Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thưởng, phạt phải rõ ràng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thưởng, phạt phải rõ ràng

Hồ Quốc Tuấn (*)

(TBKTSG) - Gần đây, một bài viết “Quản lý tốt rủi ro thanh khoản - một yếu tố cần thiết để tạo mặt bằng lãi suất hợp lý” đăng ngày 1-4-2011 trên trang web của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đề xuất một giải pháp là “tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn không được rút trước hạn, trừ trường hợp đặc biệt khi khách hàng có thỏa thuận trước với ngân hàng.

Không cho rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn?

Bài viết này sau đó đã được một số báo mạng đăng lại như là một đề xuất “nâng cao trình độ” quản trị rủi ro thanh khoản của ngân hàng thương mại (NHTM).

Trước tiên, có thể thấy tác giả đề xuất NHNN xem xét quay lại thực hiện một quy định cũ. Khoản 1, điều 16 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 có nêu rõ “Người gửi tiền được rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn nếu có thỏa thuận với tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm khi gửi tiền và phải thông báo trước yêu cầu rút tiền trước hạn theo quy định của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”.

Như vậy, thực tế quyết định này trao quyền tự chủ cho tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm trong thương lượng với khách hàng chuyện này. Muốn cho rút trước hạn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thương lượng ngay từ ban đầu với khách hàng, là quyết định thương mại và trên tinh thần thỏa thuận, không phải là áp đặt bằng biện pháp quản lý hành chính gì cả, và càng không phải là không cho rút tiền trừ “trường hợp đặc biệt” như tác giả đề xuất.

Chưa hết, sau khi trải qua những phiên bản “tam sao thất bổn” của vài trang tin trên mạng, điều này trở thành giải pháp “không cho rút trước hạn các khoản tiền gửi có kỳ hạn”. Thông điệp kiểu này vẫn được đăng tải và trích lại tại một số trang tin trên mạng, gây ra những tranh luận không cần thiết trong khi không có những lời “nói thêm cho rõ” nào về chuyện này, càng làm các thông điệp về quản trị thanh khoản hiện nay trở nên rối rắm đối với người dân và doanh nghiệp.

Biện pháp hành chính có thể nâng “trình độ quản trị rủi ro thanh khoản”?

Việc thỏa thuận có cho phép khách hàng được rút tiền gửi trước hạn hay không đối với từng loại sản phẩm huy động, và nếu có thì hưởng lãi suất bao nhiêu, đúng ra phải tùy vào độ sáng tạo và khả năng quản trị của ngân hàng.

Thế nhưng, gần đây, NHNN đã ban hành Thông tư 04/2011 quy định khi cá nhân rút tiền gửi trước hạn chỉ được nhận mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng. Những động thái này cho thấy phải chăng có thể dùng giải pháp hành chính để can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của NHTM sẽ giúp nâng cao “trình độ quản trị rủi ro thanh khoản” của ngân hàng?

Thật khó đồng tình với những quan điểm kiểu như vậy. Phải chăng cơ quan quản lý đang cào bằng độ linh hoạt và chất lượng dịch vụ của các ngân hàng? Ngân hàng thiếu thanh khoản, có trình độ quản trị kém thì có thể dựa vào đó mà bắt chẹt khách hàng trong khi ngân hàng có trình độ quản trị thanh khoản tốt thì không thể thương lượng cho dịch vụ tốt nhất, linh hoạt nhất cho khách hàng.

Làm như vậy chẳng những không tăng được trình độ quản trị thanh khoản của các ngân hàng có vấn đề về thanh khoản, mà còn có thể làm tăng mức độ dựa dẫm vào chính sách của các ngân hàng này. Lấy ví dụ, thông thường nếu có rủi ro rút tiền (withdrawal risk), các NHTM sẽ cần phải quản trị những tình huống xảy ra trạng thái thâm hụt tiền gửi (deposit drain). Bây giờ nếu can thiệp hành chính hạn chế rút tiền gửi cho toàn bộ hệ thống ngân hàng thì khác gì làm nhẹ gánh cho các ngân hàng quản trị rủi ro thanh khoản kém, bởi vì rủi ro đó đã được NHNN xóa bỏ giùm. Một hệ thống như vậy sẽ luôn tiềm ẩn rủi ro thanh khoản và tín dụng từ những NHTM kém sẽ luôn làm NHNN phải bận rộn quan tâm “đảm bảo an toàn hệ thống”.

Phải thưởng, phạt rõ ràng

Sự dựa dẫm của một số NHTM vào NHNN còn thể hiện ở chỗ gần đây có đề xuất là NHNN tăng dự trữ bắt buộc lên rồi dùng số tiền tăng thêm đó để cho các ngân hàng có khó khăn về thanh khoản vay lại. Điều này không khác gì lấy tiền của ngân hàng có quản trị tốt đi giúp cho ngân hàng quản trị kém.

Thật khó hiểu là cùng làm ăn như nhau thì phải cùng tuân thủ pháp luật và cùng bình đẳng. Theo lẽ đó, ngân hàng nào yếu kém thì phải bị phạt chứ sao lại bắt ngân hàng quản trị tốt cứu. Phạt có nhiều cách, ví dụ NHNN cứu rồi đánh thuế lại thật nặng như một số nước ở châu Âu thực hiện như một dạng thuế phạt, hoặc bắt ngân hàng có vấn đề phải bán lại vốn với giá rẻ cho ngân hàng có quản trị tốt, hoặc là thay đổi người điều hành lẫn chủ sở hữu nếu đã mất khả năng quản trị, thậm chí mất khả năng thanh toán...

Trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện vai trò tạo lập và từng bước hoàn thiện khung pháp lý và khuôn khổ về quản trị rủi ro thanh khoản, an toàn vốn của các ngân hàng và giám sát việc thực hiện. Còn bản thân NHTM thì cứ theo khuôn khổ đó mà hoạt động, nếu trình độ quản trị rủi ro kém, bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán mà không ai cứu giúp thì phải cho phá sản hoặc bị sáp nhập vào tổ chức khác.

Nếu NHNN muốn yêu cầu NHTM vững mạnh cứu ngân hàng yếu kém để đảm bảo an toàn hệ thống thì người cứu phải được thưởng, kẻ được cứu phải bị phạt nặng. Thiết nghĩ, thông điệp thưởng phạt phải rõ ràng thì NHTM mới không có tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào NHNN và việc quản trị thanh khoản nói riêng và quản trị rủi ro nói chung mới nghiêm túc.

________

(*) Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới