(KTSG) - Việc giá trị của đô la Mỹ (USD) tăng lên mức mạnh nhất trong vòng 20 năm qua so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới đang tạo ra những tác động lan rộng, dẫn tới sự phá giá tiền tệ trên khắp thế giới, làm gia tăng chi phí và gây bất ổn cho triển vọng kinh tế toàn cầu.
Khi USD quá mạnh so với phần còn lại
Lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đồng euro bị giảm giá trị xuống mức 0,9998 USD, trong khi bảng Anh cũng rớt xuống mức đáy 27 tháng so với USD. Tại châu Á, yen Nhật rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 24 năm so với USD, trong khi won của Hàn Quốc rơi xuống dưới ngưỡng 1.320 won/USD lần đầu tiên trong vòng 13 năm qua.
Tỷ lệ lạm phát cao, lãi suất thấp và triển vọng kinh tế không mấy tích cực, được coi là nguyên nhân chính khiến nhiều đồng tiền chủ chốt giảm sâu so với USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, vấn đề thực sự, nằm ở việc USD đang quá mạnh so với phần còn lại. Chia sẻ với AP, Daniel Gros - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu nhận định “Tin mới thực sự trong những ngày này, không phải là euro hay các đồng nội tệ khác quá yếu, mà là USD quá mạnh”.
Thực vậy, chỉ số USD (DXY) - thước đo đánh giá sức mạnh giữa USD với các đồng tiền chủ chốt khác như yen Nhật, bảng Anh hay euro, hiện đang ở mức cao nhất trong 20 năm, sau khi tăng hơn 12% trong năm nay, một mức tăng rất lớn đối với một chỉ số thường chỉ biến động rất nhẹ mỗi ngày. Và không chỉ các đồng tiền chủ chốt, mà bất kỳ loại tiền nào - từ peso của Colombia, rupee của Ấn Độ, zloty của Ba Lan cho tới rand của Nam Phi đều đã mất giá mạnh so với USD, đặc biệt là trong vòng hơn sáu tháng qua.
Những yếu tố hỗ trợ cho USD
Xu hướng tăng giá của USD đang ngày càng được củng cố trong những tháng gần đây, khi lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương đua nhau nâng lãi suất, và triển vọng tăng trưởng kinh tế dần trở nên tồi tệ hơn. Kamakshya Trivedi, đồng trưởng nhóm nghiên cứu thị trường tại Goldman Sachs, cho biết: “Đó là một sự kết hợp đáng lo ngại”.
Daniel Gros - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu nhận định “Tin mới thực sự trong những ngày này, không phải là euro hay các đồng nội tệ khác quá yếu, mà là USD quá mạnh.”
Với việc tỷ lệ lạm phát tại nhiều quốc gia đang ở mức cao nhất trong nhiều năm do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, các ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên khắp thế giới đang cố gắng ứng phó bằng cách nâng lãi suất. Trong cuộc đua này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang vượt trước các NHTƯ lớn khác, khi đã nâng lãi suất lên 1,75% và dự kiến sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, các NHTƯ lớn khác hoặc đã tăng lãi suất nhưng ở tốc độ khá chậm, như Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) (nâng lên 1,25 điểm phần trăm), hoặc mới chuẩn bị tăng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) (lãi suất hiện vẫn đang ở mức 0%). Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thậm chí vẫn chưa có ý định tăng lãi suất (hiện đang ở mức -0,1%), dù yen Nhật đã lao dốc mạnh trong thời gian qua.
Do đó, lãi suất ở Mỹ hiện cao hơn rõ rệt so với nhiều nền kinh tế lớn khác, thu hút dòng vốn đầu tư đổ vào các tài sản bằng USD, kéo theo sự gia tăng giá trị USD. Các nhà phân tích tại Bank of America ước tính rằng hơn một nửa sự gia tăng của USD trong năm nay có thể được giải thích bởi chính sách tăng lãi suất mạnh tay của Fed.
Vị thế thống trị của USD trong hoạt động thanh toán toàn cầu cũng đóng một vai trò quan trọng. Theo New York Times, với vai trò là chất xúc tác bôi trơn nền kinh tế toàn cầu, USD hiện tham gia vào khoảng 90% số giao dịch ngoại hối, với tổng trị giá lên tới 6.000 tỉ USD/ngày trước đại dịch.
Do vậy không có gì khó hiểu khi đồng tiền quan trọng nhất thế giới, thường có xu hướng tăng giá trong những thời kỳ hỗn loạn. Các nhà đầu tư luôn coi USD là công cụ trú ẩn tương đối an toàn và ổn định mỗi khi điều kiện kinh tế xấu đi và thị trường chứng khoán hỗn loạn.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế của Mỹ cũng được đánh giá là tốt hơn so với các nền kinh tế khác, đặc biệt là châu Âu, vốn đang khốn đốn vì giá năng lượng leo thang.
Người tiêu dùng Mỹ hưởng lợi lớn
Việc USD tăng giá mạnh, được dự báo sẽ gây ra những tác động trái chiều đối với người dân trên thế giới. Tại các quốc gia có đồng nội tệ giảm mạnh so với USD, chi phí nhập khẩu sẽ tăng mạnh, khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm đáng kể sức mua của người tiêu dùng. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý và mức chi tiêu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, các du khách Mỹ và từ các quốc gia có đồng nội tệ neo tỷ giá với USD như Qatar, Jordan… sẽ hưởng lợi lớn khi đi du lịch và mua sắm tại nước ngoài, đặc biệt là tới châu Âu.
Theo báo The Hill, việc USD tăng mạnh so với euro đã khiến các chuyến đi tới châu Âu của người Mỹ ít tốn kém hơn từ 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, ngành du lịch Mỹ sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ, khi các du khách nước ngoài sẽ ngần ngại tới nước này vì chi phí đắt đỏ hơn.
Doanh nghiệp Mỹ đối mặt với biến động tỷ giá
Các công ty có trụ sở bên ngoài nước Mỹ đã chứng kiến doanh số bán hàng của họ được hỗ trợ bởi USD mạnh. Burberry, nhà sản xuất hàng xa xỉ hàng đầu của Anh, hôm thứ Sáu tuần trước cho biết rằng họ sẽ bổ sung thêm hơn 200 triệu USD vào doanh thu của mình trong năm nay do biến động tỷ giá, qua đó giúp bù đắp sự sụt giảm doanh số bán hàng ở Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang giảm tốc.
Tuy nhiên, USD mạnh hơn chắc chắn sẽ làm xói mòn lợi nhuận của các công ty Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng trên thị trường quốc tế. Cụ thể, USD mạnh sẽ khiến doanh thu tại nước ngoài của họ có giá trị thấp hơn khi quy đổi sang USD. Cả Nike và Microsoft hồi tháng trước đã phải hạ triển vọng doanh thu trong quí 2, do “biến động tỷ giá hối đoái không thuận lợi”. Apple - công ty tạo ra hơn 60% doanh thu của mình bên ngoài nước Mỹ và nhiều công ty công nghệ khác, cũng có khả năng chịu ảnh hưởng tương tự.
Tệ hơn nữa, USD mạnh còn khiến các sản phẩm do Mỹ sản xuất trở nên đắt hơn ở thị trường nước ngoài, đồng thời mang lại lợi thế về giá cho các sản phẩm nước ngoài tại Mỹ.
Ben Laidler, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại eToro, ước tính rằng sự gia tăng của USD sẽ cắt giảm 5% tăng trưởng thu nhập của các công ty thuộc nhóm S&P 500 trong năm nay, tương đương khoảng 100 tỉ USD. Đây là một tác động khá lớn bởi theo dự báo của FactSet, thu nhập của các công ty thuộc nhóm S&P 500 sẽ tăng khoảng 10% trong năm nay.
Tác động kinh tế tới các quốc gia
Sự mạnh lên của USD có thể tác động đến nền kinh tế vĩ mô theo nhiều cách. Các nhà nghiên cứu như Gita Gopinath của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Hyun Song Shin của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết căn cứ vào vai trò của USD trong thương mại toàn cầu, đồng tiền này mạnh lên có thể thắt chặt các điều kiện tài chính và tác động đến đầu tư thực.
Chuyên gia Mark Zandi tại Công ty nghiên cứu thị trường Moody’s Analytics lại chỉ ra rằng USD mạnh sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế bởi nó dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu, tăng nhập khẩu và từ đó khiến thâm hụt thương mại mở rộng hơn. Một ước tính cho thấy thâm hụt thương mại gia tăng đã lấy đi 3,2 điểm phần trăm từ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quí 1-2022. Đó là lý do chính khiến GDP của Mỹ trong quí đầu tiên của năm nay giảm 1,6%.
Đối với các công ty và chính phủ vay nợ nước ngoài bằng USD, sức mạnh của đồng tiền này thực sự là một vấn đề lớn. Điều này đặc biệt đúng đối với các quốc gia nghèo, vốn có xu hướng tìm tới các khoản vay bằng USD như một giải pháp thay thế cho các thị trường địa phương kém phát triển hơn. Việc trả lãi cho các chủ nợ bằng USD đã trở nên đặc biệt khó khăn đối với các quốc gia có đồng tiền mất giá mạnh như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một số trường hợp như Sri Lanka, việc thanh toán nợ thực sự là một “nhiệm vụ bất khả thi”.
Bao giờ đà tăng của USD dừng lại?
Rất ít chuyên gia tin rằng, điều này sẽ xảy ra sớm, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng. Lý do là bởi triển vọng của các nơi khác cũng không sáng sủa hơn.
Theo ông Jon Turek - nhà sáng lập Hãng Tư vấn JST Advisors, việc Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ càng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. “Hơi khó để biết liệu điều gì sẽ ngăn cản đà tăng của USD. Tôi đoán là có thể chính việc USD tăng quá mạnh có thể cắt đứt đà tăng của nó. Chúng ta nên suy nghĩ về điều này, đặc biệt là sau cuộc họp tháng 9 của Fed và cả giai đoạn cuối năm”.
Còn theo chuyên gia Kamakshya Trivedi của Goldman Sachs, chừng nào các quốc gia vẫn phải chống chịu với áp lực lạm phát cao, nhu cầu đối với USD vẫn sẽ rất mạnh mẽ. “USD có thể còn tăng hơn nữa, và những biến động mạnh nhất vẫn ở phía trước”, ông Trivedi kết luận.
Nguồn: New York Times, CNBC, Bloomberg, Reuters, AP, The Hill, USA Today
Chưa chắc USD sẽ mạnh lên mãi, hoặc có khi rớt đài như chơi ? Hiện nay, 5 đồng tiền chủ chốt: USD/ EURO/ GBP/ CNY/ YEN vẫn đang làm mưa làm gió thế giới tài chính tiền tệ theo nhiều kiểu khác nhau. Những tiền tệ này thường gắn với thế lực kinh tế của các đại cường quốc. Nhưng bây giờ lại xuất hiện thêm hiện tượng RUB Nga. Nhưng RUB mạnh lên về phương diện chính trị nhiều hơn là phương tiện thanh toán, bởi vì nó gắn với lực lượng dự trữ dầu và khí khổng lồ, đủ sức làm chao đảo Châu âu và thế giới khi Nga phát động cuộc chiến Ukraina. Lạm phát thế giới tăng cao thời gian qua là vì lý do trừng phạt lẫn nhau, gây đứt gãy chuỗi cung ứng chiến lược…. Cuộc chơi tiền tệ lúc này không chỉ nằm trong tay các ngân hàng trung ương lớn của thế giới, mà còn do sự thao túng và đầu cơ các đại gia dầu khí/ vũ khí … toàn cầu chi phối. Cục diện thế giới nói chung, tài chính tiền tệ nói riêng, chắc sẽ còn nhiều bất ngờ khác nữa.