Thứ Hai, 22/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá – những lựa chọn khó khăn

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trên bình diện tổng thể, tiền đồng (VND) vẫn giữ được sự ổn định đáng kể nếu nhìn vào tốc độ mất giá của các đồng tiền khác so với đô la Mỹ (USD). Nhưng nhìn vào bối cảnh hiện nay, có thể nói việc điều hành tỷ giá đang đứng trước những lựa chọn khó khăn và đầy thách thức.

Sức ép tỷ giá

Chỉ sau 53 ngày Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng giá bán đô la Mỹ thêm 200 đồng, cơ quan này đã tiếp tục tăng thêm 150 đồng ở chiều bán ra từ ngày 4-7-2022, lên mức 23.400 đồng/đô la Mỹ, đồng thời chuyển từ phương thức giao dịch bán kỳ hạn ba tháng sang phương thức bán giao ngay, nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trên thị trường.

Trong sáng đầu tuần này (18-7), tỷ giá trung tâm USD/VND do NHNN niêm yết tăng thêm 20 đồng, lên mức 23.245 đồng/đô. Như vậy, chỉ trong hơn nửa đầu tháng 7, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng đến 135 đồng, đánh dấu đà tăng nhanh đáng chú ý trong nhiều năm trở lại đây.

Giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng ghi nhận mức tăng từ 180-200 đồng từ đầu tháng 7 đến nay, còn nếu so với đầu năm thì đã tăng xấp xỉ 670-700 đồng, tương đương mức tăng gần 3%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng hơn 0,4% của tỷ giá trung tâm.

Sự vận động mạnh mẽ của tỷ giá trên thị trường chính thức khiến giá giao dịch đô la Mỹ trên thị trường tự do cũng leo thang không ngừng, với giá mua vào đã chính thức vượt mốc 24.500 đồng/đô trong đầu tuần này, trong khi chênh lệch giá bán ra và mua vào cũng mở rộng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua ở 150 đồng. So với thời điểm cuối tháng 6, đô la Mỹ tự do đã tăng gần 600 đồng ở chiều mua vào và 700 đồng ở chiều bán ra, trong khi so với đầu năm tăng tương ứng là 1.000 đồng và 1.120 đồng, tương đương mức tăng 4,3% và 4,8%.

Trên thị trường thế giới, chỉ số đô la Mỹ (USD Index) hôm 14-7 đã có lúc chạm mốc 109 điểm, cao nhất trong 20 năm qua, đánh dấu mức tăng đến 4,3% so với đầu tháng 7 và tăng gần 14% so với đầu năm nay.

Nhìn vào những động thái gần đây của nhà điều hành, dường như chính sách giữ ổn định tỷ giá đang được ưu tiên hơn và đang nhắm đến nhiều mục tiêu chứ không chỉ đảm bảo giá trị cho tiền đồng…

Như vậy, có thể thấy mức tăng của tỷ giá USD/VND trong nước vẫn thấp hơn đáng kể so với đà leo thang của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, cũng như khi so sánh với đà lao dốc của nhiều đồng tiền khác trong khu vực, cho đến các ngoại tệ mạnh khác như euro, đô la Úc hay yen Nhật. Đơn cử như cặp tỷ giá EUR/USD hôm 14-7 đã có lúc rớt về dưới mốc 1, giảm hơn 12% so với đầu năm nay.

Những nỗi lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy và nguy cơ trì trệ của kinh tế khu vực châu Âu do ảnh hưởng xung đột quân sự Nga – Ukraine, cộng thêm chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đang đẩy giá đô la Mỹ tiếp tục leo thang chưa hồi kết.

Đáng lưu ý là sau ba lần tăng lãi suất từ đầu năm đến nay với tổng mức tăng đến 1,5 điểm phần trăm, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất trong nhiều thập niên qua, giới phân tích dự báo Fed có thể tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 1 điểm phần trăm ngay trong cuộc họp vào ngày 27-7, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ đã tăng vọt 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất của lạm phát ở Mỹ trong hơn 40 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% từng ghi nhận trong tháng 5.

Lựa chọn khó khăn?

Như đã nói, trên bình diện tổng thể, tiền đồng vẫn giữ được sự ổn định đáng kể nếu nhìn vào tốc độ mất giá của các đồng tiền khác so với đô la Mỹ. Điều này là nhờ vào những biện pháp can thiệp gần đây của nhà điều hành.

Nếu như những năm gần đây, NHNN thường mua được lượng lớn ngoại tệ để gia tăng nguồn lực dự trữ ngoại hối, thì từ đầu năm đến nay cơ quan này đã bơm ra 12-13 tỉ đô la Mỹ để giúp tỷ giá ổn định, đặc biệt là thời điểm trong hơn một tháng qua. Ngoài ra, cơ quan này cũng liên tục hút tiền đồng về thông qua kênh phát hành tín phiếu, kéo chênh lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng thu hẹp lại, từ đó cũng giúp tăng giá trị cho tiền đồng.

Nhìn vào bối cảnh hiện nay, có thể nói việc điều hành tỷ giá đang đứng trước những lựa chọn khó khăn và đầy thách thức. Rõ ràng nếu để tiền đồng mất giá quá nhanh sẽ càng gây sức ép lên lạm phát, vốn đang chịu đựng không ít áp lực và đứng trước thách thức vượt mục tiêu kiểm soát trong năm nay.

Ngược lại, nếu kiềm chế tỷ giá quá mức cũng sẽ ảnh hưởng lên hoạt động thương mại của Việt Nam, khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm sức cạnh tranh, khi mà nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại lẫn đối thủ cạnh tranh ở các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt đã rớt giá mạnh so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, chính sách này cũng có thể kích thích nhập khẩu mạnh hơn và về lâu dài sẽ tác động lên cán cân thanh toán. Trong sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận xuất siêu hàng hóa 710 triệu đô la Mỹ, chỉ bằng 18% so với mức xuất siêu hơn 4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021 vừa qua.

Tuy nhiên, nhìn vào những động thái gần đây của nhà điều hành, dường như mục tiêu giữ ổn định tỷ giá đang được ưu tiên hơn.

Trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới liên tục leo thang thời gian qua, Việt Nam lại là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào các nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, thì việc giữ ổn định tỷ giá để kiềm chế giá đầu vào cho các doanh nghiệp trở nên quan trọng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quí 2-2022 tăng 2,62% so với quí trước và đã tăng 11,43% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế sáu tháng cũng tăng đến 11,21%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 5,49% của năm 2021 so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quí 2-2022 tăng 3,31% so với quí trước nhưng chỉ tăng 8,56% so với cùng kỳ năm trước và sáu tháng cũng chỉ tăng 8,03%.

Nếu để giá các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của doanh nghiệp tăng quá mạnh, tất yếu sẽ ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất của nền kinh tế, kéo theo tác động tiêu cực lên đà tăng trưởng kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vốn chỉ đang bước đầu hồi phục mong manh, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu đang hiển hiện hơn bao giờ hết.

Chẳng những vậy, khi đó giá bán đầu ra của doanh nghiệp cũng phải tăng theo tương ứng chi phí đầu vào, sẽ càng gây áp lực lên lạm phát và tiếp đó là lãi suất. Trong khi đó, tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2022 diễn ra hôm 15-7, NHNN tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%.

Như vậy, chính sách kiềm chế tỷ giá trong giai đoạn hiện nay có thể đang nhắm đến nhiều mục tiêu, không chỉ đảm bảo giá trị cho tiền đồng, mà còn đảm bảo hoạt động sản xuất trong nền kinh tế được xuyên suốt và liên tục, cũng như góp phần kìm cương lạm phát và kéo theo đó là giữ lãi suất tiền đồng ổn định.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tỷ giá đang “đi dây” chứ không phải là “đi nhẹ nói khẽ” nữa. Điều này là thực tế, trong bối cảnh có quá nhiều xung lực mâu thuẫn nhau trên thị trường tiền tệ tài chính thế giới. Nhưng trụ cột của ổn định tỷ giá vẫn là kiểm soát tốt lạm phát và sức mua của đồng VN. Mọi giải pháp phải xoay quanh cái trục quan trọng này. Nếu không sự bất ổn vĩ mô ngay lập tức buộc nền kinh tế phải trả giá. Kiểm soát lạm phát, trước hết là kiểm soát giá cả các mặt hàng nhạy cảm, có tác động lan tỏa đến hàng loạt giá cả các hàng hóa dịch vụ khác,

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới