Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch NLCS TPHCM: Nuôi dưỡng tinh hoa dân tộc cho công dân toàn cầu tương lai

Hoàng Hy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hệ sinh thái giáo dục Embassy Education đã sẵn sàng trở thành bệ phóng cho thế hệ tương lai tự tin bước ra thế giới với nền tảng tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Bùi Vu Thanh (Thanh Bùi), Chủ tịch Hệ sinh thái giáo dục sáng tạo Embassy Education, đã ngưng đi hát và viết nhạc, chuyển sang làm giáo dục khi con đường nghệ thuật của anh đang ở thời kỳ đỉnh cao.

Ngày 29-6 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến công du Anh Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Embassy Education đã ký kết hợp tác chiến lược để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống trường North London Collegiate School (NLCS) tại Việt Nam sau 5 năm thành công với trường mầm non Little Em’s, Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật Soul (SMPAA), Học viện Thể thao Quốc tế Việt Nam (VIIS), Học viện Nghệ thuật Thị giác Đương đại Việt Nam (VCVAA)... Với việc phát triển trường liên cấp NLCS TPHCM, Embassy Education đã hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục, đồng hành cùng trẻ từ 18 tháng đến 18 tuổi với đầy đủ kỹ năng, kiến thức, tư duy, sức khỏe, tâm lý và cả cảm xúc để có thể làm chủ tương lai, trở thành nhà lãnh đạo giỏi trong một xã hội thay đổi, biến thiên từng ngày.

Một điều thú vị là Thanh Bùi, người gầy dựng lên Embassy Education như ngày hôm nay, là một “tay ngang” trong ngành giáo dục. Càng thú vị hơn khi Thanh Bùi đã chuyển sang làm giáo dục giữa lúc con đường nghệ thuật của anh đang ở thời kỳ đỉnh cao với nhiều bài hit đình đám cả trong nước lẫn quốc tế như Danger (BTS - Hàn Quốc), Once Again (Arashi - Nhật Bản), Lặng Thầm Một Tình Yêu (Hồ Ngọc Hà)…

"Khi mình không còn lửa nữa thì mình ngưng thôi”, Thanh Bùi giải thích ngắn gọn như thế khi người viết hỏi vì sao anh dừng con đường nghệ thuật để chọn làm giáo dục.

Đang trò chuyện, bỗng ngoài hành lang lao xao tiếng trẻ nhỏ. Ánh mắt ấm áp nhìn theo mấy đứa trẻ, anh gọi lớn: “Vào đây chào khách đi con!”

Hai cậu con trai giống nhau như tạc, khôi ngô, mắt sáng, ghé vào cửa phòng làm việc của Thanh Bùi, chào khách bằng tiếng Việt một cách lễ phép, ôm chầm lấy ba rồi mới rời đi. “Con vừa kết thúc buổi học, giờ con lên lớp để làm “trợ giảng”, giúp cô “dạy” các em nhỏ và chăm sóc các em”, anh khoe.

Dừng một lát, anh nói tiếp: “Các con là hồng ân lớn lao mà ông trời ban tặng cho tôi. Các con không chỉ khiến cuộc sống và trái tim tôi luôn được lấp đầy bằng tình yêu và hạnh phúc mà còn khiến tôi thay đổi nhiều về nhân sinh quan của mình”.

Anh Thanh Bùi, Chủ tịch Embassy Education, tại lễ ký kết hợp tác chiến lược để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống trường NLCS tại Việt Nam.

Và việc thay đổi của anh được bắt đầu bằng quyết định đầu tư vào giáo dục?

Ồ, không hẳn vậy. Tôi thấy may mắn khi ông trời cho mình nhiều cơ hội để trải nghiệm, để hiểu được cái gì mình làm tốt nhất và đam mê nhất. Năm 17 tuổi, ba mẹ không ủng hộ việc tôi trở thành một nghệ sĩ. Tôi rời gia đình và làm rất nhiều nghề để sống. Trong đó có việc đi dạy, dạy nhiều môn: âm nhạc, toán, tài chính… Trong suốt 8 năm, tôi không liên lạc với gia đình. Tôi trở về nhà năm 25 tuổi khi đã có nhà, có xe đẹp. Nhưng rồi, một buổi chiều chạy xe qua các đường phố trong tâm trạng hài lòng, thỏa mãn, tôi chợt nhận ra mình bé nhỏ quá, tầm thường quá. Tôi giật mình tự hỏi, sao hạnh phúc của mình, giá trị con người của mình lại định giá bằng những thứ vật chất này? Vậy là ngay ngày hôm sau, tôi bán lỗ chiếc xe, mua xe thường để sử dụng và “mình chỉ là mình”.

Và sau nhiều trải nghiệm, tôi cảm nhận được công việc khiến tôi hạnh phúc nhất là làm giáo dục. Làm một người thầy là việc tự nhiên nhất với tôi, là việc tôi thấy thỏa mãn nhất với trái tim của tôi. Cho nên, quyết định đầu tư vào giáo dục là một chuyện rất tự nhiên.

Trong 6 năm qua, anh đã có trường mầm non Little Em’s, có Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật Soul, Học viện Nghệ thuật Thị giác Đương đại Việt Nam… Như vậy là chưa đủ với anh?

Với Little Em’s, với Soul Music & Performing Arts Academy… tôi được đồng hành và chứng kiến sự tiến bộ của các con từng ngày. Giúp các con trở thành phiên bản đẹp hơn, tốt hơn, chân thành hơn, với tôi, đó là một niềm hạnh phúc lâu bền, không gì có thể so sánh, thay thế được.

Khi tôi có con, trở thành một người cha, tôi đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc với các bậc phụ huynh, luôn mong muốn dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Tôi muốn con mình tự tin, mạnh mẽ, đủ năng lực để cạnh tranh sòng phẳng với bạn bè quốc tế nhưng tôi cũng muốn con giữ được những giá trị Việt Nam, muốn con hiểu và yêu tiếng Việt, yêu văn hóa, cội nguồn nơi mình sinh ra và lớn lên. Nghĩ về việc cho con vào trường quốc tế, rồi con lưu loát tiếng Anh mà không thành thạo tiếng Việt, hoặc cho con đi du học từ sớm, rồi đón con về trong sự lạ lẫm, xa cách vì con mất gốc văn hóa, tôi không chấp nhận được. Điều đó đã thôi thúc tôi tìm kiếm và xây dựng một hệ sinh thái giáo dục có thể đi cùng con trong một hành trình dài. Nơi không chỉ cho các con hành trang vững chắc để trở thành công dân toàn cầu mà còn nuôi dưỡng, vun đắp cho các con những tinh hoa của văn hóa Việt Nam.

Đó cũng là lý do Embassy Education lựa chọn hợp tác với NLCS, trường quốc tế Anh Quốc tốt nhất thế giới năm 2021 với lịch sử hơn 170 năm, để phát triển tại Việt Nam.

Anh muốn gìn giữ, nuôi dưỡng tinh hoa văn hóa Việt Nam cho các con nhưng anh lại đưa về mô hình một trường quốc tế. Điều đó có mâu thuẫn không?

Tôi muốn mang những tinh hoa của giáo dục phương Tây kết hợp với những tinh hoa văn hóa, giáo dục của Việt Nam. 180 độ của Tây cộng với 180 độ của Ta tạo nên một bức tranh 360 độ hoàn hảo cho giáo dục tại Việt Nam. Phương Tây có nền giáo dục tiến bộ, cởi mở, tôn trọng cá nhân, đề cao sự sáng tạo, phản biện, nhưng văn hóa, giáo dục của Việt Nam cũng không hề thua kém. Những bài học về hiếu thảo, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “kính trên nhường dưới”… đều rất tuyệt vời. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn hợp tác NLCS, ngôi trường học thuật hàng đầu Anh Quốc nhưng trân trọng những tinh hoa văn hóa bản địa.

NLCS TPHCM sẽ ứng dụng và phát triển từ mô hình giảng dạy song ngữ của NLCS Jeju (Hàn Quốc) - nơi 95% học sinh mang quốc tịch Hàn Quốc đã đạt được điểm IB 39/45 trong năm 2021, vượt chuẩn trung bình của thế giới ở mức 33 điểm. Chương trình giảng dạy của NLCS TP.HCM là sự hòa quyện tinh hoa giữa chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình Quốc gia Anh và Chương trình Giáo dục Kinh tế và Sức khỏe xã hội cá nhân (PSHE) nhằm đảm bảo vượt chuẩn quốc tế nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chương trình học được dựa trên khung chương trình tú tài quốc tế (IB) nghiêm ngặt, được chấp nhận tại 140 quốc gia, giúp học sinh có thể đăng ký vào các trường đại học danh giá hàng đầu thế giới. Ngoài ra, tất cả các bài học còn được giảng dạy bằng 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh do 2 giáo viên (giáo viên Việt Nam và giáo viên nước ngoài) cùng phụ trách. Điều này sẽ tạo bệ phóng vững chắc để các em học sinh sẵn sàng trở thành công dân toàn cầu nhưng vẫn thấu hiểu sâu sắc, đậm đà những tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, vì sao anh lại trăn trở và nặng lòng gìn giữ văn hóa Việt đến vậy?

Dù ở đâu thì trong người tôi vẫn là máu đỏ da vàng của người Việt. Mỗi một ADN trên người tôi là từ nguồn gốc Việt Nam. Và ba mẹ tôi luôn nhắc nhở tôi điều đó. Khi ở nhà, ba tôi luôn yêu cầu cả nhà phải giao tiếp bằng tiếng Việt, ba luôn duy trì những nề nếp truyền thống, phong tục tốt đẹp của người Việt. Lâu dần, những điều đó thấm sâu vào tâm hồn mình tự nhiên như hơi thở.

Về Việt Nam sống và làm việc, tôi nhận ra rằng, xung quanh mình có nhiều phụ huynh đang quá chú trọng vào việc cho con học tiếng Anh, đến mức các em không thể nói lưu loát tiếng Việt. Các con giỏi tiếng Anh để làm gì, đạt điểm tối đa toán, lý, hóa… để làm gì khi không thể miêu tả, diễn đạt được đủ ý tứ một vấn đề bằng tiếng Việt? Để rồi khi bước ra thế giới, con bị mất bản sắc, yếu thế cạnh tranh với bạn bè quốc tế, khi về Việt Nam, con lại khó hòa nhập với người Việt.

"Nếu người thầy không thúc đẩy được hết khả năng tiềm tàng trong một đứa trẻ, sẽ là một thiệt hại lớn cho đứa trẻ đó và cho xã hội.", Anh Thanh Bùi, Chủ tịch Embassy Education.

Chúng ta có bao giờ thấy một người Anh không biết nói tiếng Anh, một người Pháp không biết nói tiếng Pháp, một người Nhật không biết nói tiếng Nhật, một người Hàn Quốc không biết nói tiếng Hàn không? Rồi 20-30 năm nữa, thế hệ trẻ tài năng người Việt không biết nói tiếng Việt sẽ dẫn dắt đất nước như thế nào?

Tôi muốn các con giỏi ngoại ngữ, giỏi kiến thức, thành thạo kỹ năng sống, phát huy tối đa năng lực của bản thân để trở nên nổi bật khi cạnh tranh với bạn bè quốc tế. Nhưng các con cũng hiểu và yêu tiếng Việt, yêu nền văn hóa phong phú, hiểu sâu sắc nguồn cội nơi mình sinh ra và lớn lên. Khi con ra nước ngoài làm việc, con hoàn toàn không thua kém, thậm chí phải giỏi hơn “Tây”. Còn khi về nước, con thấy gần gũi, ấm áp, hiểu rõ cội nguồn… Dù ở bất kỳ đâu, con cũng thấy hạnh phúc, tự hào với những giá trị Việt Nam độc đáo của chính mình.

Những giá trị đó chính là động lực thúc đẩy các con tự mình hoàn thiện bản thân và phát triển nhân cách. Các con sẽ thấu hiểu sâu sắc việc học tập không phải để thỏa mãn nhu cầu tức thời mà là sự cố gắng suốt đời cho niềm đam mê kiến thức, đam mê khám phá của chính mình.

Hiểu bản sắc văn hóa khi hội nhập khó 1 thì phát triển văn hóa dân tộc và nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc khó 10. Anh có thấy con đường mình đi quá chông gai?

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng tôi có thể làm được. Bởi vì, chúng tôi không dạy con bằng lý thuyết mà ứng dụng điều đó trong từng hành động, từng bài học thực tiễn mỗi ngày. Ví dụ, ở NLCS TPHCM, tất cả người Thầy đều có vai trò, vị trí bình đẳng, dù đó là người Việt hay người nước ngoài. Vì tôi nghĩ, nếu các con quen với môi trường mà người nước ngoài đóng vai chính, còn người Việt chỉ đóng vai trò hỗ trợ thì vô tình, chúng ta tạo ra một định kiến yếu thế về xuất thân cho các con. Lớn lên làm sao các con có thể tự tin khi đối mặt với bạn bè quốc tế?

Tiếp cận với một nền giáo dục hiện đại chính là con đường xây dựng một một nền giáo dục mang tính toàn cầu và đào tạo những công dân toàn cầu. Nhưng vẫn phải giữ gìn bản sắc của chính mình. Đó là nền tảng cho một Việt Nam hội nhập quốc tế và thịnh vượng bền vững.

Vậy đây có phải là giá trị giáo dục cốt lõi mà anh và NLCS TPHCM đang theo đuổi?

Giá trị lớn nhất mà chúng tôi hướng đến trong hệ sinh thái giáo dục của mình là hướng dẫn, đồng hành với các con để các con được phát huy mọi tiềm năng, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Chúng tôi lựa chọn đối tác hàng đầu để đảm bảo cho con hành trang, nền tảng vững vàng khi bước ra thế giới. Nhưng để các con tự tin hòa nhập, tỏa sáng và trở nên nổi bật, chúng tôi chú trọng việc nuôi dưỡng những tinh hoa văn hóa, giữ gìn bản sắc và lòng tự hào dân tộc cho con.

Để các con phát triển toàn diện, phát huy hết mọi khả năng của mình, chúng tôi có một hệ sinh thái giáo dục sáng tạo Embassy Education với 17 đơn vị thành viên, từ giáo dục nghệ thuật đến phát triển năng khiếu để bồi đắp cho các con, không chỉ văn hóa, học thuật mà còn có những phẩm chất như sáng tạo, tự tin, kiên định, tình yêu nghệ thuật, sự đồng cảm… để trở thành một con người toàn diện trong thời đại của máy tính và robot.

Trong nhiều năm qua, Embassy Education là đối tác cung cấp chương trình giảng dạy ngoại khóa cho các trường quốc tế hàng đầu tại Việt Nam như Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS), Trường Quốc tế Úc (AIS), Trường Quốc tế TPHCM (ISHCMC)…

Hệ sinh thái giáo dục sáng tạo Embassy Education với 17 đơn vị thành viên, từ giáo dục nghệ thuật đến phát triển năng khiếu để bồi đắp cho các con, không chỉ văn hóa, học thuật mà còn có những phẩm chất như sáng tạo, tự tin, kiên định, tình yêu nghệ thuật, sự đồng cảm…

Tôi không đặt mục tiêu giáo dục các con thành người bình thường mà phải nổi trội và đứng đầu lĩnh vực mà còn có năng khiếu, đam mê. Ước mơ của tôi là phải đào tạo những con người có thể đi ra thế giới, thắng được giải Nobel, Oscar, Pulitzer… Tại sao không? Các con là những con người thay đổi thế giới chứ không phải chỉ thay đổi đất nước. Nếu người thầy không thúc đẩy được hết khả năng tiềm tàng trong một đứa trẻ, sẽ là một thiệt hại lớn cho con và cho xã hội.

Đó chính là “Start here, Go everywhere” (tạm dịch: Bắt đầu ở đây, đi muôn nơi) như anh vẫn thường nói?

Đúng vậy. Nếu chúng ta hỗ trợ con trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, tạo điều kiện cho con lớn khôn, có đề kháng văn hóa, có kiến thức, có kỹ năng, có tầm nhìn bao quát và tư duy cởi mở thì con sẽ trở thành người lãnh đạo trong lĩnh vực mà con đam mê một cách trọn vẹn và hạnh phúc.

Nhưng đã đầu tư thì bài toán lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu. Anh có nghĩ vậy không?

Tôi làm giáo dục, chứ không kinh doanh giáo dục. 100% lợi nhuận từ giáo dục sẽ được tái đầu tư lại vào trường. NLCS TPHCM có Quỹ Học bổng Việt Nam Tinh Hoa với trị giá ban đầu hàng triệu đô la Mỹ. Tôi muốn các con không đủ điều kiện tài chính nhưng học giỏi, có tư duy tốt, có kỹ năng, năng khiếu xuất sắc phải được cấp học bổng để học ở đây.

Tôi muốn NLCS TPHCM là nơi các con được học, lớn lên và phát huy hết mọi khả năng tiềm ẩn của con. Vì vậy, tôi hoàn toàn không có áp lực về lợi nhuận. Tôi chỉ đặt tham vọng phải xây dựng được hệ sinh thái giáo dục Tây - Ta tốt nhất cho người Việt Nam.

Nếu cuộc sống mà cứ đặt ra mục tiêu là kiếm tiền và con số là mục đích cuối cùng thì cuộc sống tối tăm, buồn tẻ biết bao.

Với tham vọng lớn đó, liệu anh có thấy nặng nề và áp lực?

Trái lại, tôi thấy thật thoải mái với mục tiêu này và sẽ làm được. Sau mỗi ngày nỗ lực cùng các con, tôi luôn thấy hạnh phúc tràn đầy và ngủ rất ngon.

1 BÌNH LUẬN

  1. Biết Thanh Bùi từ thời anh còn làm ca sĩ và giám khảo giọng hát việt nhí, sau đó anh không cho học trò của mình theo con đường “thành sao” mà hướng một lối đi riêng. Lúc đó tôi đã có cảm giác anh làm đúng, và đến nay thì thấy anh đã làm đúng như thế!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới