Công nghiệp năng lượng: Nhu cầu cải tổ
Phúc Minh
![]() |
Nội chiến ở Libya gây bất ổn trên thị trường năng lượng toàn cầu. Ảnh: FOXBUSINESS.COM |
(TBKTSG) Tháng 4-2011 này thế giới sẽ kỷ niệm 25 năm ngày xảy ra “tai nạn Chernobyl”, thảm họa rò rỉ hạt nhân lớn nhất thế giới, giữa lúc sự cố hạt nhân tại Nhật Bản vẫn diễn biến khó lường và càng lúc càng nghiêm trọng. Các thảm họa này đã làm gián đoạn việc phát triển các lò phản ứng mới, và buộc ngành năng lượng phải cải tổ.
Các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản và tai nạn Chernobyl tuy không cùng cấp độ nhưng đều tác động sâu rộng đến tình hình năng lượng hạt nhân toàn cầu. Ngoài ra, bất ổn ở Trung Đông, đặc biệt là tình hình tại Libya, ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất và kinh doanh dầu mỏ, từ đó tác động đến ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu.
Với những sự cố đang xảy ra, Chính phủ các nước bắt đầu đánh giá lại sự an toàn của các lò phản ứng và điều đó sẽ khiến tiến độ hồi sinh ngành năng lượng hạt nhân bị đình trệ, dù chỉ là tạm thời. Sẽ có thêm nhiều dự án bị chậm trễ, chi phí thực hiện cũng tăng mạnh.
Các hình thức phát điện khác như năng lượng tái tạo và khí tự nhiên cũng có thể bị ảnh hưởng. Do các lò phản ứng mới bị trì hoãn khiến nguồn cung điện bị thiếu, người ta cần năng lượng tái tạo và khí tự nhiên để bổ sung.
Tác động ngắn hạn đã rõ ràng trên thị trường năng lượng. Do sự suy giảm năng lượng hạt nhân, Nhật Bản buộc phải tăng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đẩy giá dầu và khí đốt tăng cao. Cả khí tự nhiên và than đá sử dụng để phát điện cũng tăng giá đáng kể.
Một số quốc gia có trữ lượng dầu khí dồi dào và các công ty năng lượng không bỏ lỡ cơ hội này. Công ty dầu khí lớn thứ hai châu Âu Royal Dutch Shell (Hà Lan) tuần trước công bố đang đàm phán để tăng cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho Nhật Bản.
Các nước giàu khí tự nhiên, chẳng hạn như Qatar, sẽ trở thành bên hưởng lợi chính khi nhu cầu về khí tự nhiên tăng lên. Shell đang xây dựng một số dự án khí tự nhiên hóa lỏng khổng lồ tại Qatar. Một nhà phân tích trong ngành công nghiệp dầu khí cho biết về lâu dài, nếu các dự án hạt nhân bị chậm trễ nghiêm trọng, Úc có thể là nước hưởng lợi do nước này đang xây dựng một số dự án khí tự nhiên hóa lỏng quy mô lớn. Tháng 10-2010, tập đoàn BG công bố kế hoạch xây dựng dự án khí tự nhiên hóa lỏng trị giá 15 tỉ đô la Mỹ tại bang Queensland (Úc).
Với các tập đoàn dầu khí đa quốc gia, tất cả những điều trên đều là tin tốt lành. Được hưởng lợi từ giá dầu cao hiện nay, nhiều tập đoàn dầu khí đa quốc gia đang tăng vốn trên bảng cân đối tài chính. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ các tập đoàn phải tiếp cận được nguồn dự trữ mới.
Những tháng gần đây, các tập đoàn dầu khí khổng lồ đều công bố kế hoạch tăng ngân sách thăm dò. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để gia tăng nguồn dự trữ, năm nay các tập đoàn sẽ đẩy mạnh các giao dịch sáp nhập và mua lại (M&A). Từ đầu năm nay, tập đoàn BP chẳng hạn, đã liên tiếp đạt được hai thỏa thuận hợp tác chiến lược; cả hai giao dịch dự kiến sẽ mang lại cho BP nguồn dự trữ lớn.
Một trong những giao dịch là thỏa thuận chuyển đổi cổ phần với công ty dầu khổng lồ Rosneft (Nga) trị giá 16 tỉ đô la Mỹ. Hai công ty sẽ hợp tác thăm dò trữ lượng dầu khí dồi dào tại vùng biển Bắc Cực. Một giao dịch khác là thỏa thuận trị giá 7,2 tỉ đô la Mỹ giữa BP và Công ty Reliance Industries (Ấn Độ) để kiểm soát 30% lợi ích tại các khu vực có khí tự nhiên của Reliance Industries.
Hai giao dịch trên cho thấy tỷ lệ nguồn dự trữ dầu của công ty dầu khí đa quốc gia và của công ty dầu khí nhà nước đang thay đổi. Trước đây, hầu hết các mỏ dầu khí khổng lồ đều nằm trong tay các công ty nhà nước và gần như các công ty dầu đa quốc gia đều phải hợp tác với công ty dầu thuộc sở hữu nhà nước dưới hình thức nào đó. Tuy nhiên, BP hiện là công ty duy nhất đạt được các giao dịch chuyển đổi cổ phần quy mô lớn.
Công ty tư vấn năng lượng Lambert cung cấp lời khuyên cho BP trong thỏa thuận hoán đổi cổ phần giữa BP và Rosneft được công bố vào tháng 1-2011 nói với Financial Times: “Phương thức hợp tác sẽ mở đường cho tiến bộ trong tương lai. Hiện nay, các công ty dầu khí nhà nước muốn có được kỹ thuật của các công ty đa quốc gia, trong khi các công ty đa quốc gia lại thèm muốn trữ lượng dầu của các công ty nhà nước. Nhưng bản thân sự hợp tác này không đủ để đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia có được nguồn dự trữ lớn mà hai bên cần phải thiết lập mối quan hệ thích hợp hơn”.
Nhiều công ty dầu nhà nước cũng đang mạnh lên, đặc biệt là các công ty dầu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Những tháng gần đây, một số công ty dầu khí Trung Quốc bao gồm PetroChina đã công bố thông tin mua lại các công ty ở nước ngoài, bao gồm một số lượng giao dịch nhằm vào khí đá phiến sét.
Nhà phân tích cao cấp Robert Plummer của Công ty Tư vấn dầu khí Wood Mackenzie cho biết: “Năm ngoái, giao dịch mua lại trong ngành dầu khí có 20% đến từ các công ty dầu nhà nước, trong khi 10 năm trước, các công ty nhà nước không thể tham gia vào các vụ sáp nhập và mua lại trên thị trường. Hiện nay, một số công ty dầu nhà nước đầu tư còn lớn hơn các công ty dầu đa quốc gia”.
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng hai bên (công ty đa quốc gia và công ty dầu nhà nước) cần nhau nhưng không ai loại trừ các công ty dầu nhà nước có thể vượt lên.
Ngoài ra, ngành công nghiệp năng lượng còn có các rủi ro khác. Trung Đông bất ổn, đặc biệt là tình hình tại Ai Cập và Libya, khiến các công ty dầu đối mặt với rủi ro chính trị nghiêm trọng. Với sự bùng nổ các cuộc khủng hoảng gần đây, tất cả kế hoạch thăm dò dầu khí ngoài khơi vùng biển Libya của BP đã bị trì hoãn; Shell cũng phải tạm ngưng hoạt động thăm dò dầu khí tại Libya.
Giám đốc điều hành của Shell, ông Peter Voser, tuần trước cho biết hãy còn quá sớm để xác định ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và Nhật Bản; nhưng ông thừa nhận những sự kiện gần đây rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. “Chúng ta đang sống trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau cao độ” - ông nói.
(Theo FTchinese)