Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vẫn có tình trạng các cửa hàng thiếu xăng dầu và đóng cửa

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong khi hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TPHCM vẫn diễn ra ổn định thì ở một số địa phương như Sóc Trăng, An Giang, Gia Lai... vẫn có tình trạng một số cửa hàng thiếu xăng dầu cục bộ, nguồn cung hạn chế hoặc có cửa hàng tự ý đóng cửa trái quy định...

Cửa hàng xăng dầu Duy Lâm ở Gia Lai tự ý đóng cửa đã bị xử phạt. Ảnh: website Cục QLTT Gia Lai

Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng vào đầu tuần này, giá xăng dầu trong nước được dự báo có thể sẽ được điều chỉnh tăng theo trong thời gian sắp tới. Điều này dẫn đến tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng đầu tại vùng ĐBSCL, theo phản ánh của báo chí truyền thông, đóng cửa do thiếu nguồn hàng để bán. Bên cạnh đó, một số thương nhân, doanh nghiệp phản hồi nỗi lo ngại càng bán hàng càng thua lỗ...

Tại TPHCM, ghi nhận của KTSG Online, ngày 2-9, bắt đầu ngày thứ hai của kỳ nghỉ lễ dài bốn ngày, tại một số cửa hàng xăng dầu quận Tân Phú, Tân Bình, quận 1, quận 3, quận 5, … hoạt động buôn bán vẫn diễn ra bình thường. Lượng khách đến đổ xăng không nhiều như ngày thường, thậm chí nhiều cửa hàng nhân viên bơm xăng thảnh thơi chờ khách.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TPHCM có khoảng 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, một thương nhân làm tổng đại lý và 28 đại lý bán lẻ.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh An Giang trong bối cảnh có nhiều biến động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang đã chỉ đạo các Đội QLTT giám sát các cơ sở bán lẻ xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh trong ngày nghỉ lễ Quốc khánh.
Cụ thể, trong ngày 2-9, các Đội QLTT trực thuộc Cục QLTT tỉnh An Giang tổ chức giám sát 588 cơ sở bán lẻ xăng dầu, kết quả có 570 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 22 cửa hàng hết xăng và dầu; 7 cửa hàng hết xăng; 25 cửa hàng hết dầu, theo thông tin đăng trên website Tổng cục QLTT. Đồng thời, thời gian này có 12 cửa hàng tạm ngưng hoạt động, theo thông tin đăng trên website của Cục QLTT tỉnh An Giang.
Cùng ngày, các doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn tỉnh gồm doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý có văn bản gửi Sở Công Thương cam kết và giải trình một số nội dung như: đảm bảo nguồn cung, nguồn hàng cho hệ thống, cố gắng duy trì trong tình trạng lỗ, không có hoa hồng, cam kết nguồn xăng liên tục, không hạn chế trong 1 tuần,…
"Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp khó khăn như mua hàng, hoa hồng bằng không từ gốc, số lượng nhỏ giọt, nguồn cung khan hiếm, kinh doanh lỗ kéo dài, bán hàng không có lợi nhuận trong thời gian dài,…", theo nội dung đăng trên website của Cục QLTT An Giang.
Đội QLTT giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu ở An Giang. Ảnh: website Cục QLTT An Giang

Sóc Trăng cũng là một trong những địa phương mà báo chí thông tin có nhiều cây xăng đóng cửa do thiếu nguồn cung trong thời gian qua. Và theo báo cáo của Cục QLTT Sóc Trăng, từ ngày 28-8 đến ngày 31-8-2022, qua kiểm tra khảo sát của lực lượng quản lý thị trường, trên địa bàn tỉnh các cửa hàng mở cửa hoạt động bình thường nhưng lại rơi vào trường hợp có nơi hết xăng còn dầu, có cửa hàng còn dầu nhưng hết xăng….

Thông tin đăng trên trang web của Cục QLTT Sóc Trăng rằng các đội quản lý thị trường của Cục tổ chức giám sát 445 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh và lập biên bản xác minh làm việc 20 cửa hàng có tình trạng hết xăng hoặc hết dầu. Qua làm việc hầu hết các cửa hàng thông tin thương nhân đầu mối cung cấp hàng về không kịp thời hoặc cung cấp hàng nhỏ giọt cho các cửa hàng, trong khi đang thời điểm vào mùa vụ sản xuất, thu hoạch và các ngày lễ đang sắp diễn ra.

Lực lượng QLTT tỉnh đã ghi nhận lại ý kiến phản hồi của các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu làm căn cứ xác minh làm việc với các thương nhân đầu mối cung cấp xăng dầu.

Cục QLTT Sóc Trăng và Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cũng mời các thương nhân đầu mối cung cấp xăng dầu cho thị trường Sóc Trăng đến làm việc và cam kết cung ứng hàng cho thị trường trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 30-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có chỉ đạo và thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Mỗi đoàn công tác do một Thứ trưởng làm Trưởng đoàn và đại diện 4 đơn vị: Tổng Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ và Vụ Pháp chế.

 

Ba đoàn công tác sẽ thực hiện đợt kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9. Các đoàn công tác sẽ hoạt động liên tục đến hết năm 2022 và cho đến khi ổn định tình hình cung ứng, phân phối xăng dầu trên thị trường.

Theo website của Cục QLTT Sóc Trăng, tại buổi làm việc, các đại diện thương nhân là các chi nhánh thực hiện phân phối cung hàng cho thị trường Sóc Trăng cũng trình bày nhiều lý do như do Công ty cung cấp hàng xuống chưa kịp thời, cung theo sản lượng bình quân ba tháng liền kề, xe các cửa hàng nhận hàng chậm không kịp đáp ứng nhu cầu người dân, công ty gặp sự cố chưa kịp phục hồi…

Mặc dù vậy, tại buổi làm việc các chi nhánh của thương nhân đầu mối cam kết đề xuất công ty mẹ tăng nguồn cung cho chi nhánh, đảm bảo nguồn cung cho người dân trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng cửa hàng hết hàng.

Còn theo thông tin trên website Cục QLTT Gia Lai, quá trình theo dõi, giám sát, ngày 1-9 vừa qua, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 7 của Cục QLTT Gia Lai đã kịp thời phát hiện, lập biên bản và hoàn thiện hồ sơ xử phạt 15 triệu đồng đối với cửa hàng xăng dầu Duy Lâm thuộc Công ty TNHH MTV Duy Lâm Gia Lai.

Nguyên nhân là do nhà kinh doanh cây xăng dầu tại xã Tân An, huyện Đăk Pơ đã đóng cửa ngừng bán hàng từ 11 giờ đến 16 giờ mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Theo báo cáo của Cục QLTT Gia Lai, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương cơ quan này đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu, cho thấy phần lớn các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh hoạt động bình thường, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Tại một số thời điểm có một số cửa hàng hết xăng dầu, tuy nhiên, ngay sau đó thời gian ngắn các cửa hàng này đã nhập được hàng từ các thương nhân phân phối và tiếp tục cung cấp xăng dầu cho người dân theo quy định.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 8 lần giảm và một lần giữ nguyên. Hiện giá xăng bán lẻ tương đương mức giá hồi cuối tháng 1-2022.Tại kỳ điều hành ngày 22-8-2022, giá xăng được giữ nguyên còn giá dầu được điều chỉnh tăng. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giữ nguyên, giá bán không quá 23.725 đồng/lít; giá xăng RON95 giữ ở mức giá 24.669 đồng/lít.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới