(KTSG Online) – Nhằm tránh nguy cơ chậm trễ tại dự án chống ngập có kinh phí 10.000 tỉ đồng, tổ đàm phán đã đề xuất một phương án cấp bách cho TPHCM. Cụ thể, sẽ thực hiện cùng lúc việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và điều chỉnh quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
- TPHCM: dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng phải ráng chịu thêm một mùa mưa!
- Dự án chống ngập 10.000 tỉ sẽ hoàn thành vào cuối năm nay
Đề xuất trên được tổ đàm phán báo cáo cho UBND TP.HCM sau buổi đàm phán với nhà đầu tư - Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam, về phụ lục hợp đồng BT của dự án giải quyết tình trạng ngập nước do triều cường tại TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng)
Tại buổi đàm phán, nhà đầu tư đồng thuận với việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng cũng cần phải điều chỉnh quỹ đất để đáp ứng yêu cầu thanh toán cho dự án từ đơn vụ cho vay là ngân hàng BIDV. Nếu không có điều khoản về quỹ đất thanh toán thì ngân hàng BIDV sẽ không đồng ý tiếp tục ký kết bản phụ lục hợp đồng tín dụng của dự án.
Về quỹ đất thanh toán, theo hợp đồng vào năm 2016, TP.HCM dự kiến thanh toán bằng 7 khu đất ở quận 1, 7, 9, Tân Phú, Bình Thạnh. Theo thỏa thuận mới, quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư chỉ còn 5 khu đất tại khu vực quận 7, 9, Bình Thạnh, Nhà Bè với giá trị khoảng 1.800 tỉ đồng.
Theo tổ đàm phán, phương án nêu trên có thể tạo được sự đồng thuận giữa các bên là UBND TP.HCM, Ngân hàng BIDV, nhà đầu tư để tiến hành hoàn chỉnh phụ lục hợp đồng BT. Sau khi phụ lục hợp đồng tín dụng được ký kết, UBND TP.HCM có cơ sở để trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện thủ tục gia hạn thời gian giải ngân cho khoản vay tái cấp vốn cho dự án.
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với hợp đồng BT. Cụ thể, TP.HCM sẽ thanh toán khoảng 16% giá trị hợp đồng bằng quỹ đất cho nhà đầu tư, còn 84% được thanh toán bằng tiền mặt. Dự án được khởi công vào giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018. Đến nay, dự án đã tạm ngưng 3 lần do chưa thống nhất phương án thanh toán cho nhà đầu tư.