(KTSG) - Cho đến nay đã có thể khẳng định, nếu muốn, Việt Nam có thể chuyển từ các dạng phát điện bằng năng lượng hóa thạch như dầu diesel, than đá sang phát điện bằng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… một cách nhanh chóng, nhanh hơn và dễ dàng hơn nhiều nước khác.
Báo cáo của Trung tâm Năng lượng ASEAN đánh giá sản lượng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam đạt mức đầu người cao nhất ASEAN. Tờ Economist nhận định trong vòng bốn năm đến cuối năm 2021, tỷ trọng điện mặt trời ở Việt Nam từ chỗ hầu như không có gì đến chiếm 11% (thật ra con số hiện nay đã cao hơn), một tốc độ phát triển nhanh hơn bất kỳ nước nào khác, và tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 của thế giới.
Vấn đề còn lại gồm những trở ngại tuy lớn nhưng không phải là không thể giải quyết. Lớn nhất là tính không ổn định của điện mặt trời, tức chỉ có khả năng phát điện vào ban ngày, khi có nắng. Đây cũng là vấn đề lớn của ngành năng lượng toàn thế giới nên có rất nhiều dự án nghiên cứu khả năng lưu trữ điện mặt trời khi dư thừa để đem ra sử dụng khi thiếu điện. Kinh tế Sài Gòn cũng có bài ghi nhận các công nghệ lưu trữ này (xem KTSG số 28-2022). Đây chính là một lĩnh vực mới mẻ có thể kêu gọi đầu tư, mở rộng các ưu đãi cho khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài thi thố.
Vấn đề thứ nhì là mạng lưới truyền tải điện luôn quá tải, trong khi nhiều dự án điện gió, điện mặt trời lại tập trung vào một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên càng gây áp lực lên lưới truyền tải. Ở đây cần có sự phối hợp của cơ quan quản lý với các nơi sản xuất thủy điện, nhiệt điện và điện mặt trời nhưng cần đặt ưu tiên cho đầu tư vào hệ thống truyền tải như những dự án kích cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu. Không thể vì sự quá tải của mạng lưới truyền tải mà ngưng phát triển điện mặt trời, đi ngược với xu hướng của thời đại, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Các vấn đề còn lại cũng có thể được giải quyết sớm, kể cả chấm dứt giá ưu đãi để khỏi làm tăng giá điện nói chung. Điểm mạnh của điện gió, điện mặt trời là không phát khí thải có hại cho môi trường, nên các dự án xây dựng loại điện này cần phải tuân thủ các yếu tố môi trường nghiêm ngặt để khỏi vô hiệu hóa điểm mạnh nói trên. Chúng ta đã có một thời gian phát triển điện tái tạo với tốc độ nhanh thì nay có siết lại các vấn đề môi trường cũng là điều hợp lý.
Tốc độ phát triển điện mặt trời của Việt Nam làm nhiều nước ngạc nhiên, báo cáo của Trung tâm Năng lượng ASEAN còn xem đây là trường hợp điển hình để các nước khác học hỏi. Vì thế nếu quá trình phát triển có những vướng mắc, những quy định chưa rõ, những quy chuẩn còn nhiều thay đổi là chuyện có thể hiểu được. Cần ngồi lại thống nhất những quy định, quy chuẩn để sử dụng trên toàn quốc, cho mọi loại hình doanh nghiệp.
Thiết nghĩ thông điệp cần nhấn mạnh bây giờ là chúng ta vẫn ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời để góp phần vào nỗ lực chung của thế giới chống biến đổi khí hậu. Các vướng mắc còn lại sẽ tìm cách giải quyết trong tinh thần vượt khó để làm tiếp chứ không phải vì khó mà bàn lùi. Quan trọng nhất, như kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu hàng đầu với ngành điện năm nay và các năm tiếp theo là phải đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội.
Mọi thứ sẽ giải quyết được, nếu ta thực sự muốn như vậy. Điện mặt trời lâu nay tồn tại một nhược điểm lớn đó là thiếu hệ thống truyền tải. Khi giao cho các công ty tư nhân vào cuộc, câu chuyện nhanh chóng được giải quyết, với tốc độ 6 tháng là hoàn thành, trong khi nếu giao EVN thì phải ì ạch mất ít nhất 3 năm. Tiếp theo là tồn tại về hệ thống lưu trữ điện. Cái này thế giới cũng đã có giải pháp, thậm chí nhiều giải pháp rất hiệu quả, nhưng dường như các vị quản lý điện nhà ta chưa mặn mà… Có rất nhiều thứ tưởng khó, nhưng thực ra đang trong tầm tay. Chỉ có nhanh chóng xóa bỏ tư duy cục bộ, độc quyền thì sự việc tự khắc giải quyết ngay và luôn.