(KTSG Online) - Khoản tín dụng hoàn thuế đến 7.500 đô la dành cho xe điện được sản xuất tại Bắc Mỹ đang có nguy cơ thổi bùng chiến tranh thương mại toàn cầu. Bởi các hãng xe châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác – vốn đang bán hàng triệu chiếc xe tại nền kinh tế lớn nhất thế giới - có thể kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Các chuyên gia phân tích nói rằng sắc lệnh mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ đã không lường trước tính phức tạp của toàn cầu hóa. Nhưng quan trọng là hiện giờ giới khoa bảng, doanh nghiệp và một số nhà lãnh đạo Mỹ vẫn xem WTO là một tổ chức thiếu hiệu quả và bất lực trước các vi phạm của Trung Quốc.
Phân biệt đối xử, vi phạm quy định WTO
Đầu tháng 8 này, Đảng Dân chủ đưa khoản hoàn thuế trên vào luật chăm sóc sức khỏe và khí hậu mở rộng nhằm khuyến khích sản xuất pin và xe điện trong nước.
Adam Hodge, người phát ngôn của Đại diện thương mại Mỹ (USTR), nói rằng mục đích của khoản hoàn thuế này là nhằm thúc đẩy “lĩnh vực sản xuất xe điện, cơ sở hạ tầng và đổi mới sáng tạo và giúp đỡ nước Mỹ đáp ứng các mục tiêu năng lượng sạch, giảm chi phí và tạo việc làm, và đồng thời giảm phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu quan trọng”.
Cách chính quyền Tổng thống Biden xử lý cáo buộc của các nước và các hãng xe điện nước ngoài sẽ chứng minh liệu lập trường thương mại quốc tế của ông Biden có tương tự như cách tiếp cận đơn độc, một chiều của chính quyền các cựu tổng thổng từ thời ông Donald Trump trở về trước hay không. Lập trường trước đây đã khiến quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO gặp trở ngại.
Luật sửa đổi bao gồm khoản tín dụng thuế lên đến 7.500 đô la nhằm bù đắp chi phí mua xe điện cho khách hàng tại Mỹ. Nhưng để đủ điều kiện nhận 100% khoản tín dụng, chiếc xe điện phải chứa pin được sản xuất ở Bắc Mỹ với 40% kim loại được khai thác hoặc tái chế trên lục địa này. Những quy tắc này trở nên nghiêm ngặt hơn theo thời gian, đến mức chỉ có một số nhà sản xuất Mỹ có thể sản xuất những chiếc xe đáp ứng các điều kiện như vậy – theo hãng tin AP.
Các hãng xe ở Canada và Mexico nói rằng họ gặp bất lợi trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quá cao dù rằng nằm trong khối thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico. Ngay cả các hãng xe Mỹ cũng nói rằng “khó đạt đủ điều kiện” dù rằng họ đang cố gắng đáp ứng để nhận trợ cấp.
"Chúng tôi đang nỗ lực địa phương hóa chuỗi cung ứng và tăng cường sản xuất tại Mỹ”, Chris Smith, Giám đốc phụ trách quan hệ chính phủ của Ford phát biểu. Hãng cũng xây dựng khuôn khổ để giải quyết các vấn đề phân tầng của thương mại quốc tế.
Miriam Garcia Ferrer - người phát ngôn của Ủy ban châu Âu – đã gọi khoản tín dụng này là “hành vi phân biệt đối xử” và “có thể rào cản mới và tiềm năng trong quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Hildegard Mueller, người đứng đầu nhóm vận động hành lang ngành xe hơi VDA của Đức đại diện cho các hãng lớn như Volkswagen và các hãng nhỏ hơn, cũng chỉ trích các biện pháp này và yêu cầu EU can thiệp.
“Chúng tôi phản đối việc trợ cấp gắn liền với việc tạo ra giá trị địa phương và do đó gây bất lợi cho các sản phẩm từ các nước thứ ba. EU cần nỗ lực chống lại chính sách hỗ trợ bất công như vậy”, Mueller nói với hãng tin AP.
Với 164 quốc gia thành viên, WTO hoạt động như một tòa án cấp cao về các vấn đề thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, khả năng khiếu kiện lên WTO đã làm lộ ra khoảng trống mà chính quyền các đời tổng thống trước đây của nước Mỹ tạo ra. Hội đồng giải quyết khiếu nại của WTO thường có bảy thẩm phán, nhưng nước Mỹ dưới thời các tổng thống George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump đã chặn các cuộc bổ nhiệm mới nhằm phản đối cách thức WTO vận hành.
Daniel Pruzin, người phát ngôn WTO, nói rằng tổ chức này có chính sách “không bình luận về các vấn đề đang hoặc có thể là đối tượng của thủ tục tranh chấp tại WTO”. Ông cũng nói thêm rằng WTO vẫn chưa nhận được thông tin từ bất kỳ thành viên nào có ý định khởi xướng thủ tục tranh chấp chống lại khoản tín dụng thuế xe điện của Mỹ.
WorldTradeLaw.net là trang cung cấp tóm tắt và phân tích tất cả các báo cáo và trọng tài của WTO. Chủ tịch điều hành Simon Lester của WorldTradeLaw.net cho rằng: “Đã có nhiều phản ứng mạnh mẽ rằng trợ cấp của Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO. Phía Mỹ có thể đưa ra nhiều lý lẽ để biện hộ cho mình, nhưng những lý lẽ biện hộ đó hơi yếu”.
Tranh chấp thương mại có thể rơi vào ngõ cụt
Các đời tổng thống Mỹ trước đây đã hoài nghi về cơ chế hoạt động và khả năng giải quyết tranh chấp của WTO. Nhưng các quan chức thời ông Biden đang cố gắng mở rộng các mối quan hệ thương mại ở nước ngoài.
Một thước đo để đánh giá chính quyền Biden sẽ đi bao xa là liệu họ có chấp thuận các thẩm phán mới hay không. Một đại diện Nhà Trắng không bình luận về việc liệu chính quyền Biden có ý định phê chuẩn các thẩm phán mới cho cơ quan tài phán WTO hay không.
Các chuyên gia thương mại không tin tưởng rằng WTO sẽ hoạt động trở lại như trước trong một tương lai gần. “Nước Mỹ rất quan tâm tình huống này. Dĩ nhiên, họ không muốn có một phán quyết chống lại họ”, Lester nói.
Douglas Holtz-Eakin, Chủ tịch Diễn đàn Hành động Mỹ theo khuynh hướng bảo thủ, cho rằng “không có gì phải bàn cãi” bởi các điều khoản trong kế hoạch trợ cấp tín dụng là phân biệt đối xử với các hãng nước ngoài. Nếu không có giải pháp cho các khiếu nại tín dụng thuế với xe điện, ông cho rằng EU có khả năng đưa ra các biện pháp trả đũa đối với các tập đoàn lớn của Mỹ đang làm ăn tại châu Âu.
“Đây chưa phải là ngõ cụt, nếu phía Mỹ có thiện chí sớm đẩy mạnh và khắc phục quy trình khiếu nại của đối tác thương mại. Trên cơ sở lưỡng đảng, các nhà lãnh đạo đã trở nên mất thiện cảm, tin tưởng WTO bởi tổ chức này đã không có khả năng tạo áp lực lên Trung Quốc”, Holtz-Eatkin nói.
Trong khi đó, giáo sư về luật thương mại Padideh Ala’I thuộc American University cho rằng WTO là cơ chế thiếu hiệu quả khi không thể khống chế hay trừng phạt các hành vi vi phạm của Trung Quốc.
“Việc xây dựng luật lệ quốc tế là quan trọng. Nếu thiếu đi một cơ quan giải quyết tranh chấp có hiệu quả, các mối quan hệ thương mại thế giới giờ đây sẽ được hành xử theo các hiệp định và đàm phán song phương giữa các bên quyền lực và các nước nhỏ hơn. Chúng ta tham gia vào các thỏa thuận này để có thể bảo vệ hòa bình và bình đẳng thương mại. Và giờ đây, chúng ta sẽ phải tìm ra các giải pháp thay thế mà không cần đến cơ quan phúc thẩm của WTO”.