(KTSG Online) – Lãi suất huy động tiếp tục tăng mạnh vào đầu tháng 7, chủ yếu ở kỳ hạn dài, trong đó nhiều ngân hàng tiến sát đến mức 7%/năm.
- Tiền đồng chịu áp lực khi đô la Mỹ tiếp tục lên mức cao kỷ lục 20 năm
- Lãi suất điều hành chưa tăng nhưng chính sách tiền tệ đã bắt đầu thắt chặt!
Bước sang tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục có thay đổi đáng kể khi hàng loạt ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh, từ ngân hàng quy mô nhỏ cho đến lớn.
Ở nhóm ngân hàng thương mại, tăng cao nhất từ đầu tháng 7 là ACB, chủ yếu ở kỳ hạn 6-12 tháng. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng tăng khoảng 0,8 điểm phần trăm, trong khi đó kỳ hạn 12 tháng tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm.
Còn biểu lãi suất mới của Eximbank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm (nhận lãi cuối kỳ) khoảng 0,2 điểm phần trăm ở cả kỳ hạn 6 và 12 tháng, trong khi kỳ hạn 1-3 tháng giữ nguyên. Sacombank tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn 3 tháng và giữ nguyên 12 tháng so với tháng trước, nhưng lại tăng rất mạnh ở kỳ hạn 6 tháng.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Agribank, BIDV cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, với mức tăng 0,1 điểm phần trăm.
So sánh tương đối (lãi suất cụ thể tùy vào từng trường hợp) thì trên bảng xếp hạng mức lãi suất, SCB vẫn tiếp tục là ngân hàng đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, cụ thể lên đến 7,3% đối với kỳ hạn 12 tháng, nhận lãi cuối kỳ. Mức lãi suất này có hiệu lực từ giữa tháng 5 vừa qua và không loại trừ khả năng có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Tiếp theo Ngân hàng Xây dựng (CBBank), ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất huy động vào cuối tháng 6 với mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng khoảng 0,18 điểm phần trăm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó, đẩy con số lãi suất lên trên 7%/năm.
Nhìn chung, có thể xem đây là đợt tăng lãi suất huy động đồng loạt lớn thứ ba trong năm, sau đợt tăng hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4 và hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua, trong đó xu hướng là điều chỉnh chủ yếu ở kỳ hạn dài. Một điểm đáng chú ý nữa là mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng lên, nhìn chung nhóm ngân hàng quy mô nhỏ tiến sát đến mốc 7%/năm, còn nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn thì tiến đến mốc 6%/năm, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh xoay quanh mức 5,5-5,6%/năm.
Theo số liệu của BVSC mới đây, thống kê cho thấy lãi suất huy động bình quân đối với hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 6, với mức tăng lần lượt 0,03 và 0,01 điểm phần trăm, lên mức bình quân 4,95% và 5,7%/năm. Mức này đã tăng khoảng 0,15 điểm phần trăm so với cuối năm 2021.
Trong đó, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ (quy mô vốn dưới 5.000 tỉ đồng) tiếp tục là nhóm duy nhất tăng lãi suất ở hai kỳ hạn 6 và 12 tháng, còn nhóm ngân hàng quy mô lớn lại đa phần giữ nguyên kỳ hạn 12 tháng mà tăng ở kỳ hạn 6 tháng. Như vậy, đợt điều chỉnh lần này cho thấy chủ yếu là ở nhóm tiền gửi trung hạn.
Theo Công ty chứng khoán SSI, số liệu của Tổng cục thống kê tính đến ngày 20-6 cho thấy tín dụng tăng mạnh 8,51% so với hồi đầu năm, trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,97% (thấp hơn mức 3,13% vào năm 2021). Sự chênh lệch này đã tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian qua.
Do đó, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể lên tới 15%, áp lực lên tăng trưởng tiền gửi sẽ rơi vào cuối năm, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm theo quy định từ ngày 1-10 tới, SSI đánh giá.
Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quí 3-2022 công bố đầu tháng 7 của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), mặt bằng lãi suất cho vay và huy động được các tổ chức tín dụng dự báo có thể tăng nhẹ trong quí 3-2022 và năm 2022, trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.