Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Like’, ‘share’ trên mạng có hậu quả pháp lý hay không?

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mạng xã hội hiện đã là một phần của cuộc sống, nhưng hãy suy nghĩ kỹ trước khi share hay like trên mạng xã hội.

Ngày nay, từ cá nhân đến doanh nghiệp, càng ngày chúng ta càng sử dụng mạng xã hội nhiều hơn như một hình thức giao tiếp xã hội hay để tiếp thị hàng hóa, dịch vụ. Một mặt, mạng xã hội là nơi chúng ta có thể chia sẻ kiến thức, thông tin, ý kiến một cách dễ dàng nhất, thì mặt khác, nó cũng là nơi phát tán nhiều nhất các thông tin sai lệch, các phát ngôn thù hận hay nội dung mang tính lừa đảo, trái pháp luật.

Tất nhiên, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội cũng dẫn đến hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật. Mạng xã hội đã không còn là “vùng vô luật” như trước đây.

Nếu như hiện nay các quy định pháp lý liên quan đến việc xử phạt người đăng tải nội dung xấu, độc, trái pháp luật trên mạng xã hội tương đối rõ ràng, thì quy định về việc sử dụng các chức năng “phản hồi” trên mạng xã hội ra sao?

Bất cứ ai sử dụng mạng xã hội Facebook đều biết đến chức năng like (thích) và chức năng share (chia sẻ) gắn với mỗi nội dung đăng tải: khi bạn bấm vào like - bạn thể hiện sự đồng tình hay yêu thích nội dung đó, khi bạn bấm vào share - bạn quyết định chia sẻ nội dung đó trên mạng xã hội. Vậy trong trường hợp người khác đăng tải nội dung xấu, độc, trái pháp luật, thì hành vi like hay share các nội dung này liệu có gây ra hậu quả pháp lý cho người thực hiện hay không?

Tất nhiên, thể hiện sự đồng tình, hay bất đồng với một quan điểm nào đó, là quyền tự do của mỗi người, nhưng đâu là giới hạn của sự tự do đó? Tùy luật của mỗi nơi, câu trả lời có thể khác nhau.

Ở Thụy Sỹ, cá nhân có hành vi like hay share nội dung trái pháp luật đăng trên mạng xã hội có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý.

Vào đầu năm 2020, Tòa án Tối cao của Thụy Sỹ đã đưa ra quyết định khẳng định rằng việc đồng tình ủng hộ và chia sẻ nội dung vu khống người khác có thể sẽ bị xử phạt như tội vu khống. Theo tòa án của Thụy Sỹ, truyền bá thông tin mang tính vu khống đủ để coi là hành vi vu khống theo luật của Thụy Sỹ.

Tuy nhiên, vì like và share là hành vi thực hiện trên mạng xã hội chứ không phải qua các phương tiện “truyền thống”, nên chỉ khi nào các hành vi này gây ra hậu quả là bên thứ ba tiếp cận được nội dung có tính chất vu khống, thì người thực hiện mới bị xử phạt.

Ở đất nước này, một người đàn ông 45 tuổi đã bị tòa án thành phố Zurich xử phạt tội vu khống vì like sáu lời bình luận mang các thông tin không đúng về Erwin Kessler, một nhà hoạt động xã hội vì quyền động vật ở Thụy Sỹ.

Cũng là ở châu Âu, nhưng luật của Liên minh châu Âu thì lại dẫn đến một kết quả khác. Năm 2016, một công nhân vệ sinh người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sa thải vì like một số nội dung bất lợi cho chủ lao động.

Người công nhân này phản đối quyết định sa thải ở tòa án lao động của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tòa án này cho rằng người chủ lao động có quyền sa thải anh ta, và quyền tự do ngôn luận không cho phép người lao động này like trên Facebook những nội dung gây rối loạn môi trường làm việc.

Khi vụ việc ra đến tòa án châu Âu về quyền con người, thì ngược lại, quan tòa lại xử thắng cho nhân viên bị sa thải, trên cơ sở rằng mọi cá nhân đều có quyền tự do “thích” hay không thích các nội dung đăng tải trên mạng xã hội.

Ở nước ta, Luật An ninh mạng cấm các hành vi đưa thông tin trái pháp luật trên không gian mạng, như đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, hay thông tin về hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, hay thông tin xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Một số quy định tương tự có thể thấy trong Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin...

Liên quan cụ thể tới hành vi like hoặc share trên Facebook, thì cần phải nhắc tới Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Theo khoản 1 điều 101 của nghị định này thì hành vi “cung cấp, chia sẻ” trên mạng xã hội những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín hay thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, thông tin “miêu tả tỉ mỉ” hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, thông tin kích động bạo lực... sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bấm vào nút like, tuy không là hành vi “chia sẻ” chủ động như việc bấm vào nút share, nhưng có thể tạo ra các tương tác khiến thông tin đó xuất hiện nhiều hơn trên Facebook của “bạn bè” người có hành vi này và điều này có thể thỏa mãn yếu tố “cung cấp, chia sẻ” thông tin xấu, độc, và có thể rơi vào phạm vi áp dụng của  điều 101 nghị định này.

Do đó, có thể khẳng định rằng theo luật Việt Nam, thì không chỉ với hành vi tung tin xấu, độc mà việc tương tác hay chia sẻ các thông tin này trên mạng xã hội cũng có thể dẫn tới hậu quả pháp lý với mức độ nghiêm trọng tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể. Vì thế, hãy suy nghĩ kỹ trước khi share hay like trên mạng xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới