Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

VSSA muốn áp thuế trở về trước đối với đường Thái lẩn tránh sang 5 nước ASEAN

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kết luận của Bộ Công Thương xác định nguyên liệu đường từ Thái Lan đã được doanh nghiệp một số nước ASEAN sử dụng để sản xuất và xuất khẩu sang Việt Nam. Đây thực chất là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đường Thái Lan được Việt Nam áp dụng trước. Vì vậy, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cần phải áp thuế trở về trước đối với hành vi lẩn tránh này.

Thu hoạch mía tại Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh

Bộ Công Thương hôm 1-8 đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar (5 nước ASEAN).

Theo đó, kết luận điều tra xác định, việc sử dụng nguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm đường mía sang Việt Nam của 5 quốc gia nêu trên là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm đường mía của Thái Lan.

Đồng thời, các chỉ số kinh tế cũng cho thấy hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm do tác động của đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nói trên.

Chính vì vậy, từ ngày 1-8, đường nhập từ 5 quốc gia nêu trên (có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan) bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Việt Nam đã áp dụng trước đó với đường Thái Lan (ngày 16-6-2021) với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.

Theo quy định tại khoản 4 điều 81 và khoản 4 điều 89 Luật Quản lý ngoại thương, trong trường hợp kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), về bản chất, việc đường Thái Lan lẩn tránh thuế sang 5 nước nêu trên là hành vi gian lận thương mại, cho nên hành vi đó cần phải chịu trách nhiệm, tức cần phải áp thuế trở về trước đối với số lượng đường đã nhập vào Việt Nam trong giai đoạn điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế.

Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh áp biện pháp áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan vào ngày 21-9-2021 và kết luận xác định có lẩn tránh được ban hành vào ngày 1-8-2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới