Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup sử dụng enzyme “ăn nhựa” để tái chế rác thải thời trang

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bằng cách sử dụng enzyme sinh học để phá hủy bất kỳ cấu trúc nào của polyester (polyetylen terephthalate), hay còn gọi là nhựa PET, Carbios, công ty khởi nghiệp (startup) có trụ sở ở Pháp, đang tạo ra một công nghệ đột phá giúp tái chế rác thải quần áo, giày dép trong ngành thời trang vốn đang chịu sức ép giảm phát thải carbon.

Công nghệ tái chế sinh học, sử dụng enzyme “ăn nhựa” của Carbios giúp phân hủy sợi polyester trong hàng dệt may thành các đơn thể tạo ra nó là ethylene glycol và terephthalic acid. Ảnh: Carbios

Hồi đầu tháng 7, Carbios đã ký kết thỏa thuận hợp tác hai năm với bốn thương hiệu thời trang thể thao Patagonia, Puma, On và Salomon để thúc đẩy nhanh tiến độ thương mại hóa công nghệ tái chế sinh học, sử dụng enzyme “ăn nhựa” để  phân hủy sợi polyester từ quần áo phế thải và tái sử dụng cho các sản phẩm mới. Bốn công ty này sẽ cung cấp một khoản tiền không được tiết lộ để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm và tiếp thị công nghệ tái chế sợi polyester của Carbios

Polyester là loại sợi được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp may mặc, chiếm khoảng 52% tổng khối lượng sợi được sản xuất trên toàn cầu. Ngành công nghiệp may mặc chiếm khoảng 32 triệu tấn trong tổng số 57 triệu tấn polyester được sử dụng mỗi năm.

Emmanuel Ladent, Giám đốc điều hành Carbios, cho biết đây là thỏa thuận hợp tác đầu tiên của Carbios với các công ty sản xuất quần áo và giày dép. Ông nói: “Sẽ rất quan trọng đối với chúng tôi khi hợp tác với các thương hiệu lớn trên toàn thế giới vì họ sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu”.

Carbios cho biết các enzyme sinh học độc quyền của công ty này có thể phân rã cấu trúc của bất kỳ loại nhựa PET nào được tìm thấy trong chai nhựa, quần áo và các bao bì khác.

Các enzyme kích hoạt các phản ứng hóa học bên trong các sinh vật. Ví dụ, trong cơ thể con người, các enzyme có thể chuyển đổi tinh bột thành đường và protein thành axit amin. Trong nhiều năm qua, Carbios đã cải tiến một phương pháp sử dụng một loại enzyme có trong vi sinh vật để chuyển đổi nhựa PET, một thành phần phổ biến trong hàng dệt may và chai nhựa, thành các đơn thể tạo ra nó là ethylene glycol và terephthalic acid.

Công nghệ này chưa được chứng minh trên quy mô công nghiệp. Carbios đã khai trương một nhà máy chứng minh tính thương mại của công nghệ tái chế rác thải PET dựa vào enzyme ở Clermont-Ferrand, Pháp vào năm 2021. Nhà máy này sử dụng lò phản ứng có thể tích 20 mét vuông, tương đương chiếc xe tải van. Nó có thể chứa 2 tấn rác thải nhựa và phân hủy thành ethylene glycol và terephthalic acid trong vòng 10-16 tiếng đồng hồ. Hai hợp chất này sẽ được tái sử dụng để tạo ra sợi polyester sử dụng cho hàng may mặc.

Carbios đang làm việc với Công ty hóa chất Indorama Ventures để xây dựng một nhà máy có công suất tái chế 50.000 tấn PET mỗi năm ở phía đông bắc nước Pháp vào năm 2025.

Ladent cho biết Carbios sẽ bắt đầu cấp phép quyền sử dụng công nghệ tái chế của công ty kể từ năm 2023. Ông tin rằng trong tương lai, nhiều nhà máy ở các trung tâm tái chế rác thải nhựa trên thế giới sẽ sử dụng công nghệ của công ty ông.

Được thành lập vào năm 2011, cho đến nay, Carbios đã huy động 114 triệu euro từ các nhà đầu tư bao gồm một công ty đầu tư mạo hiểm của hãng mỹ phẩm L’Oréal. Trong năm 2021, Carbios ghi nhận mức lỗ hoạt động 15,8 triệu euro chủ yếu do chi phí tuyển dụng cũng như nghiên cứu và phát triển

Carbios đã làm việc với L’Oréal để thương mại hóa công nghệ tái chế nhựa PET từ năm 2017, cũng như hợp tác với với tên tuổi thực phẩm và đồ uống khác bao gồm Nestlé., PepsiCo và Suntory Beverage & Food.

Giờ đây, các công ty thời trang đang hy vọng công nghệ của Carbios có thể giúp họ đạt các mục tiêu tái chế quần áo và giày dép phế thải. Ví dụ, On, thương hiệu giày chạy bộ của Thụy Sĩ, đặt mục tiêu sử dụng 100% polyester, polyamide tái chế và cotton hữu cơ vào năm 2024. Công ty đồ thể thao ngoài trời của Mỹ, Patagonia muốn loại bỏ nhựa nguyên sinh được sản xuất từ dầu mỏ vào năm 2025. Nhà sản xuất quần áo của Đức, Puma cũng đặt mục tiêu sử dụng 75% polyester tái chế trong quần áo và phụ kiện trong 3 năm tới.

Howard Williams, Giámn đốc bộ phận quần áo và phụ kiện đổi mới toàn cầu tại Puma, nói: “Sự hợp tác với Carbios và các phương pháp tái chế sinh học sáng tạo của công ty này mang đến một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để giúp chúng tôi đạt mục tiêu tái chế và làm cho ngành công nghiệp của chúng tôi trở nên tuần hoàn hơn”.

Theo Quỹ Ellen MacArthur, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ nền kinh tế tuần hoàn, chưa đến 1% quần áo cũ được tái chế để sản xuất quần áo mới. Ngành công nghiệp may mặc đang chuẩn bị cho các quy định nghiêm ngặt hơn nhằm thay đổi điều đó.

Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu, đã đề xuất kế hoạch đảm bảo “thời trang nhanh không còn là mốt” vào năm 2030, dựa trên các quy tắc mới về thiết kế, sản xuất và tái chế nhằm mục đích ngăn chặn áo quần cũ bị đưa đến các bãi rác hoặc bị thiêu hủy. EU cho biết trung bình mỗi người dân trong khu vực vứt bỏ khoảng 11 kg  hàng dệt may mỗi năm, có nghĩa là cứ mỗi giây, có một xe tải chở quần áo cũ đến lò đốt hoặc các bãi rác.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới