phát huy và những điểm yếu phải cải thiện. Theo đó, những điểm số tương đối cao của Việt Nam so với điểm số trung bình của thế giới như: sức cạnh tranh về giá; tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; hạ tầng hàng không; tài nguyên phi giải trí; tính an toàn; độ an ninh. Những điểm mạnh này phản ánh đúng những chính sách và kế hoạch mà Việt Nam đã và đang thực hiện, từ việc hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, đến nâng cấp cơ sở hạ tầng, giảm thiểu tệ nạn xã hội, tập trung cho chính sách bảo tồn di sản, cải thiện mỹ quan tại các khu di tích lịch sử… Nhưng bên cạnh đó còn là những mặt hạn chế, như thiếu chính sách phát triển du lịch - lữ hành; hệ thống nước sạch; các cơ sở y tế…; chưa đảm bảo phát triển bền vững…

Cải tiến để tạo lợi thế cạnh tranh

Trong các chỉ số đánh giá của WEF, tính bền vững về môi trường của Việt Nam có điểm số thấp đáng báo động (3.7/7.0, đứng thứ 94/117). Chỉ số này được đánh giá dựa trên khả năng bảo vệ môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của nền kinh tế, các chỉ số liên quan đến phát thải nhà kính cũng được lưu tâm. WEF cho rằng việc đảm bảo một môi trường trong sạch rất quan trọng trong việc tạo lợi thế cạnh tranh cho một quốc gia. Bên cạnh đó, việc hao phí tài nguyên có thể gây ra những rủi ro về môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến phát triển du lịch bền vững.

Hiện tại, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện điểm số này bằng các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên. Như tại Hạ Long, chính quyền thành phố này đang nỗ lực “nói không” với rác thải nhựa. Ban quản lý vịnh Hạ Long đã có kế hoạch cụ thể nhằm thu gom rác, dần cải thiện hình ảnh của vịnh du lịch này trong tiềm thức du khách.

Bên cạnh môi trường, vấn đề sức khỏe và vệ sinh tại Việt Nam cũng có số điểm thấp (4.4/7.0, xếp hạng 73). Chỉ số này được đo lường dựa trên cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, khả năng tiếp cận và an ninh y tế. WEF lý giải rằng sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, vai trò của các cơ sở y tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, vì thế, các quốc gia cần phải sẵn sàng giường bệnh và đội ngũ y tế đáp ứng việc chăm sóc kịp thời cho du khách và nhân viên ngành du lịch khi gặp vấn đề.

Đồng thời, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn và vệ sinh cũng đóng vai trò quan trọng cho sự thoải mái và sức khỏe của du khách; chất lượng hạ tầng và dịch vụ tại các trạm dừng chân cũng ảnh hưởng đến những trải nghiệm du lịch. Cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như bảo vệ nguồn nước, hoặc tái sửa chữa và bảo quản các nhà vệ sinh công cộng. Có thể ứng dụng chuyển đổi chuỗi giá trị trong du lịch bằng mô hình 7R (giảm thiểu - Reduce, tái sử dụng - Reuse, sửa chữa - Repair, tân trang - Refurbish, tái sản xuất - Remanufacture, tái chế - Recycle và tái thích ứng - Repurpose) nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.

Một điểm yếu khác là về cơ sở hạ tầng về dịch vụ du lịch (2.8/7.0 điểm, xếp hạng 86) dựa trên đo lường số lượng các dịch vụ cho thuê phương tiện di chuyển và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng và giải trí. Không thể phủ nhận những hạn chế về chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam, nhất là ở các vùng sâu vùng xa - nhiều nơi có đầy tiềm năng nhưng lại không được tập trung khai thác.

Ngoài ra, độ cởi mở với quốc tế của Việt Nam cũng chỉ đạt 3.5/7.0 điểm, xếp hạng 69. Chỉ số này được tính toán từ số lượng các hiệp định dịch vụ hàng không song phương mà chính phủ đã ký kết, các hiệp định thương mại khu vực có hiệu lực... Sự cởi mở về tài chính cũng được WEF đo lường vì dòng vốn tự do cũng là một yếu tố được đề cao.

Số điểm hạn chế của độ cởi mở quốc tế lại gây ảnh hưởng đến chỉ số ưu tiên của du lịch - lữ hành. Đo lường mức độ mà Chính phủ và các nhà đầu tư tích cực thúc đẩy và đầu tư vào phát triển lĩnh vực du lịch - lữ hành để xếp hạng, WEF xem đây là một yếu tố quan trọng của phát triển năng lực du lịch. Số điểm hiện tại của Việt Nam là 3.7/7.0, xếp hạng 87, cho thấy Việt Nam thiếu tích cực phát triển ngành du lịch - lữ hành, chỉ số này thậm chí giảm so với năm 2019.

Phát huy điểm mạnh, tạo bước đột phá

Dựa trên đánh giá của WEF thì Việt Nam đang có lợi thế phát triển từ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa khi đứng hạng 25 về chỉ số này. Do vậy, việc xây dựng hình ảnh điểm đến hấp dẫn, ngoài dựa vào sự nồng hậu của người Việt, còn phải tập trung phát triển và bảo tồn những loại hình văn hóa và danh lam thắng cảnh. Qua những di tích lịch sử và sản phẩm du lịch độc đáo, du khách có thể vừa hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, vừa được trải nghiệm đời sống tâm linh của người Việt xưa và nay.

Ngoài những di sản thế giới đã được biết đến, hiện quần thể di tích thắng cảnh Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh đang trên hành trình để được UNESCO công nhận. Phong Nha - Kẻ Bàng tại tỉnh Quảng Bình có hệ thống hang động được xếp hạng 8/52 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á (theo New York Times), nhưng không chỉ có những hang động mà còn có những lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa…

Vẻ đẹp thiên nhiên và nếp văn hóa độc đáo có thể trở thành yếu tố hấp dẫn du khách đến với Việt Nam. Chúng ta cần tận dụng lợi thế về các nguồn tài nguyên có sẵn, từ đó lên kế hoạch khai thác theo xu hướng phát triển bền vững, đồng thời sáng tạo các sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo bước đệm để nâng cao năng lực phát triển du lịch, đồng thời quảng bá thương hiệu quốc gia.

(*) Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global

------------

Nguồn tham khảo:

- Travel & Tourism Development Index 2021: Rebuilding for a Sustainable and Resilient Future https://www.weforum.org/reports/travel-and-tourism-development-index-2021/explore-the-data

- https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/ha-noi-don-gan-31-5-nghin-luot-khach-du-lich-quoc-te-dip-sea-games-31-610786.html

- Kỳ quan vịnh Hạ Long nói không với rác thải nhựa. https://thanhnien.vn/ky-quan-vinh-ha-long-noi-khong-voi-rac-thai-nhua-post1076612.html

- Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. https://baoquangninh.com.vn/tang-cuong-quan-ly-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-thien-nhien-the-gioi-vinh-ha-long-2515507.html

- Câu Chuyện Cảm Hứng. https://www.legacyyentu.com/vi/hotel-stories/

- Trường tồn một Yên Tử linh thiêng, huyền bí. https://baoquangninh.com.vn/mot-yen-tu-linh-thieng-huyen-bi-3167013.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới