Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chiến sản xuất chip đến hồi gay cấn

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đối với ngành sản xuất chip điện tử, Mỹ đang dồn tổng lực để, thứ nhất, lôi kéo việc sản xuất về lại nước Mỹ và, thứ hai, củng cố khái niệm “friendshoring”, tức xây dựng chuỗi cung ứng mới, ở đây là cho ngành sản xuất chip chỉ bao gồm các nước thân cận, ngăn cản sự tham gia của Trung Quốc. Ngược lại Trung Quốc cũng dồn hết sức để tìm cách tự sản xuất chip và cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể.

Mỹ tung ra liên tiếp nhiều đòn

Ở hướng đưa ngành sản xuất về lại Mỹ, Quốc hội nước này vừa thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học trong đó có gói tài trợ đến 52 tỉ đô la cho bất kỳ nhà sản xuất chip nào xây dựng nhà máy hay mở rộng nhà máy hiện có ở Mỹ. Ngoài ra đạo luật này còn dành ra 200 tỉ đô la rót vào nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, robot tự động và máy tính lượng tử. Mỹ từng chiếm 37% sản lượng chip bán dẫn toàn cầu vào năm 1990, nhưng giờ tụt còn 12% vào năm 2020. Trong cùng thời gian đó, Trung Quốc từ chỗ không sản xuất được gì đã vươn lên chiếm 15% thị phần chip thế giới.

Trong chuyến thăm Đài Loan đầy sóng gió của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi có buổi ăn trưa với Morris Chang, nhà sáng lập tập đoàn sản xuất chip Đài Loan TSMC cùng chủ tịch tập đoàn này, Mark Liu. Có lẽ bà Pelosi muốn nhân chuyến đi củng cố thêm mối quan hệ với TSMC hiện đang xây nhà máy sản xuất chip tại Arizona, Mỹ và sẽ là tập đoàn nhận các khoản tài trợ đầu tiên khi Đạo luật CHIPS và Khoa học được ký ban hành. TSMC hiện chiếm đến 90% sản lượng chip cao cấp toàn cầu.

Hiện cả ba nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới là Samsung, TSCM và Intel đều đang khởi động xây các nhà máy chip ở Mỹ, mỗi dự án trị giá từ 12-20 tỉ đô la.

Cũng có những ý kiến bên trong nước Mỹ phê phán Đạo luật CHIPS và Khoa học vì nó chỉ chú trọng đến các chip thế hệ mới, và như thế sẽ mở rộng cửa cho Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường chip thế hệ cũ như các loại chip lắp trên xe hơi, chip điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác. Dù sao thị trường Trung Quốc hiện đang chiếm đến 50% lượng chip tiêu thụ của thế giới nên các nhà sản xuất không dễ gì bỏ qua thị trường này. Thậm chí trước đây, theo Bloomberg, Intel còn có ý định mở rộng sản xuất chip ở Trung Quốc bằng cách sử dụng một nhà máy bỏ hoang ở Thành Đô. Intel đã bỏ ý định này nhưng các hãng khác ắt sẽ mở rộng sản xuất các loại chip thông dụng ở Trung Quốc vì cả thế giới vẫn đang còn thiếu chip, gây ngưng trệ sản xuất khắp các ngành.

Một điều có thể đoán trước: từ nay nếu thế giới thiếu chip, lý do không hẳn là tắc nghẽn chuỗi cung ứng mà lý do có thể là từ các yếu tố chính trị, phi thương mại.

Ở hướng thứ nhì, ngoài việc xây dựng liên minh sản xuất chip gồm Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan công bố hồi tháng 3-2022, Mỹ đưa ra nhiều chính sách nhằm ngăn các hãng sản xuất chip lớn trên thế giới đầu tư hay mở rộng sản xuất ở Trung Quốc. Đạo luật CHIPS và Khoa học đặt ra yêu cầu hãng chip nào muốn nhận tiền tài trợ nói trên của Mỹ thì không được đầu tư công nghệ cao vào Trung Quốc và “các nước quan ngại” trong ít nhất 10 năm. Họ chỉ được phép sản xuất loại chip thế hệ cũ, chỉ nhằm tiêu thụ tại thị trường trong nước. Vì các quy định này chưa rõ ràng, có thể diễn giải bằng nhiều cách khác nhau, Bộ Thương mại Mỹ được giao quyền quyết định xem xét các dự án đầu tư của các công ty liên quan tại Trung Quốc để xem chúng có vi phạm quy định của đạo luật để cắt tài trợ cũng như quyền đặt ra các tiêu chí mới.

Song song hai chính sách khuyến khích và cấm đoán nói trên, theo tin của Reuters, Mỹ còn dự tính cấm xuất khẩu các thiết bị dùng trong sản xuất chip từ Mỹ sang các hãng sản xuất chip ở Trung Quốc. Mặc dù ý định này là nhắm đến công ty sản xuất chip YMTC của Trung Quốc, nó cũng sẽ ảnh hưởng mạnh lên hai hãng sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc có cơ sở sản xuất tại đây là Samsung Electrics và SK Hynix. Samsung có hai nhà máy lớn ở Trung Quốc còn Hynix đang mua lại nhà máy sản xuất bộ nhớ NAND flash của hãng Intel.

Bộ nhớ NAND flash dùng để lưu trữ dữ liệu trên máy tính xách tay, điện thoại di động hay trên máy chủ của các trung tâm dữ liệu; lệnh cấm, cũng theo Reuters là nhắm đến thiết bị dùng để sản xuất chip NAND có hơn 128 lớp. YMTC mặc dù mới được thành lập từ năm 2016 nhưng đã nhanh chóng vươn lên trong lĩnh vực sản xuất chip NAND, hiện chiếm 5% thị phần trong khi hai công ty Mỹ là Western Digital và Micron chiếm lần lược 13% và 11%. Vấn đề là mới năm ngoái thị phần của YMTC chỉ bằng một nửa năm nay và được dự báo sẽ đạt mốc 13% vào năm 2027. Còn tính chung thì sản xuất chip NAND ở Trung Quốc tăng mạnh, chiếm 23% thị phần thế giới so với 14% năm 2019 trong khi thị phần của Mỹ giảm từ 2,3% xuống còn 1,6% trong cùng thời gian.

Đứng trước các động thái này, các hãng sản xuất chip phải tính toán lại chiến lược đầu tư. Theo tờ Financial Times, hãng Samsung đang cân nhắc lại quy mô đầu tư sản xuất chip ở Trung Quốc. Trích lời các nguồn tin từ cả hãng Samsung lẫn hãng SK Hynix, tờ này cho biết sẽ có một số dự án ở Trung Quốc bị hủy bỏ. Nói với Financial Times, ông Kim Young-woo, trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng SK Securities và là nhà tư vấn cho Chính phủ Hàn Quốc về chính sách chất bán dẫn, cho rằng các hãng sản xuất chip Hàn Quốc “đang suy tính lại chiến lược của họ vì cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc và nay họ nghiêng về Mỹ hơn do các rủi ro địa chính trị”.

Trung Quốc đỡ đòn bằng nội lực

Trước mắt xem ra Trung Quốc sẽ không làm gì để trả đũa các chính sách hạn chế và cấm đoán của Mỹ, vì họ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài như TSCM hay Samsung để sản xuất đủ chip cho các ngành ô tô, điện thoại di động và nhiều sản phẩm khác. Tuy nhiên họ không ngồi yên. Các hãng sản xuất chip của Trung Quốc, với sự hỗ trợ rất lớn của chính phủ nước này, đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc.

Chẳng hạn khi vừa có tin Mỹ có khả năng cấm xuất khẩu thiết bị máy móc dùng trong sản xuất chip NAND 128 lớp trở lên thì hãng YMTC của Trung Quốc tuyên bố đã sản xuất thành công chip nhớ 232 lớp, một thành tựu gây ngạc nhiên cho giới công nghệ. Hãng này vừa trình làng con chip NAND 3D, được đặt tên X3-9070, lần đầu tiên đạt mức 232 lớp bán dẫn, giúp YMTC đuổi kịp các hãng Micron của Mỹ và SK Hynix của Hàn Quốc. Micron cũng vừa tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất đại trà chip 232 lớp vào cuối năm nay còn hãng SK Hynix cho biết đã làm được loại chip nhớ 238 lớp, một chuẩn mực mới của ngành. Mặc dù từ tuyên bố đến sản xuất đại trà còn cần mất nhiều thời gian, đây vẫn là một bước đột phá đối với YMTC của Trung Quốc.

Một hãng chip Trung Quốc khác - SMIC được cho là đã sản xuất thành công chip 7 nanomet, một bước tiến đáng kinh ngạc khác bởi vì mới năm 2020 các hãng chip của nước này vẫn đang cố gắng vượt qua mốc 40 nanomet. Thông tin này do hãng TechInsights đưa ra sau khi mổ xẻ con chip mới nhất của SMIC. Tờ South China Morning Post cho biết SMIC không phủ nhận cũng không xác nhận họ đã sản xuất được loại chip này. Các chuyên gia trong ngành bán dẫn cho rằng con chip này được sử dụng trong các máy đào tiền mã hóa có thể dựa vào công nghệ của hãng TSMC và không biết SMIC đã thủ đắc bằng con đường nào.

Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực tự sản xuất chip bán dẫn từ năm 2015 trong kế hoạch chung “Made in China 2025”. Nước này đã đổ ra cả trăm tỉ đô la đầu tư vào ngành sản xuất chip đồng thời buộc các công ty nước ngoài hoạt động tại đây chuyển giao công nghệ. Đến nay người ta ước tính Trung Quốc đã sản xuất được 37% lượng chip nước này tiêu thụ.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đều ấp ủ các dự án làm chip để tránh phụ thuộc vào công nghệ Mỹ như Xiaomi làm chip cho camera điện thoại di động; Oppo làm chip quản lý công nghệ sạc nhanh; Baidu có hai dự án làm chip riêng lẻ, một con dùng trong xe hơi thông minh tự lái, một con dùng cho công nghệ nhận diện giọng nói; Alibaba làm chip trí tuệ nhân tạo... Hai tập đoàn Tencent và ByteDance dù chậm hơn cũng có những dự án liên quan đến chip - Tencent thì đầu tư vào một startup sản xuất chip là Enflame còn ByteDance chuẩn bị làm chip cho máy chủ.

Thuận lợi lớn nhất của Trung Quốc là sở hữu một thị trường tiêu thụ chip rộng lớn nhất thế giới; chừng nào nước này còn là công xưởng sản xuất đủ loại hàng hóa cho thế giới thì chừng đó các nhà sản xuất chip không thể bỏ qua thị trường này. Ngay cả các hãng lớn của Mỹ như Apple sản xuất điện thoại iPhone cũng cần mua chip và trong thực tế đã cân nhắc đặt mua chip của YMTC.

Chính vì thế điều khoản cấm các công ty đầu tư hay mở rộng sản xuất chip cao cấp ở Trung Quốc trong vòng 10 năm bị nhiều tập đoàn phản đối vì họ cho rằng làm như thế là đẩy họ vào thế kém cạnh tranh trên thị trường thế giới, gián tiếp giúp các hãng chip Trung Quốc vươn lên chiếm lĩnh thị trường.

Một điều có thể đoán trước: từ nay nếu thế giới thiếu chip, lý do không hẳn là tắc nghẽn chuỗi cung ứng mà lý do có thể là từ các yếu tố chính trị, phi thương mại.

2 BÌNH LUẬN

  1. CHIP đơn giản chỉ là sản phẩm hàng hóa dịch vụ mà thôi. Mặc dù là sản phẩm cao cấp, nhưng cũng bị chi phối bởi quy luật thị trường. Thị trường sẽ là nhân tố cuối cùng quyết định ai là người chiến thắng trong cuộc chơi này. Không có doanh nghiệp nào dại gì đầu tư mà không tính toán chiến lược thu hồi vốn và có lợi nhuận rõ ràng. Cũng vậy, không có nhà sáng chế nào cứ ôm khư khư, cất giấu phát minh của mình mà không tìm cách tung ra sản phẩm để thống trị thị trường. Một khi cuộc chiến thương trường càng căng thẳng, năng lực sáng tạo của con người càng bộc lộ nhiều hơn. Khi đó chỉ có lợi cho cuộc chơi chung chứ không có hại gì lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới