Liều thuốc tốt, nhưng còn nhiều tác dụng phụ
Tấn Đức
Công nhân ở Nhà máy Khí Dinh Cố (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) thuộc PVN. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ví Nghị quyết 233 về phát huy nội lực của Đảng ủy PVN là liều thuốc kích thích phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí. Sau hai năm thực hiện, liều thuốc này đã cho kết quả tích cực, nhưng nó cũng phát sinh không ít tác dụng phụ mà nếu không được chữa trị kịp thời, thì sẽ bị phản tác dụng.
Những kết quả tích cực
PVN đã khá thẳng thắn khi ghi nhận đầy đủ cả những yếu tố tích cực và tiêu cực trong báo cáo tổng kết hai năm thực hiện chủ trương phát huy nội lực nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí của tập đoàn. Dù mới trải qua hai năm, nhưng tác dụng tích cực của chủ trương này là rất đáng kể. Thành quả không chỉ ở tốc độ tăng doanh thu, mà quan trọng hơn là nó đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp thành viên nâng cao năng lực và trình độ công nghệ, vốn là nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành dầu khí.
Dù vậy, hai năm qua cũng là quá đủ để những mặt trái của quyết định trên bộc lộ. Đó là sự ỷ lại, không quan tâm đến việc tự cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh; tạo ra thêm tầng nấc trung gian, làm tăng giá thành đối với một số loại hình dịch vụ...
Trong hai năm qua, doanh thu dịch vụ của PVN đã tăng mạnh, từ 61.000 tỉ đồng lên hơn 152.000 tỉ đồng. Trong đó, một nửa là doanh thu từ dịch vụ cung cấp cho các khách hàng ngoài PVN. Đáng kể hơn là thành quả phát triển trên đã làm cho mức độ lệ thuộc của ngành dầu khí Việt Nam vào các nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành của nước ngoài giảm mạnh.
Năm 2008, thị trường dịch vụ dầu khí Việt Nam có giá trị 222.000 tỉ đồng, trong đó nước ngoài chi phối đến 77% thị phần, tương đương gần 178.000 tỉ đồng (khoảng 9,5 tỉ đô la Mỹ), nhưng đến năm 2010 tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Thị phần của công ty nước ngoài chỉ còn lại 32,8%, tương đương với giá trị 2,86 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, sự phát triển của dịch vụ dầu khí trong nước đã giúp giảm nhu cầu sử dụng ngoại tệ của ngành trong hai năm 2009-2010 đến gần 8,9 tỉ đô la Mỹ. Kết quả này có ý nghĩa không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhưng thành quả đáng chú ý hơn chính là ở nền tảng phát triển lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí mà chủ trương này mang lại.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC), nói: “Chủ trương ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho PTSC đầu tư phát triển nguồn lực cơ sở vật chất, tăng cường tuyển dụng, đào tạo nhằm nâng cao năng lực dịch vụ và thỏa mãn tối đa nhu cầu của các nhà thầu dầu khí”. Hai năm qua, các thành viên của PVN đã đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ để nâng cấp và mở rộng năng lực, gồm căn cứ cảng dịch vụ sản xuất, các xưởng cơ khí, giàn khoan, kho nổi, tàu dịch vụ chuyên dùng...
Nhờ đó, có thể tiếp cận được những dịch vụ đòi hỏi chuyên môn sâu hơn và các dịch vụ mới mà từ trước đến nay vẫn phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Cũng thông qua chủ trương này, PVN đã tiến hành sắp xếp lại để giải quyết việc chồng chéo, dẫm chân nhau giữa các công ty trực thuộc, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp cho các đơn vị.
Và những hệ lụy
Tuy nhiên, chính sách ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành của PVN cũng dẫn đến một số hệ lụy đáng lo ngại. Trong báo cáo tổng kết, PVN thẳng thắn thừa nhận, một số đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành đã ỷ lại, dựa nhiều vào việc phát huy nội lực nên ít quan tâm đến việc nâng cao năng lực để mở rộng thị trường ra bên ngoài; xuất hiện hiện tượng đơn vị được tập đoàn và một số công ty trong ngành giao thực hiện dịch vụ, nhưng không làm hết mà chuyển một phần cho bên ngoài.
Đáng lo hơn là chủ trương này của PVN đã bị lạm dụng, khi một số loại dịch vụ được các đơn vị trong tập đoàn cung cấp, nhưng thực chất chỉ là với vai trò trung gian, môi giới với phí dịch vụ cao. Phát biểu tại lễ tổng kết hôm 2-4, hầu hết những công ty sử dụng dịch vụ trực thuộc PVN đều than phiền ít nhiều về tình trạng giá dịch vụ trong nội bộ cao hơn bên ngoài.
Ông Ngô Hữu Hải, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Long - Hoàn Vũ, cho rằng một số dịch vụ chỉ được cung cấp thông qua công ty trong ngành như một “đại lý”. Các công ty này đứng ra với tư cách nhà thầu chính để ký hợp đồng và nhận phần trăm nào đó, còn thực chất thì phần lớn công việc do nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện. Việc này bất lợi cho người sử dụng dịch vụ và với nhà cung cấp cũng chưa chắc là tốt. Người sử dụng phải mua dịch vụ với giá cao, còn các nhà cung cấp thì nảy sinh sự ỷ lại. Ông cho rằng: “Việc chỉ định hoặc tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ có tính độc quyền, về lâu dài, sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh, tính minh bạch trong thị trường nội địa mà cụ thể hơn là chính trong nội bộ ngành dầu khí”.
Bên cạnh đó, do đột nhiên có được những hợp đồng lớn, trong khi năng lực lại không phát triển theo kịp, dẫn đến một số trường hợp bị chậm trễ và đáng lo hơn là một số công ty còn từ chối đi làm dịch vụ ở nước ngoài để tập trung làm ở trong nước.
Ngoài ra, một số hợp đồng lớn, tuy danh nghĩa công ty thuộc PVN cung cấp 100%, nhưng do hạn chế về năng lực, kỹ thuật và nhiều yếu tố khác, nên đơn vị được giao trong thực tế chỉ làm một phần nhỏ, còn tỷ lệ lớn vẫn do bên ngoài cung cấp. Thực tế này cho thấy, số liệu về doanh thu dịch vụ PVN đạt được trong hai năm qua chưa hẳn đã là của PVN hết, mà trong đó vẫn còn một tỷ lệ doanh thu nhất định của nhà cung cấp nước ngoài nhưng núp dưới danh nghĩa một đơn vị thành viên của PVN.
Sau khi nghe đại diện các công ty thành viên trình bày ý kiến của mình, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch PVN, yêu cầu các đơn vị lưu ý, nghị quyết của tập đoàn, hoàn toàn không phải phương tiện để tạo ra độc quyền cung cấp, sử dụng dịch vụ trong ngành. PVN sẽ thay đổi chủ trương này theo hướng ưu tiên sử dụng dịch vụ trong nước cho hoạt động dầu khí. “Mọi doanh nghiệp dịch vụ trong nước đều được hưởng lợi từ Nghị quyết 233, chứ không phải chỉ có các doanh nghiệp trong ngành dầu khí”, ông Thăng nói.
Ông nhấn mạnh: “Không thể coi Nghị quyết 233 như tấm vải đỏ để che đậy yếu kém của mình, sử dụng để độc quyền rồi nâng giá, ỷ lại”. Tình trạng một số đơn vị miễn cưỡng chấp nhận dịch vụ trong ngành theo kiểu ban ơn, còn người cung cấp sau khi được giao hợp đồng lại chào thầu để bán ra ngoài, theo ông Thăng là điều không thể chấp nhận được. Ông cũng phê phán gay gắt một số công ty nhờ chủ trương phát huy nội lực, được giao nhiều hợp đồng dịch vụ trong ngành, đã không chịu đi thực hiện dịch vụ ở nước ngoài, trong khi mục tiêu chính của PVN trong chủ trương ưu tiên này là tạo điều kiện nâng cao năng lực, nhằm phát triển thị trường dịch vụ ở nước ngoài.