(KTSG Online) – “Từ trang trại đến bàn ăn” là tên thông dụng của mô hình 3F (Feed – thức ăn chăn nuôi, Farm – nông trại, Food – thực phẩm), được ca ngợi và xem là kiểu mẫu hướng đến trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, giúp quản lý chi phí và chất lượng của chuỗi giá trị ngành hàng. Mô hình này cũng được xem là đích đến của nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm và là lời giải cho ngành sản xuất Việt.
Với tầm nhìn đó, trong hơn một thập niên qua, nhiều doanh nghiệp Việt không chỉ đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống chuồng trại mà còn tập trung nhiều vào “chữ F thứ ba” là thực phẩm, cụ thể là sản xuất thực phẩm, gồm thịt tươi có thương hiệu và thịt chế biến. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn và không chỉ đến từ khối nội.
Sau khi phủ nhận việc hợp tác và đầu tư cùng Hoàng Anh Gia Lai, NovaGroup công bố hoàn tất thương vụ mua lại Công ty Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods) vào cuối quí 2 vừa qua. Thương vụ này cho phép Nova Consumer sở hữu Công ty Anco Family Food (AFF) có hai nhà máy sản xuất, với danh mục sản phẩm từ xúc xích, đồ hộp tới bánh gạo. Theo báo cáo của Mirae Asset, AFF đang đứng thứ 3 thị phần xúc xích tại Việt Nam, chiếm khoảng 13%, sau Vissan với 65% và xúc xích Heo Cao Bồi của Masan.
“Đây là hướng đi quan trọng giúp Nova Consumer có thể gia tăng doanh thu và lợi nhuận của gần như toàn bộ ngành hàng”, ông Nguyễn Quang Phi Tín, Tổng Giám đốc Nova Consumer, đánh giá về thương vụ giúp khép kín chuỗi giá trị ngành này.
Nova Consumer có gốc từ Anova, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lĩnh vực thuốc thú y, bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi từ năm 2011 và mảng trang trại từ năm 2013.
Sau gần 30 năm hoạt động, tuy mảng sức khỏe vật nuôi và thức ăn chăn nuôi vẫn đóng góp hơn 85% doanh thu cho công ty nhưng từ năm 2019, Nova Consumer đã bắt đầu hướng tới việc mở rộng sang thị trường hàng tiêu dùng với mảng thực phẩm, thức uống và dinh dưỡng.
Với Masan, sau khi gia nhập lĩnh vực thức ăn chăn nuôi bằng cách mua lại hai đơn vị có tiếng trong ngành là Proconco và Anco trong giai đoạn 2011-2012, doanh nghiệp này liên tục mua lại nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và không ít trong số đó là ngành hàng thực phẩm.
Năm 2018, Masan ra mắt thịt mát có thương hiệu Meat Deli với nhà máy ở Hà Nam, đến năm 2020 mở rộng thêm với tổ hợp MEATDeli Sài Gòn với số vốn đầu tư 1.800 tỉ đồng. Công ty này cũng mua lại Công ty 3F Việt, doanh nghiệp nội địa cung cấp các sản phẩm thịt gia cầm hoạt động theo mô hình 3F và mới đây là công bố đầu tư trung tâm công nghiệp thực phẩm quy mô lớn ở Hậu Giang với số vốn 3.500 tỉ đồng.
“Từ năm 2022 trở đi, Masan MEATLife sẽ tập trung mở rộng danh mục sản phẩm với việc ra mắt các sản phẩm thịt chế biến từ thịt heo và thịt gà. Thịt chế biến sẽ là nhân tố chủ lực giúp thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ về doanh thu mà còn về biên lợi nhuận hoạt động”, theo báo cáo thường niên của Masan năm 2022.
Việc dồn lực cho mảng sản xuất chế biến sâu, tức chữ F thứ ba trong mô hình 3F còn có thể nhìn thấy thông qua động thái chuyển nhượng mảng toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus, doanh nghiệp Hà Lan hoạt động lâu đời trong lĩnh vực này. Thương vụ này hoàn tất vào đầu năm nay, đi cùng với thỏa thuận cung ứng dài hạn thức ăn chăn nuôi và cả heo thịt cho Masan.
Trên thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp nội địa lẫn quốc tế hoạt động nổi trội tại thị trường gia súc, gia cầm và thủy sản với mô hình 3F. Riêng ở thị trường thịt heo và thịt gà, những thương hiệu quen thuộc có thể kể đến như Dabaco ở khu vực phía Bắc hay Vissan (heo và bò), hay San Hà ở khu vực phía Nam.
Dabaco cũng là doanh nghiệp đầu tư nhiều vào 3F với quy mô sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể nằm trong nhóm những doanh nghiệp đầu ngành. Với tham vọng doanh thu lên 1 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn đến 2025, Dabaco tiếp tục mở rộng khu dự án chăn nuôi cũng như đẩy mạnh sản phẩm chế biến từ Dabaco Food là thịt heo, thịt gà tươi, xúc xích, ruốc...
Các ông chủ Việt cũng đầu tư vào trang trại ngày càng nhiều hơn dù là “nghề tay trái”, điển hình như trường hợp của Thaco hay Hòa Phát hay gần nhất là thương hiệu “heo ăn chuối” của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên 2022 vừa qua, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cũng khẳng định tham vọng mở rộng trang trại với quy mô 1 triệu con heo vào năm sau, trong bối cảnh thị trường có khoảng 35 triệu con. HAGL muốn đưa trái chuối trở thành thành phần quan trọng trong công thức dinh dưỡng của thức ăn chăn nuôi nhằm tạo sự khác biệt về chất lượng thịt heo của HAGL trên thị trường chứ không tham gia vào thị trường thức ăn chăn nuôi.
Trong khi doanh nghiệp nội địa bắt đầu đẩy mạnh đầu tư trang trại, đưa thịt heo có thương hiệu ra thị trường thì doanh nghiệp ngoại cũng đầu tư mạnh mẽ. Trong đó, CJ Vina Agri (Hàn Quốc) cũng ra mắt thương hiệu thịt sạch vào cuối năm 2020 còn CJ, chaebol Hàn Quốc lại thâu tóm Công ty thực phẩm Cầu Tre.
Việc doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư cho các sản phẩm chế biến đã làm cho các điểm bán lẻ hiện đại ngày càng phủ kín nhiều hơn các loại thịt heo, thịt gà có thương hiệu.
Tại thị trường Việt Nam, tập đoàn CP của Thái Lan dường như đang dẫn đầu với nền tảng vững chắc ở mảng thức ăn chăn nuôi, chuồng trại và phân phối thịt tươi, thịt chế biến vào hệ thống siêu thị. Vào năm ngoái, trong khi "hai chữ F" đầu tiên là thức ăn chăn nuôi và nông trại tăng trưởng âm, lần lượt giảm 13% và gần 4% so với cùng kỳ thì chữ F thứ ba, tức mảng thực phẩm của tập đoàn này lại tăng đến 27,7%.
Nhờ đó, tỷ trọng mảng thực phẩm so với tổng doanh thu của CP tại Việt Nam cũng đã tăng gấp đôi, lên mức 8% trong hai năm qua.
Chuỗi 3F được cho là phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại vì giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt lại không dễ làm chữ F thứ nhất, tức lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi vì đa phần nguyên liệu đều phải nhập khẩu, phụ thuộc nước ngoài.
Trong khi đó, thị trường thực phẩm lại có cơ hội hơn nhờ quy mô thị trường rộng lớn. Theo số liệu của Euromonitor được Công ty chứng khoán VNDirect dẫn lại, giá trị thị trường thịt các loại ước khoảng 12,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, trong đó thịt heo chiếm khoảng 49,7%, gia cầm khoảng 23,4% và thịt bò khoảng 21,7%.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, trong giai đoạn 2022-2030, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 3,1%/năm, ước đạt khoảng 3,4 triệu tấn.
Ưu điểm của sản xuất thực phẩm chế biến là không chỉ giúp cải thiện lợi nhuận của ngành hàng mà còn giúp phá vỡ rào cản về địa lý. Hàng thực phẩm dễ dàng phân phối đến khu vực nông thôn hoặc xuất khẩu, từ đó có khả năng mở rộng thị trường tốt hơn.
Cơ hội nhiều nhưng các doanh nghiệp cũng phải đối diện với những khó khăn chung của ngành là năng suất thấp, vấn đề chất lượng sản phẩm, thiếu sản phẩm mới và sự đột phá.
“Các sản phẩm chăn nuôi cũng cần được đầu tư nghiên cứu, nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu mới có thể cạnh tranh được với các nước có nền chăn nuôi phát triển", ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT của Dabaco bình luận trước câu hỏi của cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua.
Có nhiều thách thức trong việc phát triển sản phẩm chế biến để đưa đến tay người tiêu, bao gồm chất lượng sản phẩm, phân khúc giá, kênh phân phối và cả quảng cáo. Các nhà sản xuất đang thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua những thách thức này.
Với Vissan, môt trong những lý do khiến sản phẩm xúc xích của công ty này phổ biến là nhờ Vissan là cổ đông lớn là Satra, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị lớn tại thị trường TPHCM.
Trong khi đó, Masan hay Nova Consumer cũng mạnh tay đầu tư vào sản phẩm chế biến hơn sau kế hoạch phát triển kênh bán lẻ. Nhiều thương hiệu khác thì vẫn đang thử nghiệm theo hình thức cửa hàng giới thiệu sản phẩm như Dabaco hay Bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai trước đó cũng chia sẻ kế hoạch phát triển 5.000 cửa hàng theo mô hình nhượng quyền.
Đại diện Nova Consumer cho biết, sau thương vụ khép kín chuỗi 3F, sẽ mở rộng quy mô trang trại heo trong quí 4 tới đây và mở rộng kênh bán lẻ. Trong đó, bao gồm việc đẩy mạnh kênh phân phối xuất khẩu, phát triển các sản phẩm mới và tiếp tục các hoạt động M&A.
Còn với Masan, tập đoàn sẽ phát triển nhãn hàng riêng, trong đó có WinMart Good dành cho thực phẩm khô và WinMart Cook chuyên thực phẩm chế biến. Bên cạnh phân khúc cao, Masan cũng sẽ giới thiệu nhãn hiệu Beng’s, chuyên về các loại thực phẩm tiện lợi với mức giá bình dân.
Tất nhiên không phải sản phẩm nào cũng có thể thành công ở thị trường phân mảnh và có mức độ cạnh tranh rất cao như thị trường Việt Nam hiện nay nhưng các doanh nghiệp vẫn liên tục "thử và sai" để tìm kiếm cơ hội ở chữ F thứ ba. Việc đi theo hướng chế biến sâu và tiếp cận khách hàng trực tiếp vẫn được cho là lời giải cho bài toán sản xuất của ngành thực phẩm.