Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng dệt may Việt Nam gặp khó vì người Mỹ giảm chi tiêu

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nửa đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may tăng trưởng ấn tượng, trong đó riêng thị trường Mỹ tăng đến 22% và chiếm hơn 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc đưa hàng vào thị trường nay đang gặp thách thức do lạm phát tăng cao và người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu cho hàng may mặc.

Xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ tăng hơn 20% trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh minh họa: TTXVN

Dù tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng trong tháng 6 vừa qua xuất khẩu hàng dệt may vẫn tiếp tục tăng 13,1% so với tháng trước, đạt 3,59 tỉ đô la Mỹ.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính chung nửa đầu năm nay, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 18,53 tỉ đô la, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 3,19 tỉ đô la.

Đáng chú ý, việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng cao hơn và chiếm hơn 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng vừa qua. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 9,33 tỉ đô la trong nửa đầu năm nay, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này cho biết, đang phải đối mặt với nhiều biến động của tình hình thế giới. Cụ thể, mức độ lạm phát cao tại Mỹ đã khiến giá lương thực tăng cao, dẫn tới nhu cầu cho dệt may giảm sút. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quí 3 và 4.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại làm người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc chi tiêu cho quần áo để dành ưu tiên các nhu cầu thiết yếu khác. Trong quí 1-2022, quần áo chỉ chiếm 3,9% tổng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, giảm từ 4,3% so với năm 2019 trước đại dịch.

ThredUp, một công ty bán lẻ đồ cũ thời trang trích dẫn một cuộc khảo sát của GlobalData với 2.000 người trưởng thành ở Mỹ được thực hiện vào tháng 4 vừa qua cho thấy, có 44% người tiêu dùng cho biết đang cắt giảm mua hàng may mặc..

Một cuộc khảo sát mới từ CNBC và Momentive cũng cho thấy, mối lo ngại ngày càng tăng về lạm phát và nguy cơ suy thoái đã khiến nhiều người Mỹ nói rằng, không chỉ bắt đầu mua ít hơn mà còn sẽ mua ít hơn nếu lạm phát vẫn tiếp diễn.

Với tình hình trên, giới phân tích dự báo nhu cầu nhập khẩu mặt hàng dệt may của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới, ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu nhóm hàng này.

Thêm vào đó, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp cũng ngày càng thu hẹp do chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo.

Dự báo thời gian tới dệt may sẽ khó khăn do người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu thắt chặt chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu. Ảnh minh họa: Lê Hoàng.

Trong báo cáo cập nhật ngành dệt may, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Đại dịện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cũng nhận định, dù đã đạt được kết quả ấn tượng trong nửa đầu năm nhưng mục tiêu xuất khẩu 42-43 tỉ đô la (theo kịch bản cao) trong năm 2022 của ngành dệt may vẫn là một thách thức lớn do áp lực lạm phát đang tăng lên tại các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU.

Xung đột Nga - Ukraine khiến chi phí đầu vào tăng lên, đặc biệt là chi phí xăng dầu, vận chuyển, tác động đến giá thành, kéo lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm tốc mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới