Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lý do chính làm chậm chuyến bay trong tháng 7 vẫn là … ‘tàu bay về muộn’

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo số liệu từ Cục hàng không Việt Nam, 6 hãng hàng không của Việt Nam đã khai thác 33.238 chuyến bay trong tháng 7 vừa qua. Trong đó, có 6.053 chuyến bay bị chậm so với lịch trình, chiếm tỷ lệ 18,2%. Cũng như những tháng trước, "tàu bay về muộn' vẫn là lý do chính được đưa ra khi đề cập đến các nguyên nhân gây chậm chuyến.

Những hãng có tỷ lệ chuyến bay đúng giờ xếp từ cao đến thấp là Vietravel Airlines, Bamboo Airways, Pacific Airlines, VASCO, VietJet Air và Vietnam Airlines.

Về tỷ lệ chậm chuyến, Vietnam Airlines là hãng có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất, kế đến là VietJet Air, VASCO, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines.

Hành khách xem thông tin chuyến bay tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Đào Loan

Tỷ lệ chậm chuyến không giảm

Theo Cục hàng không, số lượng hành khách qua các cảng hàng không trong tháng 7 vừa qua đã đạt gần 12 triệu lượt. Trong đó, lượng hành khách trên các chuyến bay nội địa đạt hơn 10,5 triệu lượt, tăng 40,3% so với cùng thời điểm trước dịch là vào tháng 7-2019 và tăng gần 6% so với tháng trước.

Trong tổng số 33.238 chuyến bay được khai thác trong tháng 7 vừa qua, Vietnam Airlines khai thác 11.610 chuyến, tăng 4,5% so với tháng trước; VietJet Air 13.284 chuyến, tăng 10,6%; Bamboo Airways 4.914 chuyến, tăng 7,6%; Pacific Airlines 2.091 chuyến, tăng 13,8%; VASCO có 771 chuyến, giảm 0,6% và Vietravel có 568 chuyến, tăng 10,1% so với tháng trước.

Trong đó, có 27.185 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỷ lệ 81,8%. Cụ thể, số chuyến bay cất cánh đúng giờ của Vietnam Airlines là 8.862 chuyến, chiếm tỷ lệ 76,3% trong tổng số chuyến bay mà hãng khai thác; VietJet Air có 10.756 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỷ lệ 81%.

Trong khi đó, Bamboo Airways có 4.506 chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ 91,7%; Pacific Airlines có 1.885 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỷ lệ 90,1%, VASCO có 654 chuyến, chiếm tỷ lệ 84,8% và Vietravel Airlines có 522 chuyến, chiếm tỷ lệ 91,9%/tổng số chuyến bay khai thác trong tháng.

Trong tháng 7 vừa qua, số chuyến bay bị hủy rất ít, chỉ có 41 chuyến. Cụ thể, Vietnam Airlines hủy 26 chuyến, VietJet Air hủy 5, VASCO hủy 10, các hãng còn lại không hủy chuyến bay.

Về tình hình chậm chuyến, có 6.053 chuyến, chiếm tỷ lệ 18,2%, không giảm so với tháng trước. Trong đó, Vietnam Airlines đứng đầu với 2.748 chuyến chậm, chiếm tỷ lệ 23,7% trong tổng số chuyến bay khai thác của tháng; VietJet Air có 2.528 chuyến, chiếm tỷ lệ 19%.

VASCO có 117 chuyến chậm, chiếm tỷ lệ 15,2%. Pacific Airlines có 206 chuyến, chiếm tỷ lệ 9,9%; Bamboo Airways có 408 chuyến, chiếm tỷ lệ 8,3% và Vietravel Airlines 46 chuyến, chiếm tỷ lệ 8,1% trong tổng số chuyến bay khai thác.

Theo Cục hàng không, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chậm chuyến trong tháng vừa qua như nguyên nhân từ trang thiết bị và dịch vụ tại cảng; quản lý, điều hành bay; thời tiết, do hãng hàng không và do tàu bay về muộn.

Vẫn như những tháng trước, lý do chính gây nên tình trạng chậm chuyến bay trong tháng 7 vẫn là "tàu bay về muộn", với 4.706/6.053 chuyến bay chậm là vì nguyên nhân này.

Yêu cầu các hãng tăng cường bay đêm

Đánh giá về tình trạng chậm, hủy chuyến, Cục hàng không cho rằng, nguyên nhân chủ quan đến từ việc lượng hành khách tăng cao nhưng điều kiện hạ tầng tại các cảng hàng không của Việt Nam hầu như không được bổ sung.

Thêm vào đó, các hãng hàng không cũng chưa đánh giá được nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng đột biến đến cỡ nào khiến tình trạng chuyến bay bị chậm, huỷ trong tháng 7 vừa qua vẫn cao.

Để giải quyết tình trạng này, Cục hàng không yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam bố trí trang thiết bị, nguồn lực nhằm tăng cường năng lực khai thác của các sân bay, đặc biệt là Sân bay Quốc tế Nội Bài và Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Với các hãng hàng không Việt Nam, cơ quan này yêu cầu bố trí các chuyến bay đêm nhằm giảm áp lực với cảng hàng không; đảm bảo bố trí máy bay, trang thiết bị, vật tư dự phòng để kịp thời bảo dưỡng và sửa chữa máy bay.

Các hãng hàng không phải thực hiện nghiêm các chuyến bay theo đúng slot (lượt cất, hạ cánh) đã được cấp và phải luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách.

Thêm vào đó là xây dựng lịch bay, điều hành, quản lý chuyến bay phù hợp với thực tiễn cơ sở hạ tầng, năng lực phục vụ của từng sân bay, kéo dãn lịch quay đầu máy bay, hợp lý hóa các khâu của quá trình làm thủ tục... để giảm việc chậm chuyến dây chuyền.

Cũng trong tháng 7 vừa qua, trước tình trạng các chuyến bay chậm, hủy chuyến tăng cao, Cục trưởng Cục hàng không đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi lập kế hoạch bay hàng ngày của các hãng hàng không phải tuân thủ với slot được xác nhận và cấp phép bay.

Từ 1-8 này, Trung tâm quản lý luồng không lưu từ chối phục vụ chuyến bay của các hãng hàng không sai giờ so với slot đã được xác nhận. Quy định này sẽ áp dụng tạm thời tại sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới