(KTSG Online) - Bước vào năm học mới 2022-2023, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh, sinh viên (HS-SV) không thay đổi, bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, HS-SV thực đóng là 563.220 đồng/năm.
Theo thông tin từ cơ quan Bảo hiểm xã hội, để đảm bảo quyền lợi cho HS-SV và đạt mục tiêu 100% HS-SV tham gia BHYT, một số tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HS-SV từ ngân sách địa phương, do đó số tiền thực đóng BHYT của mỗi HS-SV sẽ tiếp tục được giảm.
Cụ thể, khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến, HS-SV được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT với điều kiện: Nếu tổng chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương 223.500 đồng); khám chữa bệnh tại tuyến xã (trạm y tế xã, phường, thị trấn); có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 8.940.000 đồng).
HS-SV được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh.
Đối với trường hợp khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến, tại bệnh viện tuyến trung ương, HS-SV được giảm 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh hưởng 100% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến huyện hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú.
Về thời hạn sử dụng thẻ BHYT, thẻ này được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông; HS-SV của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục dạy nghề.