(KTSG Online) - Giá cước vận chuyển container trên các tuyến hàng hải quan trọng của thế giới đang lao dốc, đơn cử, chi phí gửi container từ Trung Quốc sang Mỹ giảm đến 60%. Ngay cả thời điểm hiện tại, vốn thường là mùa cao điểm của ngành sản xuất, giá cước vẫn đang giảm do các chủ hàng đã vận chuyển sớm hàng hóa phục vụ dịp lễ Giáng sinh cuối năm. Bên cạnh đó, lạm phát cũng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng.
- Đình công ở cảng container lớn nhất nước Anh đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu
- Việt Nam cần hơn 1 tỉ đô la đầu tư đội tàu container đi các tuyến nội Á
Hiện tại, chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ khoảng 5.400 đô la Mỹ, giảm 60% so với tháng 1, theo chỉ số Freightos Baltic. Một container vận chuyển từ châu Á đến châu Âu có giá cước 9.000 đô la, giảm 42% so với hồi đầu năm. Giá cước cho cả hai tuyến vận tải biển này, dù vẫn cao hơn mức trước đại dịch, đã giảm sâu so với mức đỉnh hơn 20.000 đô la vào tháng 9 năm ngoái.
Các điều kiện thị trường đã đảo ngược mạnh so với trước đó trong đại dịch. Giá cước vận tải biển tăng gần 10 lần trong năm 2021 khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, container ứ đọng ở các cảng và nhu cầu lượng hàng hóa tăng vọt khiến các nhà nhập khẩu phải tranh giành chỗ đặt container trên tàu. Một số chuỗi bán lẻ lớn của Mỹ như Walmart thậm chí thuê bao trọn gọn tàu hàng để giải quyết các tắc nghẽn năm ngoái.
Năm nay, Walmart và các nhà bán lẻ khác chứng kiến hàng tồn kho quá nhiều sau khi họ đua nhau nhập hàng sớm hơn bình thường. Họ lo ngại tình trạng chậm trễ trong giao hàng và kỳ vọng nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ nhưng tất cả đều không thành hiện thực. Các nhà sản xuất cũng vận chuyển hàng sớm hơn bình thường. Những nhà bán lẻ thời trang như Gap và các nhà sản xuất đồ chơi bao gồm Hasbro báo cáo mức tồn kho tăng mạnh trong quí 2.
Jonathan Roach, nhà phân tích vận tải biển tại Công ty tư vấn Braemar, có trụ sở tại London, nói: “Đối với giá cước giao ngay, bữa tiệc đã kết thúc. Bối cảnh của một cơn suy thoái toàn cầu tiềm ẩn, do giá năng lượng tăng cao và lạm phát tăng nhanh, đang khiến thị trường đi xuống. Cơn bùng nổ nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã lắng dịu và chi tiêu cho du lịch, giải trí và dịch vụ bắt đầu hồi sinh vào năm 2021”.
Theo các chủ tàu và các nhà phân tích, giá cước vận tải biển sẽ giảm hơn trong thời gian còn lại của năm nay và trong năm 2023. Một loạt tàu container mới đóng sẽ đi vào hoạt động trong 2 năm với với mức tăng trưởng đội tàu cointainer trên toàn cầu dự kiến vượt 9% trong năm tới và năm 2024. Để so sánh, tăng trưởng số lượng container sẽ rơi xuống mức âm vào năm sau, trước khi tăng trở lại khoảng 2% trong năm 2024, theo Braemar.
Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh tuần trước, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị hàng điện tử Best Buy, Corie Barry ghi nhận áp lực chi phí vận chuyển hàng hóa đang giảm bớt. Bà nói Best Buy giờ đây dễ dàng tìm được các không gian vận chuyển hàng hóa trên tàu biển và xe tải.
Peter Sand, Giám đốc phân tích của nhà cung cấp dữ liệu hàng hải Xeneta, nói: “Đây thực sự không một mùa kinh doanh cao điểm của ngành vận tải biển vì lần đầu tiên, khối lượng hàng hóa vận chuyển trong nửa cuối năm đang thấp hơn so với nửa đầu năm. Có rất nhiều bất ổn do cuộc chiến tiếp tục ở Ukraine và kinh tế toàn cầu đang suy yếu”.
Trong một báo cáo vào tháng trước, Xeneta cho biết giá cước vận chuyển container trên thị trường giao ngay đã giảm rất nhanh và đã tiến gần đến giá hợp đồng dài hạn, vốn thường có mức chiết khấu cao, thậm chí còn thấp hơn giá hợp đồng dài hạn ở một số thị trường. Hầu hết các nhà nhập khẩu lớn như Walmart vận chuyển hàng hóa của họ thông qua các hợp đồng dài hạn thay vì trả giá giao ngay.
10 hãng tàu container lớn nhất thế giới đạt lợi nhuận đột biến trong hai năm qua. Lợi nhuận ròng trong quí gần đây nhất của hãng vận tải biển Maersk (Đan Mạch) là 8,59 tỉ đô la, vượt mức lợi nhuận thông thường của toàn bộ một năm.
Nhưng nhiều hãng vận tải biển đã cảnh báo về tình trạng suy yếu của thị trường trong nửa cuối năm 2022.
“Chúng ta cần chú ý đến tác động của lạm phát đối với nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng”, China Cosco Shipping (Trung Quốc), công ty điều hành đội tàu container lớn thứ tư thế giới, cho biết trong báo cáo tuần trước.
“Kết hợp với số lượng tàu mới được giao trong thời gian tới, nguồn cung của ngành sẽ phải đối mặt với một hiện trạng mới”, báo cáo cảnh báo.
Dù vậy, các nhà phân tích và lãnh đạo của các hãng tàu không cho rằng giá cước sẽ sớm quay trở lại mức trước đại dịch, một phần là do chi phí nhiên liệu cao hơn. Vào năm 2019, chi phí trung bình để vận chuyển một container qua Thái Bình Dương đến Bờ Tây nước Mỹ chỉ là 1.500 đô la.
Các hãng vận tải biển đang đầu tư hàng tỉ đô la vào các công nghệ và nhiên liệu mới nhằm cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon từ các tàu container của họ. Nhà phân tích Jonathan Roach nói: “Chi phí bổ sung cho việc vận chuyển sạch hơn sẽ không biến mất và đó sẽ là một yếu tố làm tăng giá cước trong dài hạn”.
Theo WSJ