Sen, lúa và quốc hoa
Nguyễn Văn Mỹ
(TBKTSG) - Ai bày ra sáng kiến “chọn quốc hoa” vào dịp giáp Tết bận rộn nên chưa tạo được sự quan tâm của số đông. Chỉ mấy chục ngàn người tham gia, vài trăm ý kiến trên báo, trên mạng. Ai cũng cho mình có lý, cũng muốn loài hoa mình yêu thích được chọn.
Riêng tôi, ban đầu cũng chẳng để ý bởi tôi dị ứng hai chữ “bình chọn” với các cuộc tổ chức bình chọn đủ thứ danh hiệu kiểu “đầu voi đuôi chuột”, thậm chí “đầu voi… đuôi kiến”, “đánh trống bỏ dùi”. Còn nhớ cuộc bình chọn “Những kỳ quan thiên nhiên thế giới” của Việt Nam do một phó thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo, được tổ chức rầm rộ, tốn kém suốt mấy năm liền. Giờ hỏi lại, chẳng ai biết thế nào, kể cả ban tổ chức.
Tôi cũng không quan tâm đến việc phải có quốc hoa bởi mấy ngàn năm nay chưa có quốc hoa mà đất nước vẫn phát triển. Nhiều nước không có quốc hoa cũng vậy. Các nước có quốc hoa chưa chắc đã hơn gì. Theo tôi, có thì tốt mà chưa có cũng không xấu. Bởi có nhiều vấn nạn tôi và mọi người mong muốn được giải quyết hơn như vệ sinh thực phẩm, môi trường, lô cốt, hố tử thần, bạo lực học đường và đường phố, chất lượng giáo dục... Nghe đâu có vị còn đề xuất sau bình chọn quốc hoa là quốc tửu. Rượu là nguyên nhân của nhiều tai nạn và tệ nạn. Mai này có quốc tửu thì người thích rượu sẽ tha hồ bởi lúc đó “uống quốc tửu là yêu nước”!
Thật ra, việc bình chọn quốc hoa cũng là một ý tưởng hay nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là cách làm. Quốc hoa của ai và dùng để làm gì? Không thể bình chọn cho có rồi để đó. Theo thông tin trên báo và trên mạng thì hoa sen đang dẫn đầu và có khả năng trở thành quốc hoa. Hỏi những người chọn hoa sen thì đa số đều trả lời, đại loại sen tinh khiết, bướm ong không vờn lượn; sen đa dụng trong cuộc sống và xuất hiện trong thi ca; sen thanh cao - quân tử vì “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”…
Hoa cũng như người, mỗi người là một bông hoa trong vườn hoa cuộc đời. Con người có mặt này mặt khác và hoa cũng vậy. Có những loài hoa rất bình thường ở nước này nhưng là quốc hoa ở nước khác. Hoa dâm bụt ở Malaysia chẳng hạn. Hoa anh đào của Nhật tuy đẹp rực rỡ nhưng gần như không có hương…
Những đặc điểm của sen, nhiều hoa khác cũng có, từ sự đa dụng trong cuộc sống đến việc xuất hiện trong thi ca. Còn nói sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” thì phải xem lại. Xã hội Việt Nam lâu nay là xã hội một chiều, ít thấy phản biện, nói đi mà không thấy nói lại. Trong những năm lao động tự cải tạo, nhà thơ Phùng Quán đã phát hiện nhiều “chân lý” đáng kinh ngạc. Bài thơ “Hoa cứt lợn” chẳng hạn: “Tôi ước thơ tôi được như hoa cứt lợn/Nở giữa hoang vu vẫn bảy sắc cầu vồng/Đẹp hết mình vì cộng đồng cây cỏ/Chẳng hệ lụy gì miếng đỉnh chung”.
Nếu còn sống, có lẽ ông sẽ chọn hoa cứt lợn (còn gọi là trâm ổi hay ngũ sắc) làm quốc hoa. Nhưng tôi thích nhất là “phát hiện” về hoa sen của ông: “… Bùn với Sen đâu phải chuyện gần/Chính là Sen mọc lên từ trong đó/Gốc của Sen là thăm thẳm bùn đen!”. Ông quả quyết: “Nhụy vàng - bông trắng - lá xanh/Tất cả - tất cả - tất cả/Là do bùn hôi nuôi dưỡng/Ngay cả hương thơm thanh thiết ta đặt lên bàn thờ cúng/Cũng là từ xương thịt bùn tanh/Như nhân dân/Gian truân - thầm lặng - vô danh/Đã sinh ra/Vĩ nhân, anh hùng, nghệ sỹ!”. Ông quyết liệt đòi “đuổi những câu thơ phản trắc khỏi kho báu nhân gian” . Tôi trộm nghĩ hoa sen không có lỗi, nếu có là ở người viết và suy diễn. Tôi nghiệm ra hiện nay sen chê bùn hôi hơi nhiều. Nói thật, sen không cần bùn chỉ có thể là sen giấy, sen ny-lon. Bùn không có sen thì vẫn là bùn. Nhân dân vẫn là nhân dân.
Điều tiếp theo là hoa sen đã được Ấn Độ chọn làm quốc hoa rồi. Chưa kể sen là biểu tượng của Phật giáo. Lấy biểu tượng của tôn giáo này - chưa phải là quốc giáo - làm quốc hoa thì e rằng các tôn giáo khác cũng khó xử. Hoa sen còn có nhược điểm là rất nhanh héo tàn. Do vậy dù hoa sen thanh khiết, hương thơm chắt lọc từ bùn hôi và nhiều ưu điểm khác nữa thì tôi vẫn không chọn sen làm quốc hoa.
Tôi chọn cây lúa làm quốc hoa. Không có sen, đời có thể bớt lãng mạn nhưng không chết ai. Không có cây lúa, cả dân tộc này đã diệt vong từ ngàn xưa. Cây lúa là một phần của cuộc sống người dân Việt và nhiều dân tộc khác thuộc nền văn minh lúa nước. Cây lúa còn gắn liền với nhiều lễ hội tâm linh truyền thống như giỗ tổ, bánh chưng - bánh giầy, tịch điền, cúng cơm… Cây lúa có sẵn trên quốc huy Việt Nam. Sen chỉ sống trong ao hồ còn lúa có mặt ở khắp nơi, từ đồi núi, nương rẫy đến ruộng sâu. Ai bảo bông lúa không có hương?: “… Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ/Tuổi mới đôi mươi cưới bữa dâng cờ/Má trắng mịn thơm mùi lúa chín” (Yên Thao).
Đẹp và đáng yêu đến thế là cùng! Viết về cây lúa chắc phải làm mấy chục quyển sách dày may ra mới tạm đủ. Và điều quan trọng nhất: chưa nước nào chọn cây lúa làm quốc hoa dù nhiều nước cùng chung nền văn minh lúa nước. Coi chừng mình cứ chần chừ, thiên hạ chọn trước, lúc đó lại tiếc bởi mình chậm chân.