Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lồng ghép các giá trị bản địa vào du lịch

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lễ hội Bả trạo miền biển, lễ hội sâm Ngọc Linh, làng du lịch cộng đồng của người Cơtu hay tour tham quan văn hóa tâm linh đô thị cổ Hội An là những giá trị bản địa tại Quảng Nam có thể được lồng ghép vào du lịch để vừa tạo sản phẩm du lịch đa dạng, bền vững vừa đưa những nét văn hóa nói trên vào cuộc sống.

Tại tọa đàm tham vấn doanh nghiệp, chủ đề “Phát huy sự sáng tạo giá trị bản địa trong hoạt động du lịch ở Quảng Nam” diễn ra chiều 19-7-2022 tại thành phố Hội An do UNESCO và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA) đồng chủ trì, các chuyên gia và doanh nghiệp có những đề xuất phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững dựa trên giá trị bản địa.

Theo đó, UNESCO và QTA mong muốn tái kết nối doanh nghiệp-hội viên để cùng đồng hành hỗ trợ nhau trong phục hồi, phát triển du lịch theo tiêu chí du lịch xanh. Và qua đó, gợi ý những giải pháp để phát huy những yếu tố sáng tạo trong việc nương tựa giá trị bản địa cho hoạt động du lịch ở Quảng Nam trên nền tảng du lịch xanh-phát triển bền vững.

Lễ hội Bả trạo miền biển tại Quảng Nam. Ảnh: Tư liệu

Lồng ghép lễ hội vào du lịch

Ông Tôn Thất Hướng, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa, chia sẻ Lễ hội Bả trạo ở miền biển Quảng Nam là một loại hình diễn xướng dân gian văn hóa phi vật thể rất phong phú về tư tưởng và nghệ thuật do các thế hệ tiền nhân sáng tạo, lưu truyền từ nhiều đời bằng hình thức truyền miệng. Hát Bả trạo là phần hội không thể thiếu được trong Lễ hội Bả trạo, là hoạt động chính yếu nhất và có sức hấp dẫn, thu hút nhiều người xem trong Lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển.

“Đến với Lễ hội Bả trạo, người dân và du khách không những được đáp ứng, thỏa mãn một phần nào nhu cầu tâm linh của họ, lễ hội còn là nơi chuyển tải, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua phương thức diễn xướng dân gian nhằm mục đích giáo dục, hướng đích cho sự tồn tại và phát triển của từng con người và cộng đồng”, ông Hướng cho hay.

Ông Quảng Văn Quý, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết có nhiều tiềm năng để khai thác những yếu tố đặc trưng, khác biệt của Lễ hội Bả trạo trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Nam.

Bên cạnh Lễ hội Bả trạo miền biển, phát triển lễ hội sâm Ngọc Linh tại huyện miền núi Nam Trà My thành sản phẩm du lịch là một gợi ý khác.

Theo ông Lê Văn Mai, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Trà My, văn hóa cúng thần sâm Ngọc Linh của bà con người Xê đăng là để tạ ơn trời đất, thần núi, thần sông, thần gió, thần mưa, thần nóng, thần lạnh để cho ra cây thuốc giấu – một cách gọi ngày xưa, và nay là cây sâm Ngọc Linh.

Lễ tạ ơn ở cấp độ làng, nay Nam Trà My nâng lên trở thành lễ hội sâm qui mô lớn cấp huyện được diễn ra định kỳ vào ngày 1 đến ngày 3 tháng 8 hằng năm và tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh vào ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng. Đây là điểm nhấn để phát triển du lịch sâm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng, để mọi người dân đều được tham gia và được hưởng thành quả du lịch phát triển đem lại.

“Chúng tôi sẵn sàng kết hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và các doanh nghiệp để quảng bá giá trị kinh tế và văn hóa này đến với du khách trong nước và quốc tế”, ông Mai chia sẻ.

Đưa văn hóa vào tour

Bên cạnh Nam Trà My, huyện Tây Giang cũng là một địa phương miền núi khác của Quảng Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch dựa vào văn hóa.

Một lễ hội của người Cơtu tại huyện miền núi Tây Giang. Ảnh: Pơloong Plênh

Theo ông Pơloong Plênh, Chuyên viên phòng Văn hóa và thể thao của huyện Tây Giang, Làng văn hóa - du lịch cộng đồng Pơrning, xã Lăng, là địa bàn cư trú lâu đời của người Cơtu. Chính vì vậy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Cơtu trong làng Pơrning còn rất đa dạng và phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện tính đoàn kết, nhân văn rất cao của cộng đồng người Cơtu thông qua lễ hội, kiến trúc, văn hóa truyền thống, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, làng nghề truyền thống…

Năm 2007 làng Pơrning đã phục dựng 9 nhà sàn tộc họ truyền thống. Cuối năm 2021 làng tiếp tục phục dựng nguyên bản thành công Gươl của làng, to hơn Gươl cũ. Tuy nhiên, qua thời gian do ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai, những cơ sở này đã xuống cấp.

“Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại làng vẫn còn thiếu”, ông Plênh chia sẻ. “Chúng tôi chưa có khu lưu trú mang đậm bản sắc văn hóa theo kiểu nhà sàn, nhà dài, chưa có khu nhà vệ sinh. Dịch vụ du lịch tại làng vẫn còn mang tính tự phát chưa chuyên nghiệp. Sản phẩm còn đơn điệu chưa toát lên giá trị đặc trưng của làng. Đội ngũ làm du lịch tại làng chủ yếu là người dân quen với nướng rẫy, chưa được tập huấn, bồi dưỡng”.

Vì vậy, ông Plênh đề nghị khai thác những tiềm năng của làng Cơtu này để vừa tạo ra sản phẩm du lịch mới, vừa tạo sinh kế cho bà con và quan trọng hơn là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân bản địa đối với việc bảo tồn văn hóa truyền thống và bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng di sản có nhiều cây gỗ lâu năm, quý hiếm.

Ông Lê Quốc Việt, một doanh nhân đang đầu tư cơ sở du lịch tại Quảng Nam, cũng đồng tình phát triển du lịch làng Pơrning như một giải pháp để phát huy giá trị văn hóa cộng đồng Cơtu. Ông Việt cũng gợi ý phát triển thành một sản phẩm du lịch đặc trưng nhưng cũng phải tiếp cận mục tiêu du lịch xanh Quảng Nam, đặc biệt dành cho thị trường quốc tế.

Tour tham quan văn hóa tâm linh đô thị cổ Hội An cũng là một gợi ý được các chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ tại sự kiện.

Hội An lâu nay là điểm đến quen thuộc và ưa thích của khách trong nước và quốc tế. Du khách đến đây để trải nghiệm “check-in” những ngôi nhà cổ, thăm chùa Cầu, đi thuyền thả hoa đăng và thưởng thức đặc sản.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Minh, một nhà nghiên cứu văn hóa, phố cổ còn có một di sản đầy tiềm năng mà doanh nghiệp du lịch có thể khai thác đưa vào tour cho những đối tượng thích tìm hiểu văn hóa bản địa.

Đó là đình Cẩm Phô (tu bổ lớn vào năm 1817) – nơi được xem là trung tâm tiêu trừ dịch bệnh của Hội An xưa. Đó là Hội quán Quảng Triệu (1885) - nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng riêng của người Quảng Đông ở Hội An.

Hội quán Ngũ Bang (1741) do 5 bang Hoa Kiều đóng góp xây dựng thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và làm nơi hội họp đồng hương, giúp nhau làm ăn buôn bán hay Hội quán Phúc Kiến (1697) là nơi cầu tài (tiền) và cầu tự (con cái) tại Hội An. Trong tour, du khách cũng sẽ được tìm hiểu vì sao chùa Cầu có tên khác là Lai Viễn Kiều bên cạnh thăm Quan công miếu, Quan âm phật tự Minh Hương, Hội quán Hải Nam, Minh Hương Tụy Tiên Đường, Hội Quán Triều Châu…

Dưới góc độ du lịch, ông Võ Phùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho hay du lịch bền vững, du lịch xanh là mục tiêu đồng thời là giải pháp căn cơ đối với du lịch Quảng Nam trong tương lai, đảm bảo khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch Quảng Nam và phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới.

Trong xu thế này, sử dụng chất liệu “giá trị di sản” một cách sáng tạo là vấn đề cần phát huy trong hoạt động du lịch ở Quảng Nam, nhằm thiết lập nền tảng cho sản phẩm du lịch đặc trưng, có chiều sâu và chạm đến sự tử tế trong dịch vụ du lịch.

“Khủng hoảng Covid-19 đã đánh thức vấn đề sử dụng tài nguyên bền vững, giảm áp lực đến di sản. Vì vậy, chúng ta cần thích ứng và sáng tạo, chú trọng phương thức tiếp cận du lịch mang lại giá trị cao”, ông Phùng chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới