(KTSG Online) - Đồng euro giảm đến 12% trong năm nay và đang giao dịch ở mức ngang giá với đô la Mỹ, mức thấp chưa từng thấy trong hai thập niên qua. Giới phân tích dự báo đồng tiền chung châu Âu sẽ tiếp tục bị bán tháo khi triển vọng kinh tế khu vực này trở nên u ám và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Ngày càng có nhiều nhà phân tích ngoại hối dự báo euro sẽ giảm sâu đến mức chỉ còn 1 euro ăn 0,9 đô la trong những tháng tới. Euro bị tổn thương trong bối cảnh giới đầu tư lo suy thoái kinh tế có thể xảy ra sau khi giá hàng hóa tăng vọt, gây ra một cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt trên diện rộng. Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ trầm trọng hơn trong những tháng mùa đông lạnh hơn.
Antoine Bouvet, nhà chiến lược cấp cao tại Ngân hàng ING, cho biết: “Câu hỏi đặt ra không phải là liệu cơn suy thoái có xảy ra hay không, mà là kinh tế suy soái tồi tệ nên đến mức nào?”
Các nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup nhận định rủi ro đồng tiền chung châu Âu rơi về mức 0,9-0,95 đô la đang tăng lên.
Jordan Rochester, nhà chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Nomura, cũng chia sẻ nhận định này. Ông dự đoán rằng euro sẽ giảm xuống mức 0,95 đô la vào cuối tháng 8, hoặc thậm chí là 0,9 đô la nếu Nga không khởi động lại Nord Stream 1, đường ống chính dẫn khí đốt nước này đến Đức, sau khi thời gian bảo trì kết thúc vào tuần tới.
Rochester cho rằng động thái đó của Nga có thể khiến châu Âu rơi vào tình thế phải hạn chế sử dụng khí đốt ở các ngành công nghiệp. “Nếu đó không phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế, thì đó là gì?", ông nói.
Kaspar Hense, Giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Công ty BlueBay Asset Management, cũng dự báo euro sẽ giảm xuống mức 0,95 đô la do tăng trưởng kinh tế châu Âu chậm lại. Ông nói: “Tình hình giá khí đốt đắt đỏ và chiến tranh ở Ukraine khó có thể biến mất sớm”.
Hôm 14-7, Ủy ban châu Âu (EC) cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) xuống còn 2,6% cho năm 2022 và 1,4% trong năm tới. Rủi ro suy thoái của eurozone đang gia tăng khi giá khí đốt và lạm phát đang ở các mức cao kỷ lục. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo khu vực này sẽ rơi vào suy thoái trong quí 4 năm nay.
Các vị thế hợp đồng tương lai, phản ánh tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường ngoại tệ với khối lượng giao dịch 6,6 ngàn tỉ đô la mỗi ngày, đang cho thấy triển vọng ảm đạm của euro.
Các nhà đầu tư bao gồm các quỹ phòng hộ đang đặt cược giảm giá đối với euro ở mức độ mạnh nhất nhất kể tháng 12-2021 với 16.900 hợp đồng bán khống ròng, theo dữ liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) tính đến ngày 5-7.
Sự sụt giảm của đồng euro trong năm nay cũng phản ánh sự tăng giá mạnh mẽ của đồng đô la so với nhiều đồng tiền khác của nó, bao gồm đồng yen của Nhật Bản và đồng bảng Anh.
Đồng bạc xanh trỗi dậy khi Fed tăng mạnh lãi suất để chống lại lạm phát, giúp tăng dòng thu nhập cố định mà các nhà đầu tư có thể kiếm được từ việc nắm giữ trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Ví dụ, trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm đang có lợi suất 2,97%, so với 1,22% đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Đức.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến tăng lãi suất cơ bản trong tháng này để giảm lạm phát đang ở mức cao kỷ lục của eurozone. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng tăng mạnh chi phí vay của ECB trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đối mặt nhiều khó khăn.
Antoine Bouvet, nhà chiến lược cấp cao tại Ngân hàng ING, cho biết các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang trong tình thế nan giản khi họ vừa phải tìm cách chống lạm phát vừa phải tránh đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Theo Financial Times