Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khách sạn Thái Lan chật vật hồi sinh vì thiếu nhân viên, giá phòng giảm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với giá phòng cắt giảm về mức thấp hơn so với năm 2019, nhân viên thiếu hụt trầm trọng, sức chi tiêu của khách nước ngoài yếu, các khách sạn Thái Lan đang chật vật phục hồi khi doanh thu vẫn phụ thuộc phần lớn vào khách du lịch trong nước.

Nhân viên chăm sóc khách hàng của các khách sạn chờ đón khách tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Hơn 2/3 khách sạn giảm giá phòng về mức thấp hơn năm 2019

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội khách sạn Thái Lan (THA), dù đã mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 7, tỷ lệ sử dụng việc làm trong lĩnh vực khách sạn ở Thái Lan chỉ ở mức 71% so với trước đại dịch Covid-19. Có đến 68% khách sạn thiếu nhân viên từ lễ tân, dọn phòng, bồi bàn cho đến đầu bếp, nhân viên kỹ thuật.

Marisa Sukosol Nunbhakdi, Chủ tịch THA, cho biết 67% khách sạn ở Thái Lan không tăng lương do doanh thu trong tháng 7 tăng không đáng kể dù số lượng khách nước ngoài trong tháng trước lần đầu tiên đạt 1 triệu trong hơn hai năm.

Cuộc khảo sát của THA, được thực hiện với 118 khách sạn, cũng cho thấy 67% khách sạn có doanh thu bằng 50% hoặc thấp hơn mức trước đại dịch. Phân khúc khách sạn vượt trội so với các doanh nghiệp khác trong ngành, đạt doanh thu hơn 50% so với trước đại dịch, là khách sạn 4 và 5 sao, chiếm gấn 1/3 trong số khách sạn trong cuộc khảo sát.

Trong khi đó, có đến hơn 2/3 số khách sạn cho biết họ phải giảm giá phòng về mức thấp hơn so với năm 2019 vì phải cạnh tranh khốc liệt để giành giật lượng khách còn hạn chế. Tỷ lệ lấp đầy phòng trung bình trong tháng 7 của các khách sạn Thái Lan là 45%, tăng từ 38% trong tháng 6, chủ yếu nhờ giới chức trách bãi bỏ quy định đăng ký thẻ thông hành Thailand Pass đối với du khách nước ngoài trước khi nhập cảnh và gia hạn chương trình trợ cấp giá phòng khách sạn cho khách du lịch trong nước.

Các nhà điều hành khách sạn ở Thái Lan dự báo tỷ lệ lấp đầy phong trung bình trong tháng này sẽ giảm nhẹ xuống còn 42% do tính thời vụ.

Một khó khăn nữa cho ngành khách sạn Thái Lan là mức chi tiêu của khách nước ngoài đối với các dịch vụ của họ vẫn yếu. Bà Nunbhakdi cho biết: “Nhiều khách sạn báo cáo lượng khách nước ngoài tăng lên mức hơn 50% tổng số phòng được đặt, nhưng chi tiêu của họ lại giảm ở tất cả các phân khúc khách sạn”.

Cuộc khảo sát của THA cho thấy các khách sạn 5 sao ghi nhận 41% khách của họ chi tiêu ít hơn mức trước đại dịch, trong khi tỷ lệ này tại các khách sạn 4 sao và 3 sao lần lượt là 58% và 68%.

Bà cho biết các khách sạn không dám tăng giá phòng vì sức chi tiêu của khách và tỷ lệ lấp đầy phòng còn thấp. Bà nói rằng các khách sạn cũng lo lắng về khả năng giới chức trách mức tăng lương tối thiểu thêm 5-9% cho người lao động trong trong tháng 9 tới.

Các khách sạn vừa và nhỏ, nơi dự kiến có 50% tổng số lao động sẽ được tăng lương tối thiểu, sẽ chịu tác động lớn nhất khi thu nhập của họ chưa đủ lớn để trang trải chi phí hoạt động đang tăng cao hơn.

Bà cho biết nhiều khách sạn trong nước buộc phải thuê các chuỗi khách sạn quốc tế quản lý vì họ không thể cạnh tranh với các đối thủ ngoại trong môi trường kinh doanh còn khó khăn hiện nay.

Thiếu nhân sự lành nghề, không thu hút được giới trẻ

Theo Trung tâm Thông tin kinh tế (EIC) của Ngân hàng thương mại Siam, đà phục hồi của ngành khách sạn Thái Lan sẽ tăng tốc trong năm nay nhưng vẫn phụ thuộc vào du khách trong nước. EIC dự báo số lượt khách quốc tế đến Thái Lan trong năm 2022 sẽ đạt khoảng 7,4-10 triệu, vẫn còn thấp hơn nhiều so với con số gần 40 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019.

Thái Lan đã đón 3,3 triệu du khách nước ngoài trong 7 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Du lịch Thái Lan. Bà Nunbhakdi, Chủ tịch THA, lưu ý: “Hầu hết khách đặt phòng khách sạn là người Thái Lan dù khách nước ngoài đang tăng, chủ yếu từ châu Á, Trung Đông và Tây Âu”.

EIC cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với ngành khách sạn Thái Lan, bao gồm chi phí hoạt động cao hơn, thiếu hụt lao động và cạnh tranh gay gắt hơn khi các khách sạn hạng sang giảm giá và số khách sạn mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 tăng lên.

Vấn đề lớn mà các khách sạn Thái Lan cần phải giải quyết là nhanh chóng thu hút nhân sự lành nghề trở lại khi du khách nước ngoài được dự báo sẽ phục hồi mạnh vào cuối năm nay.

Theo Bộ Lao động Thái Lan, hơn 3 triệu việc làm đã bị mất trong lĩnh vực khách sạn và du lịch của nước này kể từ khi Covid-19 bùng phát vào tháng 3 -2020. Vì lương ngành khách sạn thấp, nhiều người trong số họ đã chuyển sang làm việc trong các ngành khác hoặc phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình hoặc bắt đầu kinh doanh riêng.

Suksit Suvunditkul, Phó chủ tịch THA, nói: “Thách thức chính để các khách sạn tồn tại qua năm thứ 3 của đại dịch Covid-19 là doanh thu thấp hơn 30% trước đại dịch và nhiều nhân viên đã bỏ nghề”.

Với mức trả lương khá thấp so với mặt bằng chung và đòi hỏi làm việc nhiều giờ, ngành khách sạn Thái Lan cũng gặp khó khăn trong việc thu hút các ứng viên trẻ tuổi.

Một báo cáo phân tích đơn xin việc qua trang JobThai.com của Liên minh các chủ sở dụng lao động trong lĩnh công nghiệp và thương mại Thái Lan trong tháng này cho thấy giới trẻ Thái Lan chuộng các công việc hành chính hơn là việc làm trong ngành du lịch. Trong số 500.000 ứng viên trẻ tuổi (những người mới tốt nghiệp đại học trong những năm gần đây) nộp đơn xin việc ở JobThai.com, có 29,7% nộp đơn xin công việc hành chính, chỉ có 3,63% quan tâm đến việc làm ngành du lịch, tỷ lệ thấp nhất trong tất cả các ngành.

Theo Bangkok Post, The Nation

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới