TPHCM dùng 2 dòng vốn đầu tư để hoàn thành đường vành đai 2 vào cuối 2026

0
4283

(KTSG Online) – TPHCM sẽ dùng 2 dòng tiền từ vốn đầu tư trung hạn và hạ tầng cảng biển để đầu tư khép kín vành đai 2 còn dang dở. Dự kiến, vành đai 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.

Hơn 10 năm vẫn chưa thể khép kín vành đai 2

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho biết vành đai 2 TPHCM được thiết kế với chiều dài toàn tuyến hơn 64 km, đến nay, đã đầu tư hoàn thành 50 km, còn 14 km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành.

Do chưa khép kín nên toàn bộ xe quá cảnh qua thành phố hoặc vào các cảng phải đi xuyên tâm thành phố dẫn đến ùn tắc giao thông và nguy cơ xảy ra tai nạn. Vì vậy, việc khép kín vành đai 2 là bức thiết với TPHCM. "Suốt 10 năm qua TPHCM luôn đặt mục tiêu khép kín vành đai này”, ông Phúc nói.

Sơ đồ vành đai 2 TPHCM. Ảnh: MH

Bốn đoạn đang dang dở, gồm đoạn 1 từ cầu Phú Hữu, thành phố Thủ Đức đến xa lộ Hà Nội (nút giao Bình Thái) có chiều dài 3,6 km, tổng mức đầu tư dự kiến là 6.800 tỉ đồng với chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.500 tỉ đồng.

Đoạn 2 của vành đai 2, từ xa lộ Hà Nội (nút giao Bình Thái) đến đường Phạm Văn Đồng có chiều dài 2,8 km, tổng mức đầu tư là 8.500 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.500 tỉ đồng.

Đoạn 3, dài hơn 2,7 km ở thành phố Thủ Đức, TPHCM tập trung tháo gỡ để tiếp tục hoàn thành. Đoạn 4 dài khoảng 5,3 km từ khu công nghiệp Tân Tạo đến đường Nguyễn Văn Linh. Tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 10.000 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 6.600 tỉ đồng.

Theo ông, ngoài đoạn 3 do Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái đang thi công, TPHCM xác định sẽ dùng vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ của 3 đoạn còn lại.

Thành phố cũng đã giao vốn chuẩn bị đầu tư lập dự án tiền khả thi, Sở GTVT TPHCM là đơn vị chủ trì và phối hợp cùng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM.

"Sau khi dự án tiền khả thi được duyệt, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc thiết kế dự toán, bảng giá thi công và các bước tiếp theo", ông Phúc nói.

Huy động 2 dòng vốn để đầu tư

Theo ông Phúc, 2 khó khăn lớn ở dự án khép kín vành đai 2 là việc bố trí vốn và giải phóng mặt bằng.

Khối lượng giải phóng mặt bằng cho dự án lớn, đi qua những khu vực phát triển đô thị nhanh nên chi phí cao và việc giải phóng mặt bằng phức tạp. Về phần vốn, trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn của TPHCM, giai đoạn 2021-2025, thành phố vẫn đang thiếu vốn.

“TPHCM đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bổ sung vốn trung hạn khoảng 119.000 tỉ đồng cho thành phố, có thể vào cuối năm nay sẽ được xem xét. Thành phố dùng vốn này để bố trí cho vành đai 2”, ông nói.

Sơ đồ hệ thống vành đai của TPHCM. Ảnh: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 3

Cùng với nguồn vốn trên, TPHCM cũng sẽ sử dụng dòng tiền từ nguồn thu phí cảng biển để tái đầu tư cho các dự án này. Nghị quyết của HĐND cũng đã đề cập về việc, nguồn thu hạ tầng cảng biển sẽ được thành phố đầu tư cho công trình giao thông xung quanh các cảng biển.

“Đoạn 1 và 2 của vành đai nằm trong khu vực này. Sở GTVT TPHCM đang kiến nghị sử dụng nguồn thu phí cảng biển để đầu tư hai đoạn này”, ông Phúc nói.

Về lộ trình hoàn thiện dự án, quan chức này cho biết, từ nay đến cuối năm 2022 sẽ hoàn tất giai đoạn tiền khả thi và trình chủ trương đầu tư dự án. Năm 2023 là thời gian dùng để tập trung công tác duyệt dự án khả thi, khảo sát để chuẩn bị cho việc giải phóng mặt bằng.

Giai đoạn 2024-2025 sẽ tập trung cho việc phóng mặt bằng. Dự kiến, vành đai 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.

Vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), đến ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (thành phố Thủ Đức) và điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây