Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nghiên cứu kinh nghiệm pháp lý quốc tế về xử lý, cải tạo chung cư cũ

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hiện cả nước có hàng ngàn chung cư cũ, trong đó có nhiều chung cư đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, nguy hiểm, nhưng số được sửa chữa và cải tạo còn ít do nhiều khó khăn vướng mắc. Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để giải quyết vấn đề này để các tỉnh, thành phố và cơ quan chức năng tham khảo.

Một khu chung cư cũ. Ảnh minh họa: TTXVN

Những chia sẻ nêu trên được đưa ra tại hội thảo triển khai giải pháp công nghệ “Mô hình cộng đồng hộ dân tổ chức liên kết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”. Hội thảo do trường Đại học Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Đại học Xây dựng, Liên minh Quyền nhà ở châu Á và Công ty Cổ phần Đầu tư Tiếp thị Bất động sản Việt Nam tổ chức vào ngày 25-8.

Nói tại hội thảo, ông Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho biết trên cả nước hiện có hàng nghìn khu chung cư cũ. Trong đó có nhiều nhà chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, cần cải tạo và xây dựng lại. Song hoạt động này được triển khai còn rất chậm. Tại Hà Nội, vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã và đang được chính quyền thành phố này quan tâm, tìm các giải pháp và nguồn lực để giải quyết nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Phạm Xuân Anh cho hay hiện tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội đang chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Đại học Xây dựng thực hiện đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở các đô thị Việt Nam, thí điểm tại Hà Nội”.

Còn ông Phạm Đình Tuyển, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng trong nhiều năm, thành phố Hà Nội chỉ mới cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ khoảng hơn 1,2% - con số này cho thấy đây là vấn đề không đơn giản. Mô hình cộng đồng hộ dân tổ chức liên kết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là mô hình xã hội hóa phổ biến tại nhiều quốc gia. Song tại Việt Nam, đây là mô hình vẫn còn mới mẻ nên còn nảy sinh nhiều vấn đề cần thảo luận, trao đổi và hoàn thiện trong thực tiễn.

Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Hiếu, đại diện nhóm nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở các đô thị Việt Nam, thí điểm tại Hà Nội” đã chia sẻ về kinh nghiệm pháp lý liên quan đến xử lý, cải tạo chung cư cũ tại một số nước trên thế giới.

Theo đó, kinh nghiệm tại Trung Quốc là công khai lợi ích của người dân khi cải tạo chung cư cũ để có được sự đồng thuận cao nhất; chú ý đến vấn đề tham vấn và sự hài lòng, đồng thuận của cộng đồng trong quá trình cải tạo chung cư cũ.

Còn tại Hàn Quốc, người dân góp tiền cùng doanh nghiệp tư nhân để kinh doanh thu lợi nhuận về cho dự án cải tạo và cho chính bản thân. Để thực hiện mô hình hợp tác này, các chủ sở hữu các tài sản trong khu dân cư được chính quyền thành phố chỉ định phải tái phát triển tập hợp lại và thành lập một hiệp hội các chủ sở hữu cho dân chủ.

Tại Singapore, các tòa nhà xuống cấp sẽ được phá hủy hoặc xây mới. Tại đảo quốc Sư tử này chú trọng tham vấn ý kiến cư dân trong việc xử lý, cải tạo chung cư cũ. Nếu người dân đồng ý thì Chính phủ sẽ mua lại toàn bộ khu nhà, đền bù tiền cho người dân để mua một ngôi nhà khác. Tiếp đó, Chính phủ Singapore toàn quyền quyết định việc xây dựng lại khu chung cư. Nếu người dân chưa đồng ý, thì được tiếp tục sinh sống cho đến hết thời gian sở hữu (90 năm).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới