(KTSG) - Nhiều dự báo tin rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể buộc phải tăng lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm nay, để ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu. Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô gần đây đang xuất hiện những yếu tố có thể giúp nhà điều hành kìm cương được lãi suất.
Lạm phát và tỷ giá
Bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đi lên trong những tháng qua, trước tình hình lạm phát tăng nhanh trở lại, khiến nhiều người tin rằng một động thái nâng lãi suất điều hành của NHNN từ giờ đến cuối năm là tất yếu. Dù vậy, không loại trừ khả năng cơ quan này sẽ tiếp tục nỗ lực giữ ổn định lãi suất, nhất là khi chính sách của Việt Nam thường có độ trễ nhất định so với các ngân hàng trung ương hàng đầu.
Gần đây, các yếu tố gây áp lực lên lãi suất tiền đồng dường như cũng đang có những dấu hiệu được xoa dịu. Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2022 đã tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,59% so với đầu năm và bình quân bảy tháng đầu năm 2022 tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, nhưng trong cuộc thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế được tổ chức gần đây, Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu giữ lạm phát bình quân năm dưới 4%.
Thực tế, áp lực lớn nhất lên lạm phát thời gian qua đến từ diễn biến tăng vọt của giá xăng dầu, nhưng yếu tố này đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, tại thời điểm tháng 6, nhóm hàng giao thông vốn chịu ảnh hưởng lớn từ giá xăng dầu, đã tăng hơn 21,4% so với cùng kỳ; tuy nhiên bước sang tháng 7 chỉ còn tăng 15,2%. Đây là kết quả của giải pháp giảm thuế xăng dầu (thuế bảo vệ môi trường) của các cơ quan quản lý vừa qua, cũng như việc giá xăng dầu trên thị trường thế giới có phần hạ nhiệt, giúp giá xăng trong nước giảm từ đỉnh cao 32.870 đồng/lít (RON 95) xuống còn 26.075 đồng/lít từ ngày 21-7, tức giảm 21% chỉ trong vòng một tháng.
Yếu tố gây áp lực đáng kể lên động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thời gian qua cũng như xu hướng tăng vọt của lãi suất thị trường 2 đến từ câu chuyện thanh khoản, được dự báo sẽ hạ nhiệt.
Điều này càng cho thấy mục tiêu giữ ổn định vĩ mô, đặc biệt là biến số lạm phát, không thể chỉ dựa trên nguồn lực, chính sách của NHNN, mà còn phụ thuộc rất lớn vào sự chung sức của các cơ quan khác, nhất là khi áp lực lạm phát trước mắt hiện nay được cho chủ yếu đến từ chuỗi cung ứng đứt gãy và thiếu hụt nguồn cung, so với do yếu tố tiền tệ.
Ngoài ra, với việc giá dầu WTI đã điều chỉnh giảm mạnh từ đỉnh cao 123 đô la Mỹ/thùng vào giữa tháng 6 xuống chỉ còn quanh 97 đô la Mỹ/ thùng như hiện nay, tương ứng giảm hơn 21%, có lý do để kỳ vọng giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới và góp phần kìm chân được lạm phát trong năm nay.
Điều này là rất có ý nghĩa, vì xăng dầu đang là đầu vào quan trọng của nhiều nhóm ngành và cũng có tác động đáng kể lên đà tăng giá của các mặt hàng khác trong thời gian qua. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện 679/CĐ-TTg ngày 31-7-2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, theo đó yêu cầu các bộ, ngành phải kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Đối với áp lực từ đà tăng của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, vốn có những ảnh hưởng nhất định lên lãi suất tiền đồng, cũng đang cho thấy tín hiệu hạ nhiệt trở lại. Tỷ giá trung tâm NHNN niêm yết ngày 1-8 chỉ còn 23.161 đồng/đô la Mỹ, giảm 84 đồng so với ngày 18-7, trong khi giá mua bán tại các ngân hàng thương mại cũng giảm xấp xỉ 100 đồng trong cùng giai đoạn.
Đáng lưu ý là trong cuộc họp chính sách mới đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định chỉ tăng thêm 0,75 điểm phần trăm lãi suất cơ bản đô la Mỹ, thay vì mức 1 điểm phần trăm như nỗi lo ngại trước đó. Điều quan trọng hơn là Fed có khả năng sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất, với lần tăng thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9 tới và sau đó chuyển sang tăng 0,25 điểm phần trăm vào hai cuộc họp còn lại trong năm, nâng lãi suất chính sách lên 3,5% vào cuối năm 2022.
Cuộc khảo sát với 44 nhà kinh tế được thực hiện từ ngày 15 đến 20-7 dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm vào đầu năm 2023, đạt mức đỉnh 3,75% trước khi tạm dừng tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm lãi suất trước cuối năm 2023. Kịch bản này có thể giúp đà tăng của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế hạ nhiệt, hóa giải bớt áp lực mất giá của tiền đồng. Thực tế chỉ số USD Index cũng đã giảm từ đỉnh cao 109 điểm vào giữa tháng 7 xuống chỉ còn quanh 105 điểm.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng
Lãi suất vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng đã tăng vọt lên đỉnh cao 5,13% vào ngày 27-7, tức gấp gần sáu lần so với thời điểm đầu tháng 7 và gấp 14 lần so với mức thấp 0,36% vào giữa tháng 6 nhưng sau đó đã giảm trở lại. Xu hướng tăng vọt của lãi suất trên thị trường 2 này phản ánh phần nào thanh khoản của hệ thống trong những ngày gần đây, trong bối cảnh nhà điều hành liên tục hút ròng tiền đồng khi phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ.
Dù vậy, yếu tố gây áp lực đáng kể lên động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thời gian qua cũng như xu hướng tăng vọt của lãi suất thị trường 2 đến từ câu chuyện thanh khoản, được dự báo sẽ hạ nhiệt.
Thứ nhất là một khi tỷ giá ổn định trở lại, NHNN sẽ không phải bán ngoại tệ và hút vào một lượng lớn tiền đồng như những tháng qua. Thậm chí, có thể đảo ngược chuyển sang mua ròng ngoại tệ trở lại trong thời gian tới, khi nguồn cung ngoại tệ càng về cuối năm có thể trở nên dồi dào hơn từ hoạt động thương mại, kiều hối, dòng vốn đầu tư và sự phục hồi của ngành du lịch.
Thứ hai là với định hướng giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay, kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng và chỉ nới thêm dư địa theo hướng cầm chừng và thăm dò cho một số ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện, tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ chỉ xấp xỉ mức tăng của năm ngoái dù sáu tháng đầu năm đã tăng vọt ở mức 9,35% so với đầu năm. Điều này khiến các ngân hàng không phải tăng cường huy động vốn bằng mọi giá để đáp ứng mục tiêu mở rộng tín dụng, từ đó cũng giúp lãi suất tiền gửi ổn định hơn. Gần đây nhà điều hành cũng nêu cam kết sẽ nỗ lực giảm lãi suất thêm 0,5-1 điểm phần trăm trong thời gian tới.
Số liệu của NHNN cho thấy, sáu tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng bất động sản là 2,33 triệu tỉ đồng, đạt mức tăng trưởng 12,31%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế là 9,35%. Tuy nhiên, thực chất tăng trưởng tín dụng kinh doanh bất động sản chỉ là 784.575 tỉ đồng, đạt mức tăng trưởng 8,4%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế. Trước đó số liệu tính đến tháng 5 cho biết số dư này đạt hơn 786.000 tỉ đồng. Như vậy trong tháng 6, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này đã giảm hơn 1.400 tỉ đồng, cho thấy các ngân hàng dường như cũng đang thắt chặt cho vay đối với lĩnh vực này.
Ngoài ra, kể từ ngày 1-8-2022, theo Thông tư 04/2022/TT-NHNN, khách hàng khi rút tiền gửi trước hạn một phần tại ngân hàng, thì chỉ phần rút trước hạn mới bị tính theo lãi suất không kỳ hạn, còn phần tiền gửi còn lại giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng. Sự thay đổi này có thể giúp kênh tiền gửi ngân hàng hấp dẫn hơn và đáp ứng được nhu cầu vốn linh hoạt của khách hàng. Theo đó, có thể kích thích tiền gửi trung và dài hạn của các ngân hàng tăng trưởng tích cực hơn. Từ đó, cũng giúp cải thiện thanh khoản và giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất tiền gửi.