(KTSG) - Các ngân hàng đã hé lộ báo cáo hoạt động quí 2-2022. Kết quả cho thấy bất chấp áp lực chi phí vốn gia tăng khi các ngân hàng buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Duy trì xu hướng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ
76% là mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) của Ngân hàng Liên Việt trong sáu tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng mức tăng tuyệt đối là 1.551 tỉ đồng, lên hơn 3.588 tỉ đồng, hiện đã đạt 75% kế hoạch năm. Đây cũng là kết quả lợi nhuận kỳ sáu tháng cao nhất của ngân hàng này từ trước đến nay, và mức tăng trưởng trên hiện đang dẫn đầu trong số 11 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến đầu tuần này (25-7).
Tuy nhiên, xét theo mức lợi nhuận đạt được, VPBank mới là ngân hàng dẫn đầu với LNTT sáu tháng đầu năm đến 15.323 tỉ đồng, đạt 52% kế hoạch năm. Xét theo tốc độ tăng trưởng LNTT so với cùng kỳ, VPBank cũng chỉ xếp sau LPB với mức tăng trưởng 70%. Đáng lưu ý lợi nhuận khủng của VPBank chủ yếu đạt được trong quí 1 với 11.146 tỉ đồng, gấp 2,7 lần con số lãi 4.176 tỉ đồng trong quí 2 vừa qua.
Techcombank có số lợi nhuận tuyệt đối cao thứ 2, với LNTT 14.106 tỉ đồng, cũng đạt 52% kế hoạch năm nay và tăng 22% so cùng kỳ. So với VPBank, lợi nhuận của Techcombank có xu hướng ổn định hơn, với LNTT quí 1 là 6.785 tỉ đồng và quí 2 là 7.321 tỉ đồng, đánh dấu quí có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Ngoại trừ Ngân hàng Quốc Dân có LNTT giảm 85% so với cùng kỳ, chỉ đạt 19 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm nay, 10 ngân hàng còn lại đều chứng kiến sự tăng trưởng.
Đơn cử như VIB lãi 5.023 tỉ đồng, tăng 27%; TPBank lãi 3.788 tỉ đồng, tăng 26%; ABBank lãi 1.662 tỉ đồng, tăng 39%; Bắc Á lãi 448 tỉ đồng, tăng 3%; VietBank lãi 388 tỉ đồng, tăng 19%; PGBank lãi 245 tỉ đồng, tăng 40%; SaiGonBank lãi 176 tỉ đồng, tăng 29%.
Động lực từ đâu?
Trong bối cảnh các ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi từ cuối năm ngoái đến nay để cạnh tranh huy động vốn, khiến chi phí vốn đầu vào tăng gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM), kết quả lợi nhuận sáu tháng đầu năm nay cho thấy xu hướng tăng trưởng vẫn được duy trì tích cực.
Sáu tháng cuối năm sẽ chứng kiến hoạt động cho vay khó duy trì được tốc độ như giai đoạn đầu năm, khi mà tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ được giữ nguyên ở mục tiêu 14%.
Động lực đầu tiên chính là nhờ vào hoạt động tín dụng của hệ thống nói chung và hầu hết các ngân hàng nói riêng ghi nhận sự vượt trội trong nửa đầu năm nay. Với dư nợ tín dụng toàn ngành tính đến cuối tháng 6 tăng vọt 9,35% so với đầu năm, là mức tăng trưởng kỳ sáu tháng cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, trong khi nhiều ngân hàng đã sớm sử dụng hết dư địa tăng trưởng dư nợ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ, dễ hiểu vì sao lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt như vậy.
Đơn cử như tại LPB, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng 40% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ đóng góp từ dư nợ cho vay khách hàng tăng đến 9% so với đầu năm, lên gần 227.000 tỉ đồng, đặc biệt quy mô tín dụng bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ và thu lãi khoản vay cơ cấu nợ do dịch Covid-19 của các khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, tại VPBank, thu nhập lãi thuần cũng tăng 11% so với cùng kỳ nhờ cho vay khách hàng tăng đến 10%, lên mức hơn 392.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, phải kể đến Techcombank tăng trưởng cho vay khách hàng lên đến 13%, An Bình 12,5%, VietBank 11,7%, VIB gần 10%, SaiGonBank 9,7%.
Như vậy, trong bối cảnh phải đối mặt với biên độ lãi suất chịu áp lực thu hẹp khi lãi suất huy động đầu vào có xu hướng gia tăng trong khi lãi suất cho vay đầu ra đang phải giữ ổn định, các ngân hàng đã tích cực tăng cường cho vay như là cách lấy số lượng bù đắp sự thu hẹp chênh lệch giá đầu ra - đầu vào.
Yếu tố thứ hai là nguồn thu nhập ngoài lãi tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định, trong đó đóng góp đáng kể là nguồn thu nhập từ dịch vụ.
Như tại VPBank, hoạt động dịch vụ thu về khoản lãi thuần 2.787 tỉ đồng, tăng 36%, nhờ tăng thu từ hoạt động thanh toán và ngân quỹ và thu khác; trong khi tại Techcombank cũng lên tới 3.869 tỉ đồng, tăng 39%. TPBank mức tăng trưởng lên đến 72% ở chỉ tiêu này, PGBank tăng 65%, LPB tăng 33%, SaigonBank tăng 29%,…
Trong khi các hoạt động như kinh doanh ngoại hối có sự phân hóa lãi/lỗ hoặc tăng/giảm giữa các ngân hàng, thì thu nhập khác hầu hết có sự tăng trưởng để trở thành động lực thứ 3 kéo lợi nhuận của các ngân hàng đi lên. Đáng chú ý, VPBank ghi nhận gần 8.433 tỉ đồng lãi từ hoạt động khác, gấp tám lần cùng kỳ, phần lớn ghi nhận trong quí 1, trong đó thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác 1.515 tỉ đồng (tăng 70%), thu từ hoạt động mua bán nợ 330 tỉ đồng.
Techcombank lãi từ hoạt động khác tăng 70%, thu về gần 754 tỉ đồng, nhờ giảm chi phí từ công cụ tài chính phái sinh khác.
Ngoài ra, đóng góp lớn vào thu nhập khác chính là nhờ xử lý thu hồi nợ. Như tại TPBank, lãi từ hoạt động khác gấp hơn chín lần cùng kỳ, đạt 378 tỉ đồng, trong đó riêng thu từ các khoản nợ đã được xử lý rủi ro hơn 310 tỉ đồng. Tại VIB, thu từ nợ đã xử lý rủi ro cũng hơn 169 tỉ đồng, tăng mạnh 56% so với cùng kỳ.
Thách thức trong sáu tháng cuối năm
Với kết quả đạt được trong sáu tháng đầu năm, có thể nói nhóm ngân hàng tiếp tục nằm trong tốp ngành dẫn đầu về xu thế tăng trưởng lợi nhuận trong những năm qua, dù không ít trong các ngân hàng này thời gian qua đã dành một số nguồn lực để hỗ trợ khách hàng vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid- 19.
Tuy nhiên giai đoạn nửa cuối năm, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Thứ nhất là không như nửa đầu năm lợi nhuận có sự đóng góp lớn từ tăng trưởng tín dụng đột biến, sáu tháng cuối năm sẽ chứng kiến hoạt động cho vay của hệ thống nói chung và các ngân hàng nói riêng khó duy trì được tốc độ như giai đoạn đầu năm, khi mà tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ được giữ nguyên ở mục tiêu 14% như khẳng định của người đứng đầu NHNN gần đây.
Hiện tại, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết dư địa tăng trưởng tín dụng cho năm nay và vẫn đang chờ được giao chỉ tiêu mới. Dự báo, con số phân bổ mới sẽ không quá rộng rãi như những năm trước đây, khi NHNN đang ưu tiên mục tiêu ổn định nhiều hơn và khó có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, đi ngược lại với xu thế toàn cầu, nhất là khi áp lực lạm phát vẫn đang hiển hiện.
Thứ hai là thách thức nợ xấu và áp lực trích lập dự phòng có thể sẽ vẫn gia tăng khi càng về cuối năm. Sáu tháng đầu năm nay chứng kiến nợ xấu tại các ngân hàng tiếp tục tăng, dù nợ tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã giảm đáng kể khi nhiều khách hàng khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Áp lực nợ xấu từ nợ tái cơ cấu này vẫn còn đó.
Cụ thể, nửa đầu năm, tổng nợ xấu hợp nhất của VPBank tăng 27% so với đầu năm, chiếm 20.625 tỉ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn gấp 2,4 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 4,57% đầu năm lên 5,25%. Tổng nợ xấu của LPB tại ngày 30-6-2022 là 3.183 tỉ đồng, tăng 11% so với đầu năm; của VIB tăng 16%, đẩy tỷ lệ nợ xấu từ 2,32% lên 2,45%.
Thứ ba là với thị trường bất động sản đang chịu những tác động tiêu cực từ các chính sách quản lý, trong khi dòng vốn dành cho thị trường này bị kiểm soát chặt chẽ hơn, hoạt động thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng cũng sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Cuối cùng, xu hướng lãi suất tiền gửi đi lên trở lại trong khi lãi suất cho vay được yêu cầu giữ ổn định để hỗ trợ nền kinh tế theo định hướng của nhà điều hành, cũng sẽ làm xói mòn biên độ sinh lãi của các ngân hàng. Trong khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm từ 37% hiện nay xuống 34% kể từ đầu tháng 10 tới và có thể gây áp lực lên hoạt động huy động vốn, mới đây, NHNN tiếp tục đặt mục tiêu sẽ giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5-1% trong thời gian tới.