Theo đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), dù đậu mùa khỉ có tốc độ lây lan nhanh nhưng tỷ lệ tử vong không cao, hiện chỉ ghi nhận 5 trường hợp tử vong tại Châu Phi. Ngoài ra, vaccine phòng bệnh đầu mùa trước đây vẫn có tác dụng phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
- Lo ngại đậu mùa khỉ xâm nhập, TPHCM muốn mở lại khai báo y tế với người nhập cảnh
- WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ chưa có thuốc điều trị
Chiều 28-7, tại cuộc họp thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế – xã hội ở TPHCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết đậu mùa khỉ là bệnh do virus có họ hàng với bệnh đậu mùa phổ biến gây ra. Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở người vào năm 1970 do lây nhiễm từ động vật. Bệnh thường xảy ra ở Tây Phi và Trung Phi, không lây lan ra ở các nước khác.
Tuy nhiên, đầu năm 2022, đậu mùa khỉ bắt đầu bùng phát tại các nước khác trên thế giới và bắt đầu có dấu hiệu lây từ người sang người; đặc biệt bệnh có diễn tiến nguy hiểm hơn so với những năm trước đây.
Về vaccine bảo vệ, cũng như phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, đại diện của HCDC cho biết, vaccine phòng bệnh đầu mùa trước đây vẫn có tác dụng phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng.
Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện tại đã có 75 nước đã có bệnh nhân đậu mùa khỉ và hơn 16.000 người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ tử vong chỉ có 5 trường hợp tại Châu Phi. Có thể thấy rằng, dù đậu mùa khỉ có tốc độ lây lan nhanh nhưng tỷ lệ tử vong không cao, ông Hồng Tâm cho biết.
Thời gian ủ bệnh là từ 5-21 ngày (sớm nhất là 5 ngày và trễ nhất là 21 ngày). Triệu chứng của bệnh kéo dài từ 2-3 tuần với biểu hiện là có sốt, nổi hạch, phát ban (đỏ, nổi mề đay giống như sởi). Thời gian kế tiếp, các nốt đỏ biến thành mụn nước, mủ; sau đó vết thương tự vỡ ra và khỏi bệnh.
Đậu mùa khỉ thường lây qua vết thương hở, dịch tiết của vết thương và giọt bắn. Khả năng lây lan khó hơn so với Covid-19. Đa số bệnh nhân mắc đậu mùa đều tự khỏi, ông Tâm nhấn mạnh.
TPHCM chưa quy định cách ly người nhập cảnh mắc đậu mùa khỉ
Trả lời về việc cách ly người nhập cảnh nếu phát hiện trường hợp bệnh đậu mùa khỉ ở cửa khẩu TPHCM, Phó giám đốc HCDC cho biết, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn hay quy định cách ly. Trong trường hợp phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ tại TPHCM, ngành y tế khuyến cáo bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TPHCM) để kiểm tra và điều trị.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của WHO, người mắc bệnh đậu mùa khỉ cần tự cách ly tại nhà trong thời gian 21 ngày.
Theo đại diện của HCDC, hiện TPHCM chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Theo phân loại của WHO, Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm một (chưa có trường hợp xác định bệnh đậu mùa khỉ).
Sau khi WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc tăng nhanh, Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM đã có các phương án phòng dịch là tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, tăng cường sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường truyền thông trong cộng đồng.
Trước đó, ngày 27-7, UBND TPHCM có công văn đề nghị Bộ Y tế cho phép TPHCM thực hiện khai báo y tế đối với tất cả người nhập cảnh tại cửa khẩu thành phố nhằm sàng lọc, phát hiện bệnh nhân đậu mùa khỉ.
Về quy trình, HCDC sẽ giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt người nhập cảnh; triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả người nhập cảnh. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chính, lập phiếu điều tra dịch tễ.
Sau khi điều tra dịch tễ, nếu là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ), kiểm dịch viên y tế hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị