Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế đối với xăng dầu

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, trong đó đề nghị các bộ, ngành tập trung bám sát tình hình 4 tháng cuối năm, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, tiếp tục nghiên cứu các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu.

Người dân và tiểu thương là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến động xăng dầu - Ảnh: TL

Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu cần bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án tiếp tục giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.

Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics... và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp, Phó thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường rà soát mức giá kê khai, đảm bảo mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.

Trường hợp yếu tố xăng dầu giảm, tác động làm giảm giá thì yêu cầu kê khai giảm giá cước đối với các doanh nghiệp vận tải. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá…, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, kê khai giá không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.

Đối với phân bón và thức ăn chăn nuôi, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ tăng cường sản xuất để thay thế phân bón vô cơ; rà soát, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng ra thị trường với giá hợp lý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với thức ăn chăn nuôi.

Đối với chính sách tiền tệ, Phó thủ tướng yêu cầu phải chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục vụ tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao tình hình trong nước và thế giới, đánh giá tác động chính sách về tỷ giá và tín dụng đối với cán cân xuất nhập khẩu. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Theo Cổng thông tin Chính phủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới