(KTSG Online) – Cây ăn trái mang về cho Việt Nam khoảng 3 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trong năm ngoái. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hoá vào ngành này vẫn còn hạn chế, thậm chí 100% phải sử dụng lao động thủ công như ở khâu thu hoạch.
Báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội thảo “Cơ giới hoá trong sản xuất cây ăn trái” diễn ra ở tỉnh Tiền Giang vào hôm nay, 22-8, cho thấy cả nước hiện có 1,18 triệu héc ta cây ăn trái. Trong đó, một số loại cây có sản lượng cao như xoài 940.000 tấn, thanh long gần 1,4 triệu tấn, bưởi 992.000 tấn, vải 374.000 tấn, sầu riêng 664.000 tấn, khóm 733.000 tấn.
Năm 2021, xuất khẩu trái cây đã mang về cho Việt Nam khoảng 3 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hoá trong ngành cây ăn trái của Việt Nam được đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí có khâu phải sử dụng lao động thủ công 100%.
Ông Vũ Văn Tiến, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết cơ giới hoá trong ngành trái cây hiện tập trung vào 5 khâu chính, bao gồm chuẩn bị đất trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và chế biến, bảo quản.
Theo đó, đối với khâu chuẩn bị đất trồng (lên liếp, trồng) thì mức độ cơ giới hoá đạt trên 90%, chủ yếu là các loại máy, thiết bị san ủi, máy xúc, máy đào, khoan lỗ để lên liếp, trồng cây.
Đối với khâu chăm sóc (tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, xới đất, làm cỏ) thì mức độ cơ giới hoá đạt bình quân khoảng 70-80%, với thiết bị được sử dụng bao gồm hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt, các loại máy phun áp lực cao kết hợp với thùng chứa dung dịch cố định…
Còn ở khâu thu hoạch, theo ông Tiến, việc thu hoạch trái cây có tính đặc thù cao, cho nên chủ yếu thực hiện thủ công bằng kéo cắt cầm tay, kéo dài (áp dụng cho xoài, cây có múi). “Đây là khâu thực tế đòi hỏi cần cơ giới hóa bằng các thiết bị phụ trợ (xe nâng người) có khả năng di chuyển linh loạt trong các vườn cây ăn trái”, ông Tiến cho biết và nói rằng loại thiết bị này vừa phục vụ cơ giới hóa khâu thu hoạch, vừa phục vụ cơ giới hóa khâu bọc bảo vệ trái cây.
Trong khi đó, với khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch, ông Tiến cho biết, hiện công suất của các cơ sở, nhà máy sơ chế, chế biến chỉ đạt khoảng 30% thiết kế toàn ngành. Còn năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng hiện nay đạt khoảng 20%.
Ông Nguyễn Đức Long, Phó viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cũng cho rằng các thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch cây ăn trái tại Việt Nam hiện chỉ mới tập trung ở khâu làm đất, chăm sóc (tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật).
Theo ông Long, khâu thu hoạch hiện 100% phải sử dụng lao động phổ thông. “Cơ giới hoá trong sản xuất, thu hoạch cây ăn trái ở Việt Nam chỉ mới thực hiện ở từng khâu riêng lẻ, chưa có sự đồng bộ và chủ yếu tập trung ở khâu làm đất, chăm sóc; còn lại các khâu khác chủ yếu thực hiện bằng lao động thủ công”, ông nói.
Về nguyên nhân khiến việc áp dụng cơ giới hoá còn hạn chế, ông Long cho rằng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính nhưng khả năng đầu tư cho cơ giới hóa còn hạn chế chính là những "rào cản".
Trong khi đó, máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu sản xuất, làm việc hiệu quả và phù hợp với thực tế sản xuất ở Việt Nam lại chưa có nhiều chủng loại. “Thế nhưng, việc đầu tư cho nghiên cứu, nhất là ở lĩnh vực cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp thời gian qua còn khiêm tốn”, ông Long giải thích.
Từ thực trạng nêu trên, để nâng cao khả năng ứng dụng cơ giới hoá vào ngành cây ăn trái, ông Long gợi ý, cần xác định tiềm năng, lợi thế của từng vùng để lựa chọn loại máy móc, thiết bị nông nghiệp phù hợp với từng loại cây.
Ngoài ra, theo ông, cần đẩy mạnh thực hiện “dồn điền, đổi thửa” để xây dựng cánh đồng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa. “Cùng với đó, phải đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông nghiệp, nông thôn”, ông cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng đề xuất cần tập trung nguồn lực thực hiện tổ chức lại sản xuất, tập trung tháo gỡ các rào cản để tạo điều kiện tăng nhanh quy mô.
Theo ông Bình, bên cạnh nghiên cứu ứng dụng các thiết bị đặc thù phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và logistics cho các loại nông sản có thế mạnh của Việt Nam, thì cần ưu tiên nghiên cứu ứng dụng công nghệ tin học phục vụ trực tiếp cho “nông nghiệp 4.0”, bao gồm phần mềm điều khiển thông minh các khâu kết nối, quản lý, quản trị sản xuất và các thiết bị đầu cuối, cơ sở dữ liệu đầu vào, đầu ra...
Mặt khác, ông Bình cũng gợi ý, cần xây dựng nguồn nhân lực cho nông nghiệp hiện đại, bao gồm cả người sản xuất, sử dụng máy móc, quản lý…